Người nuôi trồng thủy sản Hà Tĩnh khẩn trương gia cố lồng bè trước mưa bão

(Baohatinh.vn) - Siêu bão số 3 dự báo gây mưa lớn trên địa bàn Hà Tĩnh. Thời điểm này, người nuôi trồng thuỷ sản đang khẩn trương gia cố lồng bè, hồ nuôi, chủ động ứng phó an toàn với mưa bão.

Siêu bão số 3 (Yagi) với cường độ mạnh cấp 16, giật trên cấp 17 là siêu bão mạnh nhất năm 2024 tính đến thời điểm hiện tại. Dù không đổ bộ trực tiếp, tuy nhiên, ảnh hưởng của hoàn lưu phía Tây Nam cơn bão số 3 dự báo gây mưa to, dông, lốc sét trên địa bàn Hà Tĩnh.

Theo dõi thông tin dự báo thời tiết trong nhiều ngày qua, ông Võ Uyên (thôn Vinh Lộc, xã Cẩm Lộc, Cẩm Xuyên) đã chủ động phát quang cây cối xung quanh ao nuôi, gia cố, nâng cao bờ ao nhằm chủ động ứng phó với mưa bão.

Ông Uyên chủ động cập nhật tình hình thời tiết, thực hiện các giải pháp ứng phó với cơn bão số 3.

“Trên tổng diện tích 1ha, tôi thả nuôi nhiều loại hải sản như: ghẹ, cua, cá. Hiện các con nuôi đang vào giai đoạn phát triển nên tôi rất lo lắng. Nếu lũ dâng cao, sóng to đập vào rất dễ gây vỡ bờ. Vì vậy, từ nhiều ngày qua, tôi đã huy động nhân lực để gia cố ao nuôi, nâng bờ cao lên mức 4m, tổng mức chi phí khoảng 15 - 16 triệu đồng”.

Thống kê của UBND xã Cẩm Lộc, phần lớn diện tích nuôi trồng thuỷ sản đã được bà con thu hoạch trước thềm mưa bão. Hiện còn khoảng 5 hộ thả nuôi trái vụ. Chính quyền xã đã liên tục phát thanh thông tin về tình hình mưa bão, trực tiếp xuống địa bàn hướng dẫn bà con bảo vệ tài sản, lồng bè.

Ông Nguyễn Viết Đồng – Chủ tịch UBND xã Cẩm Lộc cho biết: “Nắm bắt thông tin về sức ảnh hưởng của cơn bão số 3, xã đã tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích nuôi trồng; hướng dẫn người dân cập nhật tình hình dự báo thời tiết thường xuyên; phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ chuyên trách, hỗ trợ, đồng hành cùng người dân ứng phó với mưa bão".

Hiện nay, các hộ nuôi tôm ở huyện Lộc Hà cũng đã chủ động chèn, chống nhà màng, lưới che, bạt lót đáy... Đồng thời, đặt các bao CaCO3 xung quanh bờ ao để khi mưa xuống sẽ hòa tan CaCO3 trước khi chảy vào ao, giúp duy trì pH, độ cứng và các ion hòa tan trong môi trường nước; bổ sung máy phát điện, vận hành sục khí nếu lỡ mất điện để tôm không bị thiếu oxy.

Nhiều lồng bè nuôi cá tại Thạch Sơn đang vào thời điểm thu hoạch.

Tại xã Thạch Sơn (huyện Thạch Hà), hơn 37 hộ nuôi cá lồng bè tại thôn Sông Hải đã chủ động giằng néo, neo cọc, gia cố lồng bè trước thềm bão số 3 đổ bộ. Ông Nguyễn Thành Vinh (thôn Sông Hải, Thạch Sơn) chia sẻ: “Tôi đang có 5 lồng cá chẽm chuẩn bị thu hoạch. Nghe tin bão số 3 sẽ gây mưa lớn nên tôi rất lo lắng. Nếu nước lũ dâng cao, nguồn nước ảnh hưởng khiến cá sốc nhiệt, dễ chết hàng loạt. Vì vậy, dù thời tiết sáng nay đã có mưa to, nước sông bắt đầu dâng lên nhưng tôi và nhiều hộ khác đã có mặt từ rất sớm, neo cọc và kéo lồng vào sát bờ”.

Sáng 6/9, thời tiết mưa to, song ông Vinh đã có mặt từ sớm để giằng néo lồng bè.

Cùng chung tâm trạng với ông Vinh, ông Trần Quốc Khánh (thôn Sông Hải) cho biết: “Nuôi cá vược sợ nhất vào mùa bão. Mưa lớn cuốn theo lượng lớn chất bẩn, làm gia tăng độ đục trong nước, gây thiếu hụt oxy có thể làm cá bị sốc và chết. Chúng tôi đang tập trung giằng néo lồng bè tránh bị trôi do gió lớn và thực hiện trục vớt bèo tây. Trong trường hợp có những diễn biến bất thường, chúng tôi sẽ liên hệ với chính quyền để được hỗ trợ”.

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, Chi cục Thuỷ sản Hà Tĩnh đã gửi công văn về các địa phương, yêu cầu các bộ phận liên quan triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp nhằm bảo vệ diện tích nuôi trồng thuỷ sản. Ghi nhận tại các địa phương có diện tích nuôi trồng thuỷ sản trọng điểm như: Cẩm Lộc, Cẩm Lĩnh, Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên); Thạch Sơn (Thạch Hà); Hộ Độ, Mai Phụ (Lộc Hà); Kỳ Thư, Kỳ Hà (Kỳ Anh)..., người dân đã tích cực, chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các hồ nuôi tôm, vùng nuôi cá lồng bè, nuôi nhuyễn thể.

Cán bộ chuyên môn Chi cục Thuỷ sản hướng dẫn người nuôi tôm thực hiện các biện pháp bảo vệ tài sản; phòng chống dịch bệnh sau mưa.

Ông Lưu Quang Cần - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh khuyến cáo: “Dù không đổ bộ trực tiếp, song hoàn lưu phía Tây Nam cơn bão số 3 sẽ gây mưa lớn, gió giật mạnh trên địa bàn Hà Tĩnh. Do vậy, người nuôi trồng thuỷ sản cần chủ động phòng chống, nhất là với những vùng có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét. Ngoài ra, các hộ nuôi cần cập nhật liên tục diễn biến thời tiết, sau mưa bão phải kiểm tra đầy đủ các chỉ số môi trường. Đối với diện tích nuôi tôm, cá…, có thể bổ sung thêm các loại khoáng chất như: muối, khoáng, Vitamin C; duy trì thời gian sục khí trong hồ nuôi tôm đến khi quần thể tảo mới ổn định trở lại. Trong trường hợp có những diễn biến bất thường, cần liên hệ với chính quyền địa phương, ngành chuyên môn để được hỗ trợ”.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Chủ đề Dự báo thời tiết hôm nay

Chủ đề Thiên tai - bão lũ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói