Người cán bộ tiền khởi nghĩa luôn nêu cao trách nhiệm xây dựng quê hương

(Baohatinh.vn) - Phát huy truyền thống của gia đình, cụ Cao Văn San (SN 1927) một đời cống hiến sức trẻ, trí tuệ cho cách mạng; nuôi dạy con cháu nên người và tích cực đóng góp xây dựng quê hương. Cụ vinh dự là một trong 3 đại diện của Hà Tĩnh tham dự Hội nghị Biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2023.

Dù đã gần bước sang tuổi “bách tuế”, lại di chuyển quãng đường hàng trăm cây số sau chuyến đi dài từ Bình Dương về Hà Tĩnh thăm quê nhưng cụ Cao Văn San vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn, hoạt bát.

Cụ Cao Văn San (bên trái) và cụ Cao Văn Xoán (em trai, SN 1936) luôn tự hào về truyền thống của cha anh.

Theo lời kể của cụ San, bố đẻ của cụ là thầy giáo Cao Văn Hoan (? - 1942) người làng Đông Thuận (nay thuộc xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên). Dù không phải là đảng viên nhưng cụ Hoan là người có tinh thần yêu nước và tư tưởng chống giặc nên các đảng viên trong vùng thường xuyên qua lại với gia đình. Cụ Hoan có một người con rể là Hà Huy Tùng (em họ của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập) - là đảng viên, cán bộ cách mạng tại địa phương.

Được tiếp xúc với những thành phần tiến bộ, các thành viên trong gia đình cụ Hoan càng thêm cảm tình với cách mạng, trong đó, con trai cả là Cao Văn Đoàn (1921 - 1946) chiến đấu và hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, được công nhận là liệt sỹ; con trai thứ hai là Cao Văn San sôi nổi tham gia công tác thanh niên của Ủy ban Mặt trận Việt Minh xã; cùng cán bộ, Nhân dân địa phương giành chính quyền vào tháng 8/1945.

Sau cách mạng, cụ San tiếp tục hoạt động sôi nổi. Với vai trò là Bí thư Đoàn Thanh niên Trường cấp 2 xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên), cụ San tiên phong trong phong trào “Bình dân học vụ”, diệt “giặc dốt” tại địa phương. Sau nhiều thử thách và cống hiến, năm 1950, cụ vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Năm 1952, cụ xung phong lên đường nhập ngũ, cùng đồng đội tham gia nhiều trận chiến ác liệt ở chiến trường Tây Bắc.

Xuất ngũ trở về, cụ San có giấy gọi tham gia khóa đào tạo tại Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Bình. Sau khi hoàn thành chương trình học, cụ không quản ngại vất vả, hiểm nguy, xung phong nhận công tác dạy học ở vùng đất lửa Vĩnh Linh (Quảng Trị) và gắn bó với nơi này trong suốt 9 năm (1961 - 1970).

Sinh sống ở xa nhưng cụ Cao Văn San cùng con cháu thường xuyên về thăm và đóng góp xây dựng quê hương.

Dù điều kiện gia đình khó khăn nhưng với tinh thần hiếu học, cụ tiếp tục học lên chương trình đại học và trở thành giáo viên của những ngôi trường cấp 3 danh tiếng ở Hà Tĩnh như: Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh), Cẩm Bình (Cẩm Xuyên).

Noi gương cha ông, 4 người con, 11 người cháu của cụ đều chăm chỉ học hành, thành đạt trên vị trí công tác của mình ở các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp.

Suốt cuộc đời cống hiến cho cách mạng và sự nghiệp trồng người, khi nghỉ hưu, cụ vẫn tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương. Năm 1997, ở tuổi xế chiều, vợ chồng cụ San theo con cháu vào Bình Dương sinh sống. Năm 2022, cụ San và vợ là bà Phan Thị Đạt (SN 1930) vinh dự được đón nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.

Tuổi già, vợ chồng cụ San thêm hạnh phúc khi được vùi vầy cùng con cháu.

Cụ San chia sẻ: “Dù xa quê đã mấy chục năm nay nhưng tôi luôn đau đáu nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn, nơi thờ tự tổ tiên. Chính vì vậy, tôi luôn giáo dục con cháu truyền thống gia đình và trách nhiệm, tình yêu đối với quê hương, đất nước”.

Từ tinh thần, trách nhiệm đó, cụ San và các con cháu đã đóng góp rất nhiều tiền của cho công tác an sinh xã hội ở xã nhà. Năm 2017, doanh nghiệp của các con cháu cụ San đã ủng hộ 2,5 tỷ đồng xây dựng Trường Mầm non Cẩm Thịnh; đang nhận nuôi dưỡng thường xuyên 3 cháu mồ côi trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên với số tiền 1,5 triệu đồng/tháng. Hằng năm, con cháu cụ vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm quyên góp hàng trăm triệu đồng cho hoạt động từ thiện nhân đạo ở địa phương...

Con cháu cụ Cao Văn San thường xuyên đóng góp cho công tác an sinh xã hội trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên.

Ông Cao Minh Hòa - con trai cụ San cho biết: “Chúng tôi tự hào về truyền thống của gia đình và luôn động viên nhau nỗ lực trong học tập, lao động sản xuất. Bằng khả năng của mình, chúng tôi muốn đóng góp một phần công sức để hỗ trợ địa phương trong công tác an sinh xã hội. Đó cũng là cách chúng tôi duy trì sự gắn kết, nuôi dưỡng tình cảm với quê cha đất tổ”.

Đánh giá về những đóng góp của các thế hệ trong gia đình cụ Cao Văn San đối với địa phương, ông Nguyễn Hữu Thịnh - Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thịnh cho biết: “Gia đình cụ San là có truyền thống cách mạng tiêu biểu, bản thân cụ là cán bộ tiền khởi nghĩa, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng và giáo dục. Hiện nay, doanh nghiệp của con cháu cụ tại Bình Dương đang giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động của địa phương và luôn tiên phong trong việc đóng góp xây dựng nông thôn mới, an sinh xã hội ở quê nhà”.

Cụ Cao Văn San (thứ hai từ phải sang) và ông Nguyễn Viết Hồng - Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (thứ ba từ phải sang) tại Hội nghị Biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2023.

Cụ San là một trong 300 tấm gương tham dự Hội nghị Biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2023 được tổ chức tại Thừa Thiên Huế ngày 22/7 vừa qua. Sự kiện được tổ chức dịp kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7) càng trở nên ý nghĩa hơn, tô đậm thêm sự tri ân về những đóng góp của các thế hệ trong gia đình cụ Cao Văn San đối với quê hương, đất nước.

Tại Hội nghị Biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2023, ngoài cụ Cao Văn San, Hà Tĩnh còn có 2 đại diện là cụ Trần Văn Đoài (SN 1927) và ông Nguyễn Viết Hồng (SN 1945).

Cụ Trần Văn Đoài (thôn Yên Cường - xã Hòa Lạc - huyện Đức Thọ) là cán bộ tiền khởi nghĩa, bệnh binh 2/3. Bản thân cụ luôn chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; xứng đáng “tuổi cao, gương sáng” trong gia đình, xã hội. Cụ vận động con cháu quyên góp tặng hàng trăm suất quà dịp lễ, tết cho các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn; kêu gọi nguồn kinh phí tôn tạo lại giếng làng Trại Trúc (thôn Yên Cường) với tổng số tiền trị giá hàng trăm triệu đồng...

Ông Nguyễn Viết Hồng (thôn Nam Phú - xã Thạch Trung - TP Hà Tĩnh) là Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông đã phá hơn 100 quả bom; là người phát kiến ra bộ áo giáp làm từ rơm để phục vụ hiệu quả cho chiến đấu. Ông đã 3 lần được tặng huân chương chiến công, 10 lần nhận danh hiệu chiến sỹ thi đua. Năm 1973, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Trong thời bình, ông Hồng là đảng viên vùng giáo tiêu biểu. Với vai trò Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Nam Phú, ông Hồng tích cực vận động bà con giáo dân đồng lòng xây dựng nông thôn mới, chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Chủ đề Hoa đẹp núi hồng

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Chủ đề Người có công với cách mạng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói