Nhiều khó khăn trong xây dựng tiêu chí thôn thông minh

(Baohatinh.vn) - Cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, hạn chế về nguồn ngân sách và nhân sự chuyên môn… khiến nhiều địa phương ở Hà Tĩnh "loay hoay" khi xây dựng thôn thông minh.

Năm 2023, trong 26 xã đề xuất đánh giá NTM nâng cao tại Hà Tĩnh, xã Việt Tiến (huyện Thạch Hà) là 1 trong 10 địa phương được công nhận đạt chuẩn. Để phấn đấu về đích NTM kiểu mẫu vào năm 2026, thời gian này, UBND xã Việt Tiến đẩy mạnh triển khai xây dựng mô hình “thôn thông minh” tại địa bàn thôn Trung Tiến. Đây là 1 trong 4 tiêu chí để được công nhận xã NTM kiểu mẫu. Dù vậy, công tác triển khai vẫn gặp không ít khó khăn.

Ông Lê Đức Tuấn – Phó Chủ tịch UBND xã Việt Tiến chia sẻ: “Hiện tại, thôn Trung Tiến đã bước đầu xây dựng hệ thống camera an ninh; 100% người dân sử dụng thẻ ATM để nhận lương hưu, trợ cấp xã hội; tỷ lệ người dân sử dụng smartphone trên địa bàn đạt 90%. Đội ngũ cán bộ tại thôn Trung Tiến cũng như nhiều thôn trên địa bàn xã đã ứng dụng nền tảng Zalo để trực tiếp điều hành, chỉ đạo.”

Ảnh 01.jpg
Sử dụng nền tảng số để tuyên truyền, phổ biến thông tin đến người dân là một trong những tiêu chuẩn của thôn thông minh. (Trong ảnh: Bà Võ Thị Minh Chước - Bí thư chi bộ thôn Trung Tiến sử dụng ứng dụng Zalo để trao đổi với các hộ dân trên địa bàn)

Ghi nhận sự nỗ lực của đơn vị, tuy nhiên, ông Tuấn cũng khẳng định quá trình xây dựng tiêu chí thôn thông minh chỉ mới đạt 55%. “Công tác ứng dụng chuyển đổi số để sản xuất hàng hóa, ứng dụng quản lý tự động hóa vẫn khó triển khai do thiếu đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn. Bên cạnh đó, việc 100% hộ dân được gắn địa chỉ số trên nền tảng địa chỉ số Việt Nam (Vpostcode) cần có sự phối hợp giữa nhiều đơn vị. Xã Việt Tiến cũng gặp không ít khó khăn về nguồn kinh phí thực hiện tiêu chí này.” – ông Tuấn chia sẻ.

Từ khi nhận nhiệm vụ xây dựng “thôn thông minh” trên địa bàn, ông Từ Văn Hồng - Trưởng thôn Trung Tiến đã nhiều lần tổ chức các cuộc họp thôn, họp chi bộ để lấy ý kiến người dân. Theo ông Hồng, phần lớn người dân đều đồng thuận. Dù vậy, đến nay, thôn Trung Tiến vẫn còn một số hạng mục khó thực hiện, trong đó, chỉ có 1/13 tổ liên gia hoàn thành việc đặt tên đường và đánh số nhà.

Để xây dựng địa chỉ số trên nền tảng địa chỉ số Việt Nam, trước hết, các đơn vị cần phải tổ chức thông tin, tuyên truyền cho người dân hiểu và sử dụng. Tiếp đó, cần tập huấn nhân sự hướng dẫn người dân tiếp cận hệ thống hạ tầng kỹ thuật để tham gia khai báo, tạo lập, tra cứu và khai thác cơ sở dữ liệu địa chỉ số trên các ứng dụng. Ngoài ra, cần có nguồn kinh phí thiết kế, in ấn, sản xuất biển địa chỉ số. Quan trọng và khó khăn nhất hiện nay là việc cập nhật dữ liệu lên địa chỉ số quốc gia đòi hỏi cần có nhân sự kỹ thuật, chuyên môn hỗ trợ các địa phương.

“Việc triển khai đánh số nhà sau đó đưa lên địa chỉ số thực sự là một "bài toán" khó. Nếu không có sự hướng dẫn, tập huấn từ các đơn vị cấp trên, chúng tôi khó có thể hoàn thiện được tiêu chí này.” - ông Hồng nói.

Ảnh 02.jpg
Chỉ có 1 trên tổng số 13 tổ liên gia tại thôn Trung Tiến tiến hành đặt tên đường, đánh số nhà.

Theo thống kê từ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thạch Hà, hiện nay, trên toàn huyện có 3 mô hình thôn thông minh tại các xã: Tượng Sơn, Thạch Đài, Ngọc Sơn.

“Mô hình thôn thông minh tại huyện Thạch Hà vẫn chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Nguyên nhân là do các sản phẩm tại thôn còn ít nên việc ứng dụng nền tảng số để kinh doanh chưa hiệu quả. Tỷ lệ người dân thông thạo các thiết bị công nghệ không nhiều. Ngoài ra, kỹ thuật triển khai mô hình đòi hỏi người có chuyên môn, sự phối hợp của nhiều đơn vị” – ông Nguyễn Hùng Vỹ - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thạch Hà chia sẻ.

Tại xã Cẩm Duệ (huyện Cẩm Xuyên), mô hình "thôn thông minh" cũng đang được thí điểm ở thôn Trung Thành. Đơn vị có tổng diện tích 52 ha với 183 hộ dân, thu nhập bình quân đầu người đạt 51,2 triệu đồng/năm. Thời điểm này, tại nhà văn hóa thôn Trung Thành đã được trang bị wifi miễn phí, toàn bộ thôn được lắp đặt 13 camera an ninh.

Ảnh 03.jpg
Nhà văn hóa thôn Trung Thành (xã Cẩm Duệ) được xây dựng khang trang, lắp đặt hệ thống camera và wifi miễn phí.

Ông Lê Đình Hộ - Trưởng thôn Trung Thành cho biết: “Khi xã đạt chuẩn NTM nâng cao, chúng tôi bắt tay ngay vào việc nâng cao các tiêu chí để hướng tới mục tiêu xây dựng NTM kiểu mẫu. Thôn Trung Thành được chọn làm đơn vị xây dựng thôn thông minh, tuy nhiên, do chưa có một mô hình chuẩn để cán bộ, người dân trực tiếp tham quan, học hỏi nên việc hình dung các tiêu chuẩn thôn thông minh vẫn chưa rõ ràng".

Cũng theo ông Hộ, phần lớn người dân đều nhất trí với việc xây dựng thôn thông minh trên địa bàn. Ông Hộ Kỳ vọng sau khi hoàn thiện tiêu chí này, công tác quản lý của đội ngũ cán bộ thôn sẽ được thuận tiện hơn nhờ sự hỗ trợ của các thiết bị thông minh; có thể triển khai hội nghị trực tuyến thôn trong các điều kiện thời tiết xấu, dịch bệnh; người dân có thể bán các sản phẩm nổi bật trên nền tảng số.

Khẳng định đây là một tiêu chí khó, ông Võ Tá Kỷ - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cẩm Duệ mong rằng sớm có các đơn vị chuyên ngành tư vấn cho địa phương về công tác triển khai địa chỉ số, định vị số nhà trên nền tảng địa chỉ số Việt Nam; tập huấn đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử; ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất hàng hóa.

“Xã Cẩm Duệ nỗ lực rất cao trong việc xây dựng NTM kiểu mẫu. Trong đó, để xây dựng thôn thông minh, xã tiến hành phủ sóng internet, hệ thống truyền thanh; hướng dẫn người dân tiếp cận hình thức thanh toán bằng mã QR; sử dụng điện thoại thông minh để tiến tới khai báo địa chỉ số. Đơn vị đã nhiều lần tham mưu với UBND huyện về việc tập huấn cài phần mềm, hướng dẫn định vị số cho người dân và cán bộ xã.” – ông Võ Tá Kỷ nói.

Ông Lê Đình Hộ kỳ vọng mô hình thôn thông minh sẽ đem lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Đạt chuẩn xã NTM nâng cao năm 2023, xã Kỳ Thư (huyện Kỳ Anh) đang dồn sức để về đích NTM kiểu mẫu vào năm 2024. Địa phương đang thực hiện duy trì, phát triển các tiêu chí NTM nâng cao với 6/6 thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chỉ còn 3,37%; duy trì và phát triển 30 mô hình kinh tế. Đặc biệt, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng 1 đến 2 khu dân cư thông minh.

Ông Nguyễn Duy Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Thư cho biết, thời gian qua, đội ngũ cán bộ xã, thôn tại địa phương đã trực tiếp tham quan mô hình thôn thông minh tại xã Kỳ Phú; chủ động đầu tư nguồn ngân sách xây dựng hạ tầng thôn thông minh. Dù vậy, công tác triển khai chưa thể hoàn thiện.

“Xã Kỳ Thư lựa chọn thôn Thanh Hoa làm khu dân cư thông minh. Đây là thôn có vị trí ngay mặt đường quốc lộ 1, do đó, việc định vị số nhà đã sớm được triển khai. Để xây dựng địa chỉ số, ngoài việc định hướng, tham mưu từ Sở Thông tin và Truyền thông, chủ động về nguồn vốn, đơn vị cũng cần có sự tham gia hỗ trợ từ các doanh nghiệp phát triển nền tảng địa chỉ số và bản đồ số với vai trò chuyên môn, hỗ trợ kỹ thuật" - ông Thành cho biết.

Ảnh 04.jpg
Người dân tại nhiều địa phương nỗ lực xây dựng tiêu chí thôn thông minh, sớm về đích NTM kiểu mẫu.

Theo thống kê của Văn phòng NTM tỉnh Hà Tĩnh, đến nay, toàn tỉnh có 60/181 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, chiếm 33,1%. Nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của các địa phương này là xây dựng khung kế hoạch, cân đối nguồn lực để thực hiện duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu xây dựng xã NTM kiểu mẫu hoặc đăng ký xây dựng mô hình xã NTM thông minh (nếu có điều kiện). Để thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã NTM kiểu mẫu, mô hình thôn thông minh là 1 trong 4 tiêu chí bắt buộc.

Mô hình thôn thông minh được quy định tại Quyết định số 38/2022/QĐ-UBND của UBND tỉnh như sau:
- Có ứng dụng công nghệ số trong giao tiếp, quản lý hoặc điều hành (có ứng dụng một trong nền tảng phục vụ kết nối, giao tiếp giữa cán bộ thôn với xã, giữa cán bộ thôn với người dân trong thôn, ví dụ như Zalo, Mocha, Lotus, Gapo…, các nền tảng hội nghị trực tuyến; hoặc có các nền tảng quản lý dữ liệu của thôn, tiếp thu phản ánh của người dân trong thôn, điều hành trực tuyến…);

- 100% hộ gia đình, cơ quan, tổ chức, khu di tích được thông báo, gắn biển địa chỉ số đến từng điểm địa chỉ;

- Thôn có Truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông đảm bảo 100% địa bàn khu dân cư có thể nghe được hệ thống truyền thanh của thôn;

- Có camera an ninh gắn kết với hệ thống quản lý an ninh của xã.

Ghi nhận tại nhiều địa phương ở Hà Tĩnh, khi xây dựng tiêu chí thôn thông minh, bên cạnh khó khăn trong việc tuyên truyền để người dân hiểu rõ về bộ tiêu chuẩn, vai trò của thôn thông minh; phần lớn các địa phương gặp khó khăn trong việc gắn địa chỉ số cho 100% hộ gia đình, cơ quan, tổ chức, khu di tích.

Đây thực sự là một “bài toán” cần có sự phối hợp giữa nhiều đơn vị để sớm tìm ra “lời giải”. Điều này góp phần quan trọng giúp Hà Tĩnh hoàn thành mục tiêu có thêm 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu vào năm 2024. Đồng thời, cơ bản hoàn thành các yêu cầu về tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM quy định tại Quyết định số 321/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Thời gian qua, Sở Thông tin & Truyền thông có ban hành văn bản hướng dẫn; trực tiếp cho ý kiến, đề xuất các phương án đối với 13 xã trình kế hoạch lên Sở về xây dựng thôn thông minh.

Thực tế, công tác triển khai mô hình thôn thông minh gặp khó khăn bởi hiện nay chưa có 1 mô hình chuẩn để hướng dẫn. Các địa phương đang dựa vào cơ sở thực tiễn để đề xuất thực hiện nhiệm vụ phù hợp. Bên cạnh đó, mô hình cần có sự phối hợp, nỗ lực giữa người dân và chính quyền địa phương. Cùng đó, hệ thống cơ sở hạ tầng, nền tảng số từ tỉnh đến cơ sở vẫn manh mún, chưa đồng bộ.

Ông Đặng Văn Đức - Trưởng phòng Thông tin - Sở Thông tin & Truyền thông

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Hà Tĩnh đang trải qua đợt rét đậm mạnh nhất kể từ đầu mùa đông đến nay. Bà con nông dân đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.
Giá vàng có thể phá vỡ kỷ lục thiết lập năm nay vào 2025

Giá vàng có thể phá vỡ kỷ lục thiết lập năm nay vào 2025

Mặc dù bức tranh lạm phát vẫn chưa rõ ràng và nhu cầu về đồ trang sức vàng có thể suy yếu ở một số khu vực, nhưng triển vọng chung về giá vàng thế giới trong năm tới là tích cực, theo các nhà phân tích của Tập đoàn Heraeus Precious Metals.
Nâng cao năng lực phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Nâng cao năng lực phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020 và định hướng, giải pháp phòng ngừa, ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.