Nền báo chí nhân văn dựa trên nền tảng pháp luật và đạo đức

(Baohatinh.vn) - Đạo đức nghề nghiệp của người làm báo luôn là yếu tố sống còn, cốt lõi đối với hoạt động báo chí. Nhân kỷ niệm 96 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Hải - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh đã có những chia sẻ với Báo Hà Tĩnh xung quanh vấn đề này.

- Thưa ông, thời gian qua, hoạt động báo chí trên địa bàn đã góp phần tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh nhà. Ông đánh giá về điều này như thế nào?

Có thể tự hào khẳng định, sự đóng góp về công sức, trí tuệ của Hội Nhà báo, đội ngũ những người làm báo Hà Tĩnh thời gian qua đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển chung của tỉnh.

Báo chí đã thực sự giữ vai trò cầu nối giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân, thực sự trở thành diễn đàn tin cậy, thông tin 2 chiều, phản ánh trung thực và có trách nhiệm những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, của dư luận xã hội.

Hội báo Xuân hàng năm là diễn đàn để báo chí Hà Tĩnh trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp.

Đội ngũ những người làm báo Hà Tĩnh luôn là lực lượng xung kích trên mặt trận thông tin truyền thông, văn hóa - tư tưởng; đã tuyên truyền đúng, trúng, kịp thời, có định hướng, sinh động về mọi mặt của đời sống xã hội; tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của địa phương tới các tầng lớp nhân dân.

Đồng thời làm tốt chức năng định hướng, phản biện, kịp thời đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực; phê phán, bác bỏ những thông tin, quan điểm sai trái, âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực phản động, thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của cấp ủy, sự điều hành, quản lý của chính quyền các cấp.

Phóng viên Báo Hà Tĩnh, Đài PT-TH tỉnh và các cơ quan thông tấn báo chí tác nghiệp tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, diễn ra ở Hà Nội tháng 1/2021.

Báo chí cũng đã làm tốt công tác thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh, con người Hà Tĩnh đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Nhiều cơ quan báo chí, nhiều nhà báo tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, giúp đỡ các địa phương, những người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Điều quan trọng là niềm tin vào đội ngũ những người làm báo luôn tồn tại vững vàng trong lòng Nhân dân và cấp ủy, chính quyền.

Tác nghiệp trong điều kiện dịch Covid-19 phức tạp, nữ phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh mặc đồ bảo hộ và đảm bảo khoảng cách khi phỏng vấn nhân vật.

Ngay trong những ngày sắp cận kề kỷ niệm 96 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, ngay khi tôi đang trò chuyện cùng bạn, thì ngoài kia các đồng nghiệp của chúng ta vẫn đang căng mình cùng cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng và người dân phòng, chống đại dịch Covid-19 bằng tất cả nhiệt huyết, tinh thần nhân văn và lòng dũng cảm.

Phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp luôn cháy sáng lên trong mỗi trái tim người làm báo chân chính trong khó khăn, trong lũ dữ và trong đại dịch.

- Dẫu vậy, hoạt động báo chí tại Hà Tĩnh vẫn còn một số tồn tại liên quan đến đạo đức, tác phong người làm báo, ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

Bất cứ một người làm báo có lương tri nào cũng cảm thấy đau lòng khi nhắc lại sự việc một số cộng tác viên, phóng viên của một vài tờ báo, tạp chí do thiếu hiểu biết về pháp luật, thiếu lòng tự trọng nghề nghiệp, lợi dụng báo chí để trục lợi… đã bị cơ quan chức năng xử lý trong thời gian qua.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở TT&TT và Hội Nhà báo Hà Tĩnh tổ chức tọa đàm về “Đạo đức nghề nghiệp người làm báo” tháng 11/2019.

Thực tế những vi phạm của các cộng tác viên, phóng viên đã xảy ra cho thấy, không ít những người làm báo và một số cơ quan báo chí đã thiếu nghiêm khắc trong việc tuân thủ Luật Báo chí và 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp; coi nhẹ phẩm chất cốt lõi của nhà báo và của tác phẩm báo chí là sự trung thực; coi nhẹ chức năng định hướng thông tin là chức năng quan trọng hàng đầu của nền báo chí cách mạng… Đó là những bài học đau xót và đầy cảnh tỉnh với bất cứ người làm báo nào.

Tập huấn nghiệp vụ cho người làm báo là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao đạo đức báo chí.

Điều này cho thấy, không ít người làm báo thiếu những kiến thức cơ bản, “phông nền” về Luật Báo chí. Bởi nếu hiểu về Luật Báo chí, hơn ai hết, chúng ta sẽ biết được giới hạn của quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, biết những điều kiện để cấp phép cho hoạt động báo chí, biết rõ về trách nhiệm của người đứng đầu, về quyền và nghĩa vụ của nhà báo, biết được những điều nhà báo không được làm cùng những vấn đề về thông tin trên báo chí…

Điều này cũng cho thấy những vấn đề đã được cảnh báo, được đặt ra trong đời sống báo chí nhưng chưa được giải quyết thấu đáo: Đó là vấn đề thương mại hóa báo chí, báo hóa tạp chí, vấn đề coi trọng tôn chỉ, mục đích của từng cơ quan báo chí…

- Có thể thấy, đạo đức của người làm báo luôn là yếu tố sống còn, cốt lõi đối với hoạt động báo chí, vậy cần làm gì để nâng cao đạo đức người làm báo, đặc biệt trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, thưa ông?

Đạo đức nghề nghiệp là phẩm chất hàng đầu của người làm báo chân chính. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, khi sự phát triển của xã hội thông tin và cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động một cách toàn diện, sâu sắc đến nền báo chí, truyền thông Việt Nam thì việc giữ gìn đạo đức nghề nghiệp người làm báo càng cần thiết hơn bao giờ hết.

Tại Đại hội lần thứ VIII nhiệm kỳ 2020 - 2025 diễn ra tháng 7/2020, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi trao tặng bức trướng: “Đoàn kết - Trí Tuệ - Đổi mới - Phát triển” cho Hội Nhà báo Hà Tĩnh

Chỉ khi vấn đề đạo đức nghề nghiệp được tôn trọng, được thực hiện một cách tâm huyết và nền nếp thì báo chí cách mạng - nền báo chí nhân văn dựa vững chắc trên nền tảng pháp luật và đạo đức mới thể hiện rõ.

Theo tôi, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức tự trọng nghề nghiệp của mỗi nhà báo, hội viên. Khi một người có hiểu biết sâu về nghề, nắm vững kỹ năng nghề, gắn bó với nghề thì tất yếu sẽ yêu nghề và có lòng tự trọng nghề nghiệp. Những người thiếu hiểu biết, vụ lợi thì tất yếu sẽ thiếu lòng tự trọng và sẽ dẫn đến vi phạm. Lòng tự trọng nghề nghiệp sẽ giữ chân con người trước vi phạm.

Ý thức và bản lĩnh nghề nghiệp của mỗi người làm báo luôn là cốt lõi để bồi đắp đạo đức nghề nghiệp.

Suy cho cùng, cái gốc của nó vẫn phải là tăng cường sự hiểu biết về pháp luật để làm tiền đề rèn luyện bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, tâm huyết và có cơ chế giữa các cấp hội với các cơ quan báo chí và cơ quan quản lý báo chí.

Nhưng, trên hết vẫn là ý thức và bản lĩnh nghề nghiệp của mỗi người làm báo khi tự nguyện và tâm huyết đứng trong đội ngũ của những người làm báo chân chính, phụng sự một nền báo chí cách mạng, nhân văn và giàu tính chiến đấu!

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

(Thực hiện)

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói