Tham dự hội thảo có gần 200 đại biểu là cán bộ lĩnh vực CCHC các sở, ban, ngành; đại diện một số huyện, xã, điểm bưu điện và người dân, doanh nghiệp.
Từ năm 2010, Hà Tĩnh bắt đầu cung cấp các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trên Cổng thông tin điện tử hatinh.gov.vn với 6 DVC mức độ 3 thuộc các lĩnh vực: Đăng ký kinh doanh, xây dựng, công an, xuất bản. Từ đó đến nay, Hà Tĩnh đã ban hành nhiều giải pháp, văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao chất lượng phục vụ giải quyết thủ tục hành chính công cho người dân, doanh nghiệp.
Mặc dù đạt nhiều kết quả khả quan, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tính trong 4 tháng đầu năm 2019, tổng số hồ sơ nộp qua DVC mức độ 3, mức độ 4 đạt 3.504 hồ sơ, tỷ lệ 8,96%, chưa đảm bảo theo yêu cầu về cải cách hành chính.
Phó Giám đốc Sở TTTT Bùi Đắc Thế: Việc nộp hồ sơ trực tuyến đối với phần lớn người dân vẫn đang là một hình thức mới mẻ, thiếu kỹ năng.
Về nguyên nhân của những hạn chế trong DVCTT, dịch vụ bưu chính công ích, một số đại biểu cho rằng: Thực tế, các cơ quan hành chính Nhà nước chưa thực sự thực hiện nghiêm túc các quy định của Chính phủ, của UBND tỉnh đã ban hành về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích; thiếu chủ động trong công tác vận động, tuyên truyền và hướng dẫn người dân, doanh nghiệp; thiếu kiên quyết trong chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp vận hành DVCTT.
Mặt khác, người dân vẫn có thói quen truyền thống trong giải quyết TTHC là nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận mộ cửa các cấp…
Trưởng phòng CCHC - Sở Nội vụ Nguyễn Văn Thảo: Các cơ quan hành chính Nhà nước hiện vẫn chưa thực sự thực hiện nghiêm túc các quy định của Chính phủ, của UBND tỉnh đã ban hành về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến là những giải pháp nâng cao DVCTT, dịch vụ bưu chính công ích, trong đó đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước đề xuất tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền về lợi ích của các dịch vụ bằng nhiều hình thức; đề nghị các sở, ngành tiếp tục cập nhật, hiệu chỉnh bộ TTHC theo hướng đơn giản, phù hợp với các giao dịch điện tử;
Chánh Văn phòng UBND huyện Thạch Hà Đoàn Tiến Đạt: Bưu điện tỉnh cần chủ động phối hợp tổ chức nâng cao năng lực cho nhân viên về nghiệp vụ tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả và thuận tiện và phục vụ tốt nhất theo nhu cầu của tổ chức, cá nhân.
Bưu điện tỉnh cần chấn chỉnh tình trạng tiếp nhận và trả kết quả bưu chính công ích, chủ động phối hợp tổ chức nâng cao năng lực cho nhân viên về nghiệp vụ tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả và thuận tiện và phục vụ tốt nhất theo nhu cầu của tổ chức, cá nhân; nâng cấp các hệ thống phần mềm để tránh quá tải, nghẹt mạng hoặc các lỗi kỹ thuật khác…
"Hiến kế" tại hội thảo, đại diện đơn vị cung ứng dịch vụ bưu chính công ích - Bưu điện tỉnh cho rằng, cần triển khai đồng bộ việc luân chuyển hồ sơ nội bộ từ xã lên huyện, từ huyện lên tỉnh và ngược lại; nên thực hiện DVCTT tại điểm văn hóa xã, nâng cao tỷ lệ thực hiện DVC mức độ 3, mức độ 4...
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm hành chính công huyện Thạch Hà đã tiếp nhận 213 hồ sơ dịch vụ công mức độ 3, hơn 1.500 lượt bưu chính công ích.
Tại hội thảo, một số người dân, doanh nghiệp cũng kiến nghị nghiên cứu, rà soát lại để công danh mục các thủ tục có áp dụng DVC, ưu tiên những dịch vụ người dân cần; thiết kế giao diện dịch vụ dễ hiểu, dễ sử dụng hơn; tạo sự liên kết đa ngành trong DVC; bố trí cán bộ có năng lực kiểm tra hồ sơ cần thiết, nội dung các hồ sơ để trả lời ngay cho người dân, doanh nghiệp tránh tình trạng trả hồ sơ nhiều lần...