Nguồn vốn huy động của ngân hàng Hà Tĩnh tăng trưởng khá

(Baohatinh.vn) - Đại dịch Covid-19 tác động xấu tới nền kinh tế song ngành ngân hàng Hà Tĩnh vẫn vững vàng trong “sóng lớn” giành nhiều kết quả cả về huy động vốn, dư nợ lẫn kiểm soát nợ xấu.

Huy động vốn tăng 15,18%

6 tháng đầu năm 2021, nhiều yếu tố bất lợi đã tác động xấu tới nền kinh tế - xã hội Hà Tĩnh như: dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò, dịch tả lợn châu Phi. Đặc biệt, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên địa bàn đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động ngân hàng.

Tuy vậy, nhờ nỗ lực vượt khó nên các tổ chức tín dụng cơ bản hoạt động ổn định và có bước tăng trưởng khá. Theo đó, nguồn vốn đến 30/6/2021 của toàn hệ thống đạt 80.647 tỷ đồng, tăng 15,18% so với đầu năm và tăng 28,86% so với cùng kỳ năm 2020.

Nguồn vốn huy động của ngân hàng Hà Tĩnh tăng trưởng khá

Đến 30/6/2021, nguồn vốn của Vietcombank Hà Tĩnh đạt 15.169 tỷ đồng, tăng 61,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Những tháng đầu năm nay, Vietcombank Hà Tĩnh là đơn vị có mức tăng trưởng nguồn vốn ấn tượng. Bà Trần Thị Hồng Thắm – Trưởng phòng khách hàng bán lẻ Vietcombank Hà Tĩnh thông tin: “Yếu tố căn bản để đẩy nguồn vốn lên cao là ngân hàng đã “hút” được nguồn gửi từ các doanh nghiệp lớn trên địa bàn. Tính đến 30/6/2021, nguồn vốn huy động của đơn vị đạt 15.169 tỷ đồng, tăng 61,4% so với cùng kỳ năm 2020”.

Nguồn vốn huy động của ngân hàng Hà Tĩnh tăng trưởng khá

Các tổ chức tín dụng đã chủ động, linh hoạt nhằm tranh thủ nguồn tiền nhàn rỗi trong Nhân dân.

Agribank chi nhánh Hà Tĩnh II cũng đẩy được nguồn vốn huy động lên cao nhờ các gói tiết kiệm hấp dẫn. Theo đó, nguồn vốn huy động của đơn vị đến nay đạt 9.850 tỷ đồng, tăng trên 781 tỷ đồng so với đầu năm 2021. Riêng gói tiết kiệm dự thưởng “Chào Xuân Tân Sửu – Quay số liền tay, tài lộc đến ngay” của Agribank chi nhánh Hà Tĩnh II đã tạo “sức hút” đối với nhiều khách hàng. Chương trình được triển khai từ ngày 1/1 - 31/5/2021 với nguồn vốn huy động đạt 970 tỷ đồng.

Không riêng Vietcombank, Agribank, nhìn chung, công tác huy động vốn của hệ thống ngân hàng Hà Tĩnh thời gian qua tăng trưởng khá cho thấy sự chủ động, linh hoạt của các tổ chức tín dụng nhằm tranh thủ nguồn tiền nhàn rỗi trong Nhân dân.

Dư nợ tăng 7,94%

Dịch Covid-19 diễn ra phức tạp và tác động mạnh mẽ lên mọi thành phần kinh tế, song dư nợ toàn địa bàn vẫn có mức tăng trưởng ấn tượng với chất lượng tín dụng đảm bảo. Tính đến 30/6/2021, dư nợ của hệ thống ngành ngân hàng Hà Tĩnh đạt 65.037 tỷ đồng (tăng 7,94% so với đầu năm và tăng 18,08% so với cùng kỳ năm 2020).

Trong đó, dư nợ cho vay trung, dài hạn chiếm tỷ trọng khá cao (36,45% tổng dư nợ), đã tạo điều kiện cho khách hàng ổn định nguồn tài chính để đầu tư kinh doanh, phát triển sản xuất.

Nguồn vốn huy động của ngân hàng Hà Tĩnh tăng trưởng khá

Ngân hàng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ổn định nguồn tài chính để đầu tư kinh doanh, phát triển sản xuất.

Không chỉ “bơm vốn”, các nhà băng còn giúp khách hàng vượt qua khó khăn do Covid-19. Tính đến 31/5/2021, Hà Tĩnh có 570 khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với tổng dư nợ 359.430 triệu đồng; 188 khách hàng được miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ với tổng dư nợ 71.020 triệu đồng.

Ngoài ra, các ngân hàng còn hạ lãi suất dư nợ hiện hữu với mức giảm từ 0,05 - 3,2%/năm.

Ông Nguyễn Đình Khánh – Phó Giám đốc Vietinbank Hà Tĩnh cho biết: “Nhờ chủ động xây dựng các phương án phòng chống dịch bệnh nên đơn vị bảo đảm hoạt động kinh doanh liên tục, đáp ứng nhu cầu của khách hàng mọi thời điểm. Vietinbank tập trung khai thác cho vay ở các ngành hàng được hưởng lợi trong mùa dịch như: kinh doanh vật tư y tế, hàng tiêu dùng thiết yếu… Chính sách giảm lãi suất vay từ 0,5 – 2% tùy từng đối tượng cũng “hút” nhiều khách hàng vay vốn. Tính đến thời điểm này, dư nợ của đơn vị tăng 10% so với đầu năm”.

Nguồn vốn huy động của ngân hàng Hà Tĩnh tăng trưởng khá

Hoạt động giao dịch tại Vietinbank Hà Tĩnh.

Những tháng đầu năm nay, tình hình nợ xấu toàn ngành ngân hàng Hà Tĩnh cũng được kiểm soát tốt. Tính đến 31/5/2021, tỷ lệ nợ xấu chiếm 1,06% dư nợ toàn địa bàn, giảm đáng kể so với các năm trước (tỉ lệ nợ xấu năm 2018: 3,28%, 2019: 1,42%; 2020: 1,14%). Nợ xấu ở mức thấp và giảm so với các năm trước cho thấy ngành ngân hàng Hà Tĩnh đang dần kiểm soát tốt chất lượng tín dụng.

Bà Bùi Thị Huệ - Trưởng phòng Tổng hợp, Nhân sự và Kiểm soát nội bộ, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Tĩnh thông tin: Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Tĩnh tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung triển khai có hiệu quả Thông tư số 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng dịch Covid-19, từ đó giảm áp lực cho việc gia tăng nợ tiềm ẩn, nợ xấu.

Đồng thời, nỗ lực đẩy mạnh huy động vốn, tăng trưởng tín dụng, kiểm soát nợ xấu, phấn đấu đạt mục tiêu đề ra (nguồn vốn tăng 17% trở lên so với cuối năm 2020, dư nợ tăng từ 14-16% trở lên, tỷ lệ nợ xấu dưới 2%).

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.