Thầy Nguyễn Sỹ Thiết trong một giờ dạy
Ngày 9/9 tới đây, thầy Nguyễn Sỹ Thiết cùng một số thầy cô của huyện Can Lộc sẽ chính thức nhận nhiệm vụ biệt phái tại huyện Kỳ Anh.
Đến hôm đó, thầy Thiết và các thầy cô được biệt phái mới rõ điểm trường đến nhận nhiệm vụ. Cũng có nghĩa, các thầy cô và riêng thầy Thiết đã xác định, điểm trường tới công tác có thể cách trung tâm huyện nhiều km nữa.
Trước đó, ngày 4/9, huyện Can Lộc đã tổ chức gặp gỡ, tặng hoa và động viên đội ngũ giáo viên biệt phái vào huyện Kỳ Anh (thầy Nguyễn Sỹ Thiết thứ 3 từ phải sang).
Thầy Nguyễn Sỹ Thiết (SN 1979) quê ở Đức Hương, Vũ Quang. Tháng 3/2012, với tấm bằng thạc sỹ trong tay, thầy được tỉnh Hà Tĩnh tiếp nhận công tác theo diện thu hút và phân công về giảng dạy tại Trường THCS Nguyễn Tất Thành (Can Lộc).
Cũng từ đó, thầy bắt đầu làm quen với quãng đường xa cách từ nhà đến trường, với gần 45 km. “Từ nhà đến trường phải đi 2 chặng xe buýt. Phải căn giờ lên xe cụ thể để không bị chậm giờ dạy. Tính đến nay cũng đã hơn 7 năm” - thầy Thiết chia sẻ.
Điều đáng trân trọng hơn, thầy Thiết có vợ công tác trong môi trường quân y. Công việc đặc thù, vợ của thầy thường xuyên đi công tác đột xuất và trực đêm. Quảng đường xa, công việc của vợ bận rộn, gia đình thầy rất chật vật để sắp xếp thời gian lo việc ăn, học cho 2 con nhỏ (năm nay, cháu đầu học lớp 6, cháu thứ 2 học lớp 1).
Thầy Nguyễn Sỹ Thiết là người thường xuyên tổ chức các sân chơi giáo dục về kỹ năng sống cho học trò
Dù vất vả là vậy, song 7 năm công tác tại Trường THCS Nguyễn Tất Thành, thầy Nguyễn Sỹ Thiết luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, đóng góp nổi bật cho các hoạt động của nhà trường trong vai trò bí thư chi đoàn nhiều năm liền.
Thầy từng đạt danh hiệu giáo viên giỏi huyện, 7 năm liền đạt danh hiệu lao động tiên tiến và nhiều giải thưởng của ngành.
Thầy Nguyễn Sỹ Thiết chụp ảnh lưu niệm với Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tất Thành trước khi tạm xa ngôi trường thân quen
Thầy Nguyễn Sỹ Thiết bộc bạch: “Vì thiếu giáo viên nên tỉnh chủ trương biệt phái là đúng, nhằm đảm bảo hoạt động giảng dạy trong năm học mới. Chính vì thế, dù hoàn cảnh vất vả, nhưng với vai trò người đảng viên và là nam giới nên tôi xung phong đi để đỡ cho chị em trong tổ”. Được biết, tổ Văn – Sử - Địa – Giáo dục công dân, nơi thầy Thiết công tác có 17 thầy cô nhưng chỉ có 2 nam giới.
Thầy Thiết cũng chia sẻ thêm: "Bố mẹ tôi đều trên 70 tuổi, đang sống ở Vũ Quang, bố là thương binh thời kỳ chống Mỹ. Gia đình nội, ngoại đều cách xa nhà tôi và nơi biệt phái nên việc ăn ở phải phục thuộc hoàn toàn vào sự sắp xếp của trường nơi tiếp nhận và cố gắng của bản thân."