Can Lộc - miền đất văn hóa và cách mạng

(Baohatinh.vn) - Đứng trên ngọn Thứu Lĩnh của dãy núi Hồng nhìn xuống có thể bao quát cả một dải đất khá rộng lớn của Can Lộc. Từ miền Trà Sơn xanh thắm xuôi về những cánh đồng lúa ven sông Nghèn, vùng đất cổ giàu trầm tích văn hóa đã ghi tên mình vào Hà Tĩnh từ ngày đầu thành lập tỉnh năm 1831.

Can Lộc - miền đất văn hóa và cách mạng

Trung tâm thị trấn Nghèn (Can Lộc) ngày nay.

Đất văn chương, khoa bảng

Khó có thể xác định người Việt cổ đã bắt đầu sinh cơ lạc nghiệp tại vùng đất Can Lộc từ bao giờ, nhưng, từ những di chỉ khảo cổ học ở quanh núi Nghèn, vùng Trà Sơn… cho thấy khoảng 4.000-5.000 năm trước đã xuất hiện bóng dáng của họ.

Theo tư liệu lịch sử, thời Bắc thuộc, địa phận Can Lộc thuộc quận Cửu Chân với nhiều tên gọi được thay đổi khác nhau theo các triều đại phong kiến phương Bắc như huyện: Phù Lĩnh (năm 271), Việt Thường (năm 679). Vào thời Nhà Lý (năm 1010), Can Lộc được đổi tên là huyện Phỉ Lộc. Đến thời Lê sơ, năm 1469, vua Lê Thánh Tông đặt tên huyện là Thiên Lộc.

Năm 1831, khi vua Minh Mệnh lập ra tỉnh Hà Tĩnh từ 2 phủ Hà Hoa và Đức Thọ, gồm 6 huyện, Thiên Lộc là một trong số đó. Vào năm 1862, vua Tự Đức đổi tên huyện Thiên Lộc thành Can Lộc như tên gọi ngày nay.

Can Lộc - miền đất văn hóa và cách mạng

Sông Nghèn đoạn chảy qua tổ dân phố 8, thị trấn Nghèn, Can Lộc

Địa hình của Can Lộc thuở trước được chia làm 3 vùng: vùng bán sơn địa, vùng đồng bằng và vùng ven biển. Ngày nay, sau những thay đổi trong việc tách/nhập địa giới hành chính, Can Lộc chỉ còn 2 vùng địa hình là bán sơn địa và đồng bằng. Một số tư liệu lịch sử cho biết, vùng đất này có nhiều dấu vết trước đây là một khu vực đầm phá cổ. Biến thiên của thời gian với sự bồi đắp của sông La cũng như tạo tác của con người đã tạo ra vùng quê trù phú như ngày nay.

Mặc dù, quanh năm đối diện với thời tiết khắc nghiệt như hạn hán, lũ lụt nhưng Can Lộc có non nước hữu tình, nhiều thắng cảnh đẹp. Trong đó phải kể đến “Hoan Châu đệ nhất danh lam” - chùa Hương Tích, thắng cảnh được mệnh danh đẹp nhất Xứ Nghệ…

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, cùng với sự sinh cơ, lập nghiệp, nhiều thế hệ người con Can Lộc đã bồi đắp cho vùng đất này những giá trị văn hóa phong phú và mang những nét đặc sắc, độc đáo. Ở đây từng có nhiều làng nghề, như: nghề chằm áo tơi (xã Quang Lộc), nghề dệt vải (xã Trường Lưu cũ); các phong tục và lễ hội, văn hóa nghệ thuật dân gian, như: phong tục mời nhau uống nước chè xanh, hội đấu vật (xã Thuần Thiện)...

Can Lộc - miền đất văn hóa và cách mạng

Chùa Hương Tích (xã Thiên Lộc) từng được ca ngợi là “Danh lam đệ nhất Hoan Châu” được xây dựng từ thế kỷ XIII, thời nhà Trần.

Ngoài ra, từ xưa, dân ca ví, giặm qua hình thức hát đối đáp, hát ví gần như phổ biến trong mỗi làng quê Can Lộc, đặc biệt, hát ví giặm Thiên Lộc, hát ví phường vải Trường Lưu nổi tiếng.

Đời sống văn hóa, văn nghệ dân gian phong phú và truyền thống hiếu học trở thành chiếc nôi để Can Lộc nuôi dưỡng những danh nhân khoa bảng và văn chương từ các triều đại phong kiến cho đến ngày nay.

Kể từ các khoa thi thời Trần (thế kỷ XIII) đến khoa thi cuối cùng thời Nguyễn (năm 1919), Can Lộc có 42 người đỗ đại khoa, chiếm 1/3 tổng số người đỗ đại khoa của tỉnh Hà Tĩnh thời bấy giờ. Ngoài ra còn có hàng trăm người đỗ hương cống, cử nhân.

Trong số những người đỗ đạt cao hoặc có đóng góp trong con đường học vấn, làm rạng danh miền quê Can Lộc phải kể đến: Thám hoa Đặng Bá Tĩnh (xã Tùng Lộc), Đình nguyên Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, Lưỡng quốc Đình nguyên Thám hoa Phan Kính, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (xã Kim Song Trường), Hoàng giáp Võ Viêm (xã Vượng Lộc)…

Can Lộc - miền đất văn hóa và cách mạng

Dòng họ Nguyễn Huy - Trường Lưu (Kim Song Trường) còn lưu giữ nhiều di sản quý giá. (Trong ảnh: Một trong những căn nhà cổ có tuổi đời hàng trăm năm của dòng họ Nguyễn Huy)

Trong đó, câu “bút Cấm Chỉ, sỹ Thiên Lộc” là nói tới ông Võ Viêm học trò Thiên Lộc (tức Can Lộc) giỏi nhất Thăng Long; “Tràng An tứ hổ” - 4 học trò giỏi nhất kinh kỳ có 3 người ở Can Lộc là Trần Quang Hiển (xã Khánh Vĩnh Yên)…

Can Lộc cũng có nhiều dòng họ nổi tiếng khoa bảng, trong đó, dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu (nay là xã Kim Song Trường) có 2 di sản được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á Thái Bình Dương là: Hoàng Hoa sứ trình đồ và Mộc bản trường học Phúc Giang.

Can Lộc - miền đất văn hóa và cách mạng

Mộc bản Trường học Phúc Giang, một trong 2 di sản của dòng họ Nguyễn Huy được công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực Châu á Thái Bình Dương.

Về văn chương, Can Lộc có một bề dày truyền thống tiếp nối qua nhiều thế hệ với nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, như: Đặng Dung, Đặng Minh Khiêm, Nguyễn Huy Tự, Ngô Đức Kế, Võ Liêm Sơn, Nguyễn Đổng Chi, Xuân Diệu… “Hồng Sơn văn phái” một thời xuất phát từ Can Lộc.

Mạch nguồn cách mạng chảy mãi

Song song với bề dày văn hóa, truyền thống yêu nước và cách mạng như một dòng chảy xuyên suốt qua nhiều thế hệ người Can Lộc, từ những tấm gương yêu nước nổi bật thời phong kiến, như: Đặng Tất, Đặng Dung (thời Trần), đến Nguyễn Biên (thời Lê), Ngô Văn Sở, Nguyễn Thiếp (thời Tây Sơn)… cho đến những chiến sỹ cách mạng trung kiên trong cao trào Xô-viết Nghệ Tĩnh (1930-1931).

Trong Cách mạng tháng Tám 1945, Can Lộc là địa phương đầu tiên của Hà Tĩnh giành chính quyền. Cho đến những năm kháng chiến chống Mỹ, Can Lộc luôn biểu tượng cho ý chí quật cường xả thân vì độc lập, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Can Lộc - miền đất văn hóa và cách mạng

Toàn cảnh Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: Huy Tùng

Dấu ấn về Làng K130 (thị trấn Nghèn) dỡ nhà làm cầu cho xe ra tiền tuyến những năm chống Mỹ, hay hàng nghìn người dân, chiến sỹ Can Lộc xả thân vì đất nước trên “tọa độ lửa” Ngã ba Đồng Lộc là những chứng tích anh hùng. Đặc biệt, sự hy sinh của 10 nữ TNXP Ngã ba Đồng Lộc trong cuộc chiến tranh chống Mỹ đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, được người dân mãi mãi ghi nhớ, trong đó có 3/10 cô là người Can Lộc.

Tiếp nối mạch nguồn của vùng đất văn hóa, cách mạng, Can Lộc bước vào công cuộc đổi mới xây dựng đất nước bằng ý chí và nghị lực mạnh mẽ. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) gần đây, từ điểm xuất phát thấp, Can Lộc đã vươn mình, bứt phá một cách mạnh mẽ. Ý Đảng - lòng dân là một, Can Lộc nhanh chóng đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Can Lộc - miền đất văn hóa và cách mạng

Miền Trà sơn Can Lộc ngày nay trở thành “vựa” cam, bưởi nổi tiếng

Trong đó phải kể đến, thành tích là một trong 2 huyện đầu tiên của Hà Tĩnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM (năm 2019), vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện đề ra trước 1 năm và vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Hiện, 18/18 xã, thị trấn đã đạt chuẩn NTM, 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Trong năm 2021, 5 xã phấn đấu về đích NTM nâng cao, xã Thiên Lộc phấn đấu về đích NTM kiểu mẫu… Cùng với sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giáo dục được đảm bảo, đời sống người dân Can Lộc ngày càng được nâng cao. Thu nhập bình quân của người dân Can Lộc năm 2020 đạt 42 triệu đồng/người/năm.

Can Lộc - miền đất văn hóa và cách mạng

Chương trình xây dựng nông thôn mới giúp đời sống người dân Can Lộc được nâng cao. (Trong ảnh: Trường Mầm non xã Sơn Lộc)

Ông Nguyễn Như Dũng - Bí thư Huyện ủy Can Lộc chia sẻ: “Những giá trị to lớn về văn hóa, cách mạng được trao truyền lại bao đời nay chính là động lực, sức mạnh để Đảng bộ và Nhân dân Can Lộc nỗ lực vươn lên đạt được những kết quả trong phong trào xây dựng NTM. Từ những kết quả đạt được, chúng tôi quyết tâm phấn đấu đưa Can Lộc đạt chuẩn huyện NTM nâng cao trước năm 2025”.

Trong những ngày thu này, thị trấn Nghèn rực rỡ cờ hoa chào mừng 76 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, 190 năm thành lập và 30 năm tái lập tỉnh. Trời Can Lộc vẫn xanh cao vời vợi, dòng sông Nghèn soi rõ bóng núi Hồng sừng sững… Tôi nghĩ đến những thăng trầm dâu bể ghi dấu trên những tên đất, tên người đã đi vào lịch sử nơi đây và nhận ra: mỗi giai đoạn lịch sử, Can Lộc vẫn luôn để lại những dấu ấn. Bởi con người nơi đây luôn phát huy truyền thống văn hóa và cách mạng của cha ông.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).