Thời tiết nồm ẩm kéo dài mùa đông xuân là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển. Thời điểm này cũng là điều kiện thuận lợi dễ phát tán mầm bệnh trong không khí, lan truyền bệnh từ người này sang người khác. Trẻ em và người già, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi có sức đề kháng kém là đối tượng hay mắc bệnh nhất.
Vậy thì có những căn bệnh phổ biến nào khi thời tiết thay đổi sang nồm, ẩm?
Các căn bệnh thường gặp khi thời tiết nồm Bệnh đường hô hấp
Bệnh khi thời tiết nồm ẩm. Nguồn: Internet
Thời tiết thay đổi đột ngột, cơ thể chưa kịp thích ứng, hệ thống miễn dịch hoạt động yếu. Độ ẩm cao, thậm chí lên tới 100%, hơi nước nhiều tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển, vi khuẩn sinh sôi, nảy nở, ổ dịch cũng phát triển mạnh hơn. Chính vì thế, thời tiết này nguy cơ mắc các dịch cúm, dịch liên quan đến virus bùng phát nhiều.
Bệnh sởi
Sởi là căn bệnh xảy ra theo mùa, thường là đầu mùa xuân nó diễn ra theo từng nhóm và mức độ lây lan nhanh chóng tạo ra dịch bệnh. Bệnh nhân chủ yếu của sởi là trẻ em độ tuổi từ 10 đến 15 và một số trường hợp cả người lớn tuổi.
Bệnh về da
Những ngày thời tiết nồm ẩm, sáng ra hay có mưa phùn, chiều tối lại chuyển lạnh, không khí ẩm ướt đã khiến nhiều căn bệnh về da phát triển. Đa phần người bệnh chủ yếu bị dị ứng thời tiết, viêm da dị ứng, mề đay, viêm da tiếp xúc do côn trùng, nấm da do mặc quần áo ẩm ướt…
Không những thế, độ ẩm không khí cao còn khiến cho các vi khuẩn, bụi bẩn xâm nhập và phát triển, là điều kiện thích hợp cho nhiều loại ký sinh trùng trên da người phát triển. Chúng gây khó chịu, ngứa ngáy, gây tổn thương da. Nồm ẩm muỗi xuất hiện nhiều, yếu tố dị ứng trong môi trường tăng lên rõ rệt như hoa nở nhiều, côn trùng, ong bướm cũng nhiều tạo ra nhiều chất gây dị ứng.
Bệnh thủy đậu
Bệnh thủy đậu có nguy cơ lây nhiễm cao từ người này sang người khác, nhất là trong điều kiện thời tiết đang nồm, ẩm ướt. Thủy đậu nếu không chữa trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: Nhiễm khuẩn ngoài da, ảnh hưởng đến thai nhi khi thai phụ mắc bệnh…
Cúm mùa
Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do vi rút cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi. Tại Việt Nam các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.
Bệnh tiêu chảy cấp
Tiêu chảy thường xảy ra theo mùa và theo địa dư. Ở vùng nhiệt đới, tiêu chảy do vi khuẩn gây nên, xảy ra cao điểm vào mùa mưa và nóng. Đường lây truyền “siêu tốc” nhất là đường phân - miệng. Nếu trẻ khỏe mạnh ăn phải thức ăn, nước uống bị nhiễm virus, vi khuẩn từ trẻ bị tiêu chảy thì cũng sẽ bị mắc tiêu chảy.
Đặc biệt, chính cách chăm sóc thiếu khoa học của phụ huynh cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng tiêu chảy cấp ở trẻ em. Ví dụ như, bình sữa, núm vú trẻ em hay đồ chơi nếu không được vệ sinh sạch sẽ, lại gặp phải thời tiết nồm ẩm kéo dài rất dễ hình thành nấm mốc, vi khuẩn gây bệnh, từ đó khiến trẻ dễ dàng bị tiêu chảy và nhiều bệnh khác.