Nga triển khai radar Voronezh để cứu thế giới

Theo Sputnik, năm 2017, Nga sẽ có mạng lưới radar cực mạnh với nòng cốt là Voronezh - loại radar giúp chặn đứng Thế chiến thứ 3 bằng tên lửa hạt nhân.

Triển khai dày đặc

Hệ thống phòng thủ tên lửa Nga mà nòng cốt là các trạm radar thế hệ mới Voronezh-DM của Nga không chỉ bao quát bảo vệ các con đường dẫn tới không phận Nga và kiểm soát khoảng không vũ trụ phân nửa thế giới, mà khi cần còn có khả năng ngăn chặn cuộc tận diệt hạt nhân.

Hệ thống radar Voronezh-DM là loại trạm radar cảnh báo sớm tên lửa thế hệ mới nhất của Nga, có thể phát hiện ra mục tiêu từ cự li xa tới 6.500 km và có thể đồng thời theo dõi đến 500 mục tiêu khác nhau.

Hệ thống cảnh báo sớm của Nga nhận được tín hiệu từ radar mặt đất thế hệ mới đa băng tần Voronezh-DM và cả vệ tinh trực nhật trên quỹ đạo. Nhờ đó, hệ thống sẽ phát hiện ngay điểm phóng tên lửa từ bất cứ nơi nào trên thế giới và chỉ sau vài phút là xác định được đường bay của tên lửa.

Hiện tại, hệ thống radar cảnh báo sớm các cuộc tấn công tên lửa của Nga bao gồm 4 trạm radar Voronezh-DM thế hệ mới: một trạm ở khu vực Leningrad, một trạm đặt tại vùng lãnh thổ Krasnodar, một trạm khác tại Kaliningrad đã được đưa vào trực chiến, cùng với trạm mới đã thử nghiệm xong ở Irkutsk.

Trạm radar Voronezh-DM của Nga.

Theo ông Nestechuk, Phó tư lệnh Lực lượng phòng thủ vũ trụ Nga, nước này đã triển khai xây dựng thêm 3 trạm radar lớp Voronezh mới tại vùng lãnh thổ Krasnoyarsk ở đông Siberia, tại nước nước cộng hòa Altai ở nam Siberia và tại khu vực Orenburg ở nam Ural.

Ngoài ra, Nga còn có nhiều loại radar siêu việt khác. Hệ thống radar Dnepr có thể phát hiện tên lửa đạn đạo từ các bệ phóng khác nhau (mặt đất, trên biển, trên không, từ tàu ngầm) ở cự li 2.500 - 3.500km.

Radar Container được thiết kế để phát hiện sớm các mục tiêu trên không cơ động cao, bao gồm cả tên lửa hành trình và máy bay không người lái, với tầm hoạt động lên tới 3.000km, có thể bao phủ gần hết châu Âu.

Radar đa chức năng Don-2N (Pill Box) được thiết kế là một mô hình kim tự tháp cụt bốn mặt độc nhất vô nhị trên thế giới, trên đó lắp đặt vô số các radar mảng pha điện tử con. Don-2N có phạm vi bao quát 2000km, phát hiện tên lửa đạn đạo trước khi nó tiếp cận mục tiêu 15 phút.

Với loạt trang bị trên, Nga hoàn toàn có lý do để khẳng định năng lực cảnh báo sơm tên lửa của mình. Và trên thực tế, lực lượng phòng thủ tên lửa Nga chưa hề bỏ sót bất cứ vụ phóng tên lửa nào. Và sau đây là một số ví dụ điển hình.

Thực tế ấn tượng

Nga đã không hề nói suông về năng lực của Voronezh-DM khi những hệ thống radar này đã tóm sống nhiều lần Mỹ và Israel âm thầm phóng tên lửa. Hồi tháng 9/2013, từ khu vực giữa Địa Trung Hải đã phóng lên hai tên lửa đạn đạo Anchor do Israel sản xuất.

Trong trường hợp này, các cường quốc hạt nhân cần cảnh báo kênh ngoại giao, nhưng điều đó không được thực hiện, bởi người ta tính toán rằng các tên lửa này khó nhận biết và sẽ chẳng ai phát hiện ra.

Hệ thống phòng không của Syria, hướng mà các tên lửa này bay tới, vẫn ở trạng thái không có thông tin, tuy nhiên Hệ thống cảnh báo về cuộc tấn công tên lửa của Nga đã tóm sống vụ phóng này từ các trạm radar Voronezh-DM đặt xa hàng ngàn km.

Diễn biến trong những trường hợp như vậy tính bằng phút, sĩ quan trực ban cần đưa ra quyết định: Hoặc là bỏ qua vụ phóng hoặc là dẫn đến khởi động hệ thống điều khiển lực lượng hạt nhân chiến lược "Kazbek" của đất nước.

Trong phương án thứ hai, trên chiếc “vali hạt nhân" của Tổng thống sẽ có tín hiệu về vụ phóng tên lửa trái phép, và hậu quả có thể vô cùng nghiêm trọng. Nhưng nhờ có Voronezh-DM, sự kiện này đã không dẫn đến việc kích hoạt chiếc vali hạt nhân huyền thoại.

Tên lửa Israel vừa khởi động đã bị phát hiện, các thiết bị của Voronezh trong khoảnh khắc cực kỳ ngắn ngủi đã ngay lập tức tính toán được tốc độ, phương vị và độ cao của tên lửa, vẽ ra được quỹ đạo của nó là bay về phía đông, vượt qua Nga.

Không chỉ tên lửa Israel lọt vào tầm ngắm, chỉ trong 2 ngày cuối năm 2014, Lực lượng phòng thủ vũ trụ (ADF) Nga đã phát hiện 3 vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa ở phía Đông Thái Bình Dương, quỹ đạo phóng của tên lửa hướng về phía Tây, tức là về phía lãnh thổ Liên bang Nga.

Tuy Lực lượng phòng thủ vũ trụ Nga không cho biết các vụ phóng tên lửa trên do nước nào thực hiện, nhưng theo truyền thông phương Tây, đây là 3 vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm (SLBM) do các tàu ngầm của Mỹ đang hoạt động ở phía Đông Thái Bình Dương thực hiện.

Mặc dù Nga không được thông báo trước nhưng Hệ thống radar cảnh báo sớm tên lửa của Nga đã không để lọt một tên lửa nào trong khu vực kiểm soát của họ. Việc này cho thấy, mức độ sẵn sàng chiến đấu cao và tính chuyên nghiệp của Lực lượng phòng thủ vũ trụ Nga.

Theo Đất việt

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói