Những giấy tờ thay thế sổ hộ khẩu giấy từ năm 2023

Từ 1/1/2023, người dân có thể dùng một trong các loại giấy tờ làm thủ tục hành chính là thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân, giấy thông báo số định danh cá nhân.

Ngày 21/12, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ký ban hành Nghị định 104 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.

Từ đầu năm 2023, nhiều thủ tục sẽ không cần xuất trình sổ hộ khẩu, như: Hỗ trợ tạo việc làm; bảo hiểm y tế; hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; phát triển giáo dục mầm non; quản lý học phí với cơ sở giáo dục công lập; miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ lĩnh vực giáo dục, đào tạo; điện lực; nhà ở; đất đai; y tế...

Khi thực hiện thủ tục ở các lĩnh vực nói trên, người dân chỉ cần trình một trong các loại giấy tờ sau: Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân, giấy tờ xác nhận thông tin về cư trú (văn bản ghi nhận thông tin cư trú do cơ quan có thẩm quyền cấp), giấy thông báo số định danh cá nhân, thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Những giấy tờ thay thế sổ hộ khẩu giấy từ năm 2023

Một người dân cầm chứng minh thư và hộ khẩu giấy đi làm thẻ căn cước công dân gắn chip, ngày 9/3/2021. Ảnh: Giang Huy

Chính phủ yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Thông tin về cư trú của công dân tại thời điểm làm thủ tục hành chính được ghi nhận và lưu giữ trong hồ sơ trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, tỉnh.

Các phương thức khai thác thông tin về cư trú của công dân gồm: Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia; tài khoản định danh điện tử của công dân hiển thị trong ứng dụng VNEID; sử dụng thiết bị đầu đọc đã được kết nối trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, gồm thiết bị đọc mã QRCode hoặc thiết bị đọc chip trên thẻ căn cước công dân gắn chip.

Nếu không thể khai thác được thông tin cư trú của công dân theo các phương thức nêu trên, cán bộ có thể yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc xuất trình một trong số giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú.

Nghị định có hiệu lực từ 1/1/2023.

Cuối năm 2020, Quốc hội thông qua Luật Cư trú (sửa đổi), trong đó quy định sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy có giá trị đến hết năm 2022, sau đó người dân sẽ chuyển sang sử dụng mã số định danh cá nhân để chứng minh nơi cư trú.

Luật có hiệu lực từ tháng 7/2021, song có điều khoản chuyển tiếp, người dân tiếp tục được dùng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy đến hết năm 2022 để chứng minh nơi cư trú, giải quyết thủ tục hành chính khi cần thiết.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ và các cơ quan rà soát văn bản có nội dung liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú, để sửa đổi cho phù hợp.

Theo Viết Tuân/VNE

Đọc thêm

Kỳ vọng từ việc sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường

Kỳ vọng từ việc sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường

Việc kịp thời sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 97/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Hà Tĩnh về một số chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường được kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong triển khai hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.