Trang sử hào hùng
Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 là cuộc tổng diễn tập đầu tiên của Đảng ta tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền 1945. Trong những năm tháng lịch sử đó, xã Phù Việt cũ (nay là xã Việt Tiến) đã trở thành địa phương có phong trào cách mạng sôi nổi nhất của huyện Thạch Hà.
“Làng đỏ” Bùi Xá.
Tháng 1/1930, đồng chí Trần Hữu Thiều (quê Anh Sơn - Nghệ An) được Xứ ủy Trung Kỳ phân công vào Hà Tĩnh xây dựng cơ sở cho cách mạng. Tháng 3/1930, Hội nghị thành lập Đảng bộ Hà Tĩnh lâm thời được triệu tập. Đồng chí Mai Kính, Nguyễn Thiếp (quê xã Phù Việt cũ) cùng một số đồng chí khác được kết nạp vào Đảng.
Chi bộ Đảng Cộng sản Phù Việt (chi bộ Đảng đầu tiên ở Thạch Hà) được thành lập. Từ đây, Phù Việt khắc tên mình thành “Làng đỏ” trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (là những làng có chi bộ cộng sản lãnh đạo, có chính quyền do người dân lập nên).
Cụ Bùi Quang Nhượng kể về ký ức những ngày tháng đau thương của người dân Thạch Hà dưới ách thống trị thực dân.
Lúc bấy giờ, thực dân Pháp và tay sai áp bức Nhân dân Nghệ Tĩnh nói chung, Thạch Hà nói riêng vô cùng dã man; các đồng chí đảng viên bị bắt bớ, tra tấn liên tục. Đã gần 100 tuổi nhưng cụ Bùi Quang Nhượng (SN 1922, thôn Bùi Xá, xã Việt Tiến) vẫn không thể quên được ký ức của những ngày tháng đau thương đó.
Cụ Nhượng kể: “Bọn tay sai bắt được cụ Mai Kính trong một lần cụ băng qua cánh đồng thôn Bùi Xá để trốn sang làng khác. Chúng tra tấn cụ vô cùng dã man để thị uy dân làng nhưng không ai nao núng. Không chỉ sưu cao, thuế nặng, người dân còn bị chúng cướp bóc, đốt nhà cửa. Lòng người căm phẫn đến cùng cực”.
Nhà cụ Mai Kính - nơi ghi dấu phong trào cách mạng 1930 - 1931 của người dân Thạch Hà.
Không cam chịu cảnh sống áp bức, nô lệ, Nhân dân Thạch Hà nổi dậy đấu tranh đòi quyền dân chủ. Quần chúng nhân dân ở Phù Việt đã tổ chức mít tinh, vạch mặt thực dân, phong kiến, đòi quyền lợi chính đáng.
Cuộc đấu tranh chống chế độ thực dân phong kiến giành được những thắng lợi bước đầu. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, quần chúng nhân dân càng hăng hái tham gia cách mạng. Phong trào cách mạng ở Phù Việt nhanh chóng lan ra các thôn, xã trong vùng.
Ông Mai Văn Dũng - cháu nội cụ Mai Kính chăm sóc nơi thờ cúng ông nội.
Nhà cụ Mai Kính là một trong những địa điểm ghi nhiều dấu ấn trong phong trào cách mạng của Thạch Hà. Đây là nơi thành lập tổ chức Tân Việt huyện Thạch Hà (tháng 2/1927); trong phong trào 1930-1931, căn nhà là nơi làm việc của cán bộ, nơi tổ chức hội họp, in ấn tài liệu, trung tâm đầu mối liên lạc phát triển tổ chức sang các địa phương khác.
Tháng 9/1930, nhà cụ Mai Kính được Tỉnh ủy Hà Tĩnh chọn làm địa điểm tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh. Năm 1990, ngôi nhà được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Nay, ngôi nhà đang được con cháu dòng họ Mai, chính quyền địa phương, đoàn thể gìn giữ, chăm sóc và trở thành địa chỉ đỏ, nơi diễn ra các hoạt động giao lưu, đối thoại, kết nạp đảng viên, tìm hiểu lịch sử của thế hệ trẻ.
Quê hương ngày mới
Kế thừa truyền thống anh hùng cách mạng, các thế hệ lãnh đạo và người dân xã Việt Tiến đã ra sức xây dựng quê hương giàu đẹp. Địa phương đang nỗ lực để thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ I của Đảng bộ xã Việt Tiến nhiệm kỳ 2020-2025 với 3 mũi đột phá: phát triển nông nghiệp dịch vụ công nghệ cao vùng ven đô; phát triển tiểu thủ công nghiệp với việc củng cố các làng nghề; xây dựng văn hóa để phát triển kinh tế bền vững (trong đó, xây dựng các tour, tuyến du lịch trải nghiệm văn hóa, lịch sử, nông thôn mới...).
Xã Việt Tiến hôm nay.
Để thực hiện được 3 mũi đột phá đó, xã đã tạo điều kiện về cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân phát triển các mô hình kinh tế. Hiện nay, trên địa bàn xã đã có nhiều mô hình giải quyết việc làm cho lao động địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế và khẳng định được thương hiệu như: kẹo lạc, miến gạo, nem giò, bánh kẹo...
Nhiều mô hình kinh tế được đầu tư phát triển trên địa bàn xã Việt Tiến.
Không chỉ là vùng quê có truyền thống cách mạng, Việt Tiến còn được biết đến là vùng đất học với nhiều người đỗ đạt thành tài, nắm giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan Nhà nước. Tiếp bước thế hệ cha anh, cán bộ, giáo viên, học sinh ngôi trường THCS mang tên chiến sỹ yêu nước Nguyễn Thiếp cũng đang ngày đêm ra sức thi đua dạy và học.
Thầy Nguyễn Thanh Bình - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thiếp cho biết: “Tự hào là ngôi trường mang tên người con anh hùng của quê hương Phù Việt, thầy trò nhà trường luôn nỗ lực thi đua. Tỷ lệ học sinh giỏi hằng năm của trường không ngừng tăng; năm học 2020-2021, trường đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 2”.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Hà (SN 1974) - một người con xã Việt Tiến, đảm nhận chức vụ Phó Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Chủ nghĩa xã hội khoa học - Lý luận và thực tiễn (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Ảnh tư liệu.
Ông Phạm Nam Anh - Bí thư Đảng ủy xã Việt Tiến cho biết: “Phát huy truyền thống của quê hương, chính quyền và người dân xã Việt Tiến luôn đoàn kết, chung sức, đồng lòng để thực hiện mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2022. Cùng với đó là giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, làm nền tảng để phát triển kinh tế bền vững, ổn định đời sống của Nhân dân”.