Người dân đồng thuận, tin tưởng chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã

(Baohatinh.vn) - Trước thời điểm việc sắp xếp đơn vị hành chính có hiệu lực, người dân ở các xã thuộc diện sáp nhập tại Hà Tĩnh tin tưởng, kỳ vọng vào sự đổi thay, phát triển của địa phương.

Những ngày vừa qua, các thông tin về chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính thường xuyên được nhắc đến trong câu chuyện của người dân thôn Thượng Phú (xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà). Tới đây, Tượng Sơn sẽ nhập vào TP Hà Tĩnh.

Để bà con kịp thời nắm bắt, ngoài việc tăng cường tuyên truyền qua loa phát thanh, cán bộ xã cũng đã thường xuyên đề cập trong thời gian về cơ sở.

Ông Trần Danh Biên và vợ là bà Lê Thị Đức trò chuyện về chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính.

Càng gần đến ngày sáp nhập, ông Trần Danh Biên và vợ là bà Lê Thị Đức (thôn Thượng Phú, xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà) đan xen nhiều cung bậc cảm xúc.

"Chưa đầy 1 tháng nữa, các thông tin về nhân khẩu trong gia đình chúng tôi sẽ chính thức được đổi thành đơn vị hành chính mới. Gắn bó với quê hương Thạch Hà từ hàng chục năm nay, việc sáp nhập về TP Hà Tĩnh khiến chúng tôi không khỏi nuối tiếc. Mặc dù vậy, các thành viên trong gia đình tôi cũng như hơn 170 hộ dân tại thôn Thượng Phú tin tưởng vào chủ trương lớn và kỳ vọng TP Hà Tĩnh sẽ bứt phá, phát triển trong giai đoạn mới", ông Biên xúc động.

Ông Biên thường xuyên nắm bắt thông tin về sáp nhập đơn vị hành chính.

Ông Biên kỳ vọng, việc sáp nhập sẽ tạo đòn bẩy để các xã cũ của huyện Thạch Hà phát triển vượt bậc. Sau khi sáp nhập, sẽ không có sự chêch lệch lớn về kinh tế, văn hoá - xã hội giữa các địa bàn. "Tôi tin rằng, cuộc sống của người dân sẽ ngày càng được nâng cao, thế hệ con cháu chúng tôi sẽ được thụ hưởng những thành quả từ chủ trương lớn mang lại", ông Biên tin tưởng.

Theo Nghị quyết số 1283/NQ-UBTVQH15 ngày 14/11/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2023 - 2025 (gọi tắt là Nghị quyết số 1283), 11 xã của Thạch Hà gồm: Đỉnh Bàn, Tân Lâm Hương, Thạch Đài, Thạch Hải, Thạch Hội, Thạch Khê, Thạch Lạc, Thạch Thắng, Thạch Trị, Thạch Văn, Tượng Sơn sẽ sáp nhập vào TP Hà Tĩnh.

Cũng theo Nghị quyết số 1283, tỉnh Hà Tĩnh giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện. Theo đó, toàn tỉnh có 12 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 9 huyện, 2 thị xã và 1 thành phố; 209 ĐVHC cấp xã (gồm 170 xã, 25 phường và 14 thị trấn).

Ngoài việc sáp nhập đơn vị cấp huyện, toàn tỉnh Hà Tĩnh sẽ thành lập mới 6 phường (4 phường thuộc TP Hà Tĩnh: Thạch Hạ, Thạch Trung, Thạch Hưng, Đồng Môn; 2 phường thuộc TX Kỳ Anh: Kỳ Nam, Kỳ Ninh) và 1 thị trấn thuộc huyện Kỳ Anh (Kỳ Đồng).

TP Hà Tĩnh được mở rộng địa giới hành chính với việc nhập thêm 11 xã từ huyện Thạch Hà, 1 xã từ huyện Lộc Hà và 2 xã ở huyện Cẩm Xuyên...

Hà Tĩnh là một trong những địa phương có số đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp, sáp nhập nhiều nhất nhì cả nước với 4 đơn vị (chỉ sau tỉnh Lâm Đồng sắp xếp 7 đơn vị).

Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân xã Sơn Long (Hương Sơn) ngày càng nâng cao.

Phấn khởi, vui mừng cũng là tâm trạng của người dân xã Sơn Long (huyện Hương Sơn). Theo Nghị quyết 1283, xã Mỹ Long được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên của xã Sơn Long và xã Sơn Trà.

Qua 70 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ và Nhân dân xã Sơn Long đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào: Xã đạt chuẩn NTM năm 2019; hệ thống hạ tầng giao thông đạt chuẩn, đảm bảo phục tốt đời sống dân sinh và phát triển kinh tế; cơ sở vật chất giáo dục được quan tâm đầu tư với 2/2 trường học đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ con em đậu đại học, cao đẳng hằng năm đạt trên 90%...

Ông Phạm Tiến Tường - Trưởng thôn 2, xã Sơn Long trao đổi: "Qua kết quả lấy ý kiến về sáp nhập đơn vị hành chính, cử tri toàn xã nói chung và thôn 2 nói riêng đồng thuận với tỷ lệ 99,7%. Tại nhiều cuộc tiếp xúc, bà con vui mừng, phấn khởi với chủ trương lớn. Người dân cũng kỳ vọng, sau sáp nhập, Đảng bộ và Nhân dân xã Mỹ Long sẽ phát huy truyền thống của quê hương, giữ vững mối đoàn kết, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, huy động tốt các nguồn lực, đưa 9 thôn của xã mới khởi sắc".

Tuy nhiên, một bộ phận nhỏ cử tri còn bày tỏ băn khoăn về một số khó khăn khi thực hiện một số thủ tục hành chính sau sắp xếp; công tác quản lý khi địa bàn rộng, dân số đông…

Nông dân Hương Sơn tích cực phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Vui mừng nhưng không khỏi tiếc nuối là cảm xúc chung của người dân Lộc Hà khi chưa đầy 1 tháng nữa, địa phương này sẽ không còn tên gọi trên bản đồ Hà Tĩnh.

Theo Nghị quyết số 1283, 11 xã, thị trấn của Lộc Hà sẽ được sáp nhập vào huyện Thạch Hà và 1 xã vào TP Hà Tĩnh. "Như vậy, sau 17 năm hình thành và phát triển, Lộc Hà sẽ không còn tên gọi của đơn vị hành chính kể từ ngày 1/1/2025. Về đơn vị hành chính mới, mặc dù còn nhiều tiếc nuối nhưng chúng tôi mong rằng, đây sẽ là đòn bẩy để huyện mới bứt tốc, đạt nhiều thành tựu trong phát triển KT-XH. Tôi cũng hy vọng, trong tương lai, 3 người con của mình và thế hệ sau này sẽ có điều kiện tốt hơn khi địa phương hòa nhập vào đơn vị hành chính mới", anh Trần Văn Toàn (tổ dân phố Phú Mậu, thị trấn Lộc Hà) xúc động.

Một góc Trung tâm hành chính huyện Lộc Hà.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2023 - 2025 được thực hiện bài bản, đảm bảo quy trình, quy định và nhận được nhiều ý kiến tích cực của cán bộ, đảng viên và người dân.

Giám đốc Sở Nội vụ Lê Minh Đạo cho biết: “Sự đồng thuận của Nhân dân được thể hiện qua việc lấy ý kiến cử tri với tỷ lệ đồng tình trên 97%. Bên cạnh đó, với vai trò là cơ quan thường trực, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, thảo luận và thông qua Nghị quyết quy định về chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp huyện, cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh tại kỳ họp thường lệ cuối năm”.

Chủ đề Sáp nhập xã ở Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói