Nhiều khó khăn trong dạy học và đào tạo nghề ở Hương Sơn

(Baohatinh.vn) - Những năm gần đây, lượng học sinh đến với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) ngày càng đông, trong khi cơ sở vật chất không đáp ứng được với yêu cầu dạy và học.

Học sinh theo học tăng khá

Năm học 2019 - 2020, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (TTGDNN - GDTX) huyện Hương Sơn chỉ tiếp nhận được 101 học sinh vào học. Nhưng những năm gần nay, số học sinh liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước như: năm học 2020 - 2021, trung tâm tiếp nhận 483 học sinh; năm 2021 - 2022 tiếp nhận 546 học sinh và năm học 2022 - 2023 là 634 học sinh.

Học sinh trong giờ học nghề may thời trang.

Ngoài ra, từ năm 2021 đến nay, TTGDNN - GDTX huyện Hương Sơn còn là đơn vị duy nhất trên địa bàn tỉnh mở các lớp ngoại ngữ (tiếng Nhật, tiếng Trung Quốc, tiếng Hàn Quốc) cho học sinh. Đây chính là “chìa khoá” mở cánh cửa khởi nghiệp đối với những học sinh chọn con đường du học, xuất khẩu lao động nên trung tâm hiện thu hút được khá đông học sinh theo học các lớp này với 250 em.

Giáo viên dạy nghề nấu ăn hướng dẫn học sinh làm món salat.

Đặc biệt, đối với công tác đào tạo nghề, trung tâm thường xuyên duy trì đào tạo 7 ngành nghề chính như: hàn, điện tử công nghiệp, điện lạnh, công nghệ thông tin, đầu bếp, may thời trang, chăm sóc sắc đẹp với hơn 200 học sinh theo học. Riêng năm học 2022 - 2023 có thêm ngành công nghệ ô tô thu hút hơn 50 học sinh tham gia.

Theo Giám đốc TTGDNN - GDTX huyện Hương Sơn Nguyễn Thế Toàn, khoảng 80% học sinh sau khi học nghề, ra trường đều có việc làm ổn định với mức thu nhập từ 6 - 12 triệu đồng/tháng. Đối với nghề hàn, mức thu nhập cao hơn, dao động từ 15 - 17 triệu đồng/tháng.

Cơ sở vật chất xuống cấp

48 học sinh lớp 10D phải học trong lớp học rộng chưa đến 40m2

Lượng học sinh đến với TTGDNN - GDTX huyện Hương Sơn ngày càng nhiều, trong khi cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên lại chưa đáp ứng được với yêu cầu dạy và học. Cụ thể, giáo viên văn hoá hiện chỉ có 17 người nên trung tâm phải tìm kiếm thêm 6 giáo viên để dạy hợp đồng song vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu dạy học. Không chủ động được đội ngũ giáo viên nên mỗi thầy cô phải tăng thời gian dạy từ 17 tiết/tuần theo quy định lên 22, 24 tiết/tuần.

Điều lo lắng nữa là sự xuống cấp ở những công trình phục vụ dạy học. TTGDNN - GDTX huyện Hương Sơn hiện có 2 cơ sở, trong đó cơ sở 1, rộng 4.500m2 tại TDP 4 - thị trấn Phố Châu và cơ sở 2 rộng 2.500m2 thuộc TDP 9 - thị trấn Phố Châu.

Học sinh các lớp 10, 11,12 phải học trong những phòng học dành cho... học sinh tiểu học.

Cơ sở 1 của trung tâm trước đây là Trường Tiểu học thị trấn Phố Châu được bàn giao lại cho trung tâm từ năm 1996 gồm một ngôi nhà 2 tầng 8 phòng học và 4 dãy nhà cấp 4. Đáng nói, là khu vực này lại nằm trong khu vực quy hoạch khu dân cư Bắc Phố Châu nên từ lâu đã không được đầu tư nâng cấp, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng.

Tiếp quản cơ sở cũ, nhiều năm qua không được đầu tư nâng cấp nên học sinh khối THPT phải học trong những căn phòng dành cho học sinh tiểu học nên rất chật hẹp, ngột ngạt. “Lớp em có 48 bạn, mùa đông còn đỡ chứ mùa hè chúng em phải học trong phòng học có diện tích chưa đến 40m2 nên rất bức bí"- em Trần Xuân Toại học sinh lớp 10D cho biết.

Cơ sở 2 của TTGDNN - GDTX huyện Hương Sơn tại TDP 9, thị trấn Phố Châu đã xuống cấp.

Không chỉ có vậy, công tác đào tạo nghề ở trung tâm cũng bộc lộ nhiều khó khăn, đó là tình trạng thiếu hụt trang thiết bị dạy nghề như như máy hàn, máy may công nghiệp...

"3 năm qua trung tâm đã rất nhiều lần kiến nghị với huyện hỗ trợ kinh phí để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị. Thế nhưng năm học 2021 - 2022 mới chỉ được cấp 425 triệu đồng, không đủ để mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học cũng như sửa chữa những hạng mục hư hỏng nặng ” - Giám đốc Nguyễn Thế Toàn cho biết thêm.

Đề cập đến những tồn tại ở TTGDNN - GDTX huyện Hương Sơn, Bí thư Huyện ủy Bùi Nhân Sâm cho rằng: Khó nhất là đến nay huyện vẫn chưa lựa chọn được khu vực phù hợp để triển khai xây mới trung tâm. Vì vậy, việc bỏ ra tiền tỷ để nâng cấp sửa chữa các cơ sở cũ là rất lãng phí.

Quan điểm này không sai, có điều bên cạnh đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, tìm kiếm mặt bằng hợp lý để xây dựng cơ sở mới, huyện Hương Sơn cũng cần có các giải pháp trước mắt như: cơi nới, mở rộng các phòng học, hỗ trợ trung tâm mua sắm thêm trang thiết bị để giáo viên và học sinh yên tâm dạy, học trong khi chưa có cơ sở mới. Có như vậy đến năm 2025, việc định hướng, phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018- 2025 mới trở thành hiện thực.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói