Người Hà Tĩnh giữ nghề chằm áo tơi

(Baohatinh.vn) - Những tưởng, trong nhịp sống hiện đại, chiếc áo tơi sẽ dần đi vào quên lãng, thế nhưng, với người dân các vùng nông thôn Hà Tĩnh, mỗi vụ mùa về, áo tơi vẫn là vật dụng gắn bó không gì thay thế được.

Giữ tình yêu với nghề

Cùng với cái cày, cái cuốc, chiếc áo tơi là vật dụng gắn liền với nhà nông bằng một sức sống bền bỉ lạ thường. Từ bao đời nay, tấm áo mộc mạc, gần gũi ấy đã chở che bao nhọc nhằn hôm sớm của người nông dân trên những cánh đồng.

Người Hà Tĩnh giữ nghề chằm áo tơi

Vợ chồng chị Nguyễn Thị An - anh Nguyễn Danh Hải có nhiều năm làm nghề chằm áo tơi.

Ở Hà Tĩnh, có một vùng quê được coi là cái nôi của nghề chằm áo tơi truyền thống - thôn Yên Lạc, xã Quang Lộc (Can Lộc). Đến nay, qua bao thăng trầm của thời gian, nhiều gia đình nơi đây vẫn gắn bó, gìn giữ nghề này.

Chị Nguyễn Thị An (SN 1971) cùng chồng là anh Nguyễn Danh Hải (SN 1964) là những người có thâm niên với nghề chằm tơi hàng chục năm nay, dù vậy, vợ chồng chị An cũng không biết nghề chằm tơi ở vùng này có tự bao giờ.

Người Hà Tĩnh giữ nghề chằm áo tơi

Từ nhỏ nhìn ông bà, cha mẹ làm tơi, lớn lên, chị An thành thạo từng đường mây, mũi đan.

Chị An chia sẻ: “Lớn lên đã thấy ông bà, cha mẹ ngồi phơi lá, vót mây đan áo, trẻ con cứ nhìn người lớn làm rồi học theo. Đứa bé thì phụ giúp chuẩn bị nguyên liệu, đứa lớn thì bắt tay vào chằm áo. Cứ thế, chúng tôi thành thạo từng đường mây, mũi đan”.

Người dân làng Yên Lạc làm áo tơi quanh năm, có người coi đó là nghề chính, có người chỉ tranh thủ lúc nông nhàn, nhưng cao điểm nhất vẫn là những ngày mùa từ tháng 3 đến tháng 6 hằng năm. Để làm ra một chiếc áo tơi phải qua rất nhiều công đoạn, kỳ công và tỉ mẩn. Nguyên liệu để chằm áo là lá tơi được lấy từ vùng rừng núi Hương Khê, mang về phơi sương, phơi nắng cho “chín”.

Người Hà Tĩnh giữ nghề chằm áo tơi

Để làm ra một chiếc áo tơi, công đoạn xử lý lá tơi cần sự kỳ công, tỉ mẩn.

“Lá “chín” sẽ co lại nên phải vuốt cho thẳng; những lá to, đẹp được chọn đan mặt ngoài, lá nhỏ, sẫm màu được lót các lớp bên trong. Lá tơi nếu không được “sương gửi” (phơi sương) sẽ rất nhanh hỏng. Lá đã xử lý mà không làm kịp, gặp gió cũng sẽ co trở lại, ảnh hưởng đến chất lượng chiếc áo” - anh Hải cho biết.

Nghe anh Hải giảng giải về điều đó, tôi mới hiểu vì sao giữa cái nóng như thiêu đốt của những ngày đầu hè, trong căn phòng nhỏ chật hẹp, vợ chồng anh chị không dùng quạt mát mà vẫn cần mẫn bên tấm khung đan áo mặc cho những giọt mồ hôi lấm tấm trên gương mặt.

Người Hà Tĩnh giữ nghề chằm áo tơi

Tơi làng Yên Lạc làm ra tới đâu, tiêu thụ tới đó.

Nghề chằm áo tơi lấy công làm lãi. Dụng cụ chỉ có một tấm khung đan bằng gỗ; một chiếc kim sắt uốn cong, dăm sợi dây, nuộc lạt là có thể hành nghề. Nghề chằm tơi ai cũng làm được miễn là chăm chỉ và kiên trì. Người thành thạo mỗi ngày có thể chằm từ 5-7 chiếc áo, mỗi chiếc có giá bán khoảng 100 nghìn đồng - là nguồn thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây.

“Còn gió lào, còn mưa dông thì còn áo tơi”

Đó là câu nói quen thuộc của người dân Yên Lạc với một niềm tin mãnh liệt về sự tồn tại của nghề chằm tơi truyền thống. Cuộc sống ngày càng hiện đại, nhiều thứ được thay thế bằng những vật dụng tiện lợi và hiện đại nhưng áo tơi vẫn được người dân quê coi như vật bảo hộ mỗi vụ mùa về.

Người Hà Tĩnh giữ nghề chằm áo tơi

Áo tơi là vật bảo hộ của nhà nông. (Ảnh Anh Hoài).

“Bây giờ có áo ni-lông chống mưa, áo vải chống nắng nhưng với cái nắng đến đồng ruộng cũng nứt nẻ, mưa thối đất, thối cát của vùng “chảo lửa, túi mưa” này thì không có loại áo nào che chắn, bảo hộ tốt như áo tơi. Mùa hè thì mát, mùa đông lại ấm, lúc mệt có thể trải ra để nằm, rất tiện dụng” - bà Trần Thị Chắt (xã Quang Lộc) chia sẻ.

Người Hà Tĩnh giữ nghề chằm áo tơi

Nhiều gia đình ở Yên Lạc nhờ nghề chằm áo tơi mà no ấm, đủ đầy.

Cũng nhờ những tiện ích đó mà người Yên Lạc làm tơi đến đâu là tiêu thụ hết tới đó. “Ngày trước, người dân mang ra chợ Nhe (xã Khánh Vĩnh Yên - Can Lộc), chợ Gát (xã Việt Tiến - Thạch Hà), chợ Già (xã Thạch Kênh - Thạch Hà)... để bán, còn ngày nay, người từ các nơi trong và ngoài tỉnh tìm đến đặt hàng, có bao nhiêu thu mua bấy nhiêu. Nhờ thế, thu nhập của người dân được đảm bảo, đời sống của những gia đình làm nghề chằm tơi cũng nhờ đó mà khấm khá lên, con cái được học hành đến nơi đến chốn.

Người Hà Tĩnh giữ nghề chằm áo tơi

Là người làng khác về làm dâu Yên Lạc nhưng chị Thân Thị Thanh học nghề rất nhanh và giữ nghề rất lâu.

Nhưng có một điều lạ là những cô gái làng Yên Lạc lấy chồng làng khác lại không mang theo nghề; ngược lại, những cô gái về làm dâu Yên Lạc lại học nghề nhanh và giữ nghề rất lâu.

Chị Thân Thị Thanh là người xã Sơn Lộc (Can Lộc), về làm dâu Yên Lạc từ năm 1999, khi đó chị vừa tròn 20 tuổi. Từ đó đến nay, chị học nghề từ cha mẹ chồng rồi chằm áo tơi thuần thục chẳng khác gì con gái làng này.

Người Hà Tĩnh giữ nghề chằm áo tơi

Còn gió lào, còn mưa dông thì người Yên Lạc vẫn còn chằm tơi.

Chị Thanh chia sẻ: “Ngày mới về làm dâu được cha mẹ dạy chằm áo tơi, tôi cũng không nghĩ là có thể giữ được nghề lâu đến thế. Bây giờ, không còn nhiều gia đình làm như trước kia nhưng tôi vẫn muốn theo nghề, phần là kế sinh nhai, phần là muốn lưu giữ cái nghề truyền thống của cha ông để lại”.

Vụ mùa lại về, người dân Yên Lạc lại rộn ràng phơi lá chằm tơi. Tơi làng Yên Lạc lại theo chân nhà nông trên những cánh đồng. Ông Nguyễn Đăng Khoa - Trưởng thôn Yên Lạc vui mừng cho biết: “Năm nay, giá áo tơi tăng so với các năm trước, nhu cầu thị trường cũng tăng nên mỗi hộ làm tơi thu cả chục triệu đồng. “Còn gió lào, còn mưa dông thì còn áo tơi”, chúng tôi tin là nghề chằm tơi quê mình dù có mai một nhưng sẽ không bị mất đi”.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Thơm nức mũi món chả rươi Hà Tĩnh

Thơm nức mũi món chả rươi Hà Tĩnh

Chả rươi thơm ngậy, ngoài giòn, trong mềm là tinh túy của ẩm thực vùng đất ven bờ sông Lam. Đến mùa rươi, thưởng thức món đặc sản này mới cảm nhận được hết nét đẹp của văn hóa ẩm thực truyền thống của Hà Tĩnh.
Về sông Phủ thưởng thức đặc sản cua lông

Về sông Phủ thưởng thức đặc sản cua lông

Mô hình thí điểm nuôi cua lông tại phường Đại Nài (TP Hà Tĩnh) bước đầu mang tới nhiều triển vọng, vừa đem lại giá trị kinh tế cao vừa góp phần lan tỏa sản vật quê hương.
Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên”

Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên”

Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên” do Quang Hiếu sưu tầm và biên soạn; đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Hà Tĩnh.
Thành Sen bát cảnh...

Thành Sen bát cảnh...

“Tỉnh thành bát cảnh” - 8 cảnh đẹp, công trình của Thành Sen xưa mang theo những giá trị văn hóa, tinh thần và cả niềm tự hào của người TP Hà Tĩnh qua các thế hệ.
Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Mang câu hò, điệu ví đến muôn phương

Mang câu hò, điệu ví đến muôn phương

Với niềm đam mê mãnh liệt làn điệu ví, giặm, người Hà Tĩnh muôn phương đã không ngừng lan tỏa loại hình nghệ thuật đặc sắc này tới bạn bè trên mọi miền Tổ quốc và bè bạn quốc tế.