Thông tin Nga hoàn thành thử nghiệm với tên lửa tầm xa 40N6E được Sputnik dẫn nguồn tin giấu tên trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga cho biết: "Quá trình thử nghiệm cấp quốc gia của tên lửa tầm xa 40N6E đã hoàn tất tại trường bắn Kapustin Yar.
Ủy ban liên bộ đánh giá thử nghiệm đã thành công và ký thông qua giấy chứng nhận cho loại tên lửa này. Dòng 40N6E có thể được biên chế trước mùa thu năm nay", nguồn tin cho biết.
|
Hệ thống S-400 của Nga. |
Dù nhà sản xuất Almaz-Antey từ chối bình luận về thông tin trên nhưng có một thực tế là hàng loạt vụ phóng thử đã được Lực lượng Phòng không Vũ trụ Nga (VKS) tiến hành từ tháng hai, giúp cải tiến một số thiết kế trên quả đạn. Theo kế hoạch, 40N6E sẽ được sản xuất hàng loạt trong tháng 7 và trang bị ngay sau đó.
Nói về sức mạnh của tê lửa mới, Tướng Alexander Gorkov, cựu Tư lệnh lực lượng phòng không Nga cho biết, 40N6E là tên lửa phòng không hai tầng đẩy sử dụng nhiên liệu rắn, có khả năng đánh trúng mục tiêu ở ngoài tầm theo dõi của tổ hợp S-400 hiện có trong quân đội Nga.
Điều này đòi hỏi Nga thiết kế đầu dò radar chủ động (ARH) thế hệ mới, giúp quả đạn tự bám bắt và lao tới mục tiêu mà không cần tín hiệu dẫn bắn. Nó được cho là có khả năng đánh trúng vệ tinh hoạt động trên quỹ đạo thấp cách mặt đất 185 km.
Tướng Alexander Gorkov nhấn mạnh: "Sự xuất hiện của đạn 40N6E không chỉ mở rộng đáng kể khả năng diệt mục tiêu, mà còn giúp các tổ hợp tên lửa khó bị đối phương tấn công hơn".
Thông tin Nga hoàn thành thử nghiệm cấp quốc gia với tên lửa tầm siêu xa của S-400 khiến những khách hàng mua hệ thống phòng thủ này khấp khởi mừng thầm.
Tuy nhiên, dù đã hoàn thành thử nghiệm và việc Nga có đồng ý bán 40N6E kèm theo phiên bản xuất khẩu của S-400 hay không lại là chuyện khác. Và trường hợp của Ấn Độ hay Thổ Nhĩ Kỳ cũng không phải là ngoại lệ.
Theo tuyên bố của Đại tá Viktor Murakshovsky, Tổng biên tập Tạp chí "Kho vũ khí Tổ quốc" của Nga, các tính năng chiến đấu của S-400 phiên bản xuất khẩu không tối tân bằng S-400 có trong kho vũ khí của phòng thủ Nga, và không được lắp đặt công nghệ kỹ thuật mới nhất – loại công nghệ Bộ Quốc phòng liệt kê vào danh sách bí mật quốc gia.
Đặc biệt, nếu như Bộ Quốc phòng chưa đồng ý sẽ không có bất cứ một loại vũ khí nào được chuyển ra nước ngoài trong cấu hình có thể gây ra mối đe dọa với nền an ninh quốc gia Nga. Quy định tương tự cũng được áp dụng cho S-400 phiên bản xuất khẩu.
Mặc dù không được trang bị công nghệ tối tân bằng phiên bản nội địa nhưng nhà phân tích này cũng nhấn mạnh mẫu S-400 xuất khẩu vẫn duy trì phần lớn năng lực tác chiến. Điều này đồng nghĩa với việc những khách hàng như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ đang tiếp nhận một trong những hệ thống phòng thủ hiện đại và tin cậy đỉnh cao.