Trung ương, tỉnh quyết liệt
Đấu thầu điện tử thường gọi là ĐTQM được chính thức thực hiện trên phạm vi toàn quốc từ năm 2016 theo Quyết định số 1402/QĐ - TTg ngày 13/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Hơn năm sau (ngày 15/11/2017), Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) cũng đã ban hành Thông tư 04/2017/TT-BKHĐT quy định chi tiết về lựa chọn nhà thầu qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/3/2018.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã có Công văn 4234/UBND về quy định công tác ĐTQM
Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng cũng như thông tư của các bộ, ngành, ngày 28/6/2019, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Công văn số 4234/UBND về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu. Công văn nêu rõ: “Thực hiện đấu thầu qua mạng đảm bảo tỷ lệ đối với hình thức chào hàng cạnh tranh, đấu thầu rộng rãi đạt tối thiểu 50% số lượng gói thầu và 15% về tổng giá trị gói thầu theo quy định tại Chỉ thị số 03/CT-BKHĐT ngày 24/5/2019 của Bộ KH&ĐT (về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả và đẩy lùi tình trạng tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu - PV) theo các phương thức: Đối với chủ đầu tư, bên mời thầu là cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức ĐTQM đối với 100% số lượng gói thầu xây lắp có giá trị đến 10 tỷ đồng, gói thầu mua sắm hàng hóa có giá trị đến 20 tỷ đồng, gói thầu tư vấn có giá trị đến 2 tỷ đồng.
Mặt khác, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã yêu cầu các chủ đầu tư trên địa bàn tổ chức ĐTQM tối thiểu 30% số lượng gói thầu xây lắp có giá trị trên 10 tỷ đồng, gói thầu mua sắm hàng hóa có giá trị trên 20 tỷ đồng, gói thầu tư vấn có giá trị trên 2 tỷ đồng theo nguyên tắc: cứ 3 gói thầu, bắt buộc lựa chọn ít nhất 1 gói áp dụng ĐTQM. Đồng thời, phải đạt tỷ lệ tối thiểu theo quy định của Bộ KH&ĐT.
Đối với chủ đầu tư, bên mời thầu là cấp xã tổ chức ĐTQM tối thiểu 50% số lượng gói thầu theo nguyên tắc: cứ 2 gói thầu, bắt buộc lựa chọn ít nhất 1 gói thầu áp dụng ĐTQM. Với sự vào cuộc tích cực trên, có thể thấy từ Trung ương đến tỉnh đã có những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt trong việc thúc đẩy các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm túc lộ trình ĐTQM.
Huyện, xã “phớt lờ”…
Theo số liệu thống kê từ mạng đấu thầu quốc gia năm 2019, trên địa bàn Hà Tĩnh có tổng số gói thầu là 775 gói, tương đương 6.582 tỷ đồng; số gói thầu đăng tải thông tin trên mạng đấu thầu quốc gia 742 gói, tương đương 5.278,1 tỷ đồng; số gói thầu thực hiện qua mạng là 268 gói, tương đương 1.256,2 tỷ đồng, đạt tỷ lệ về số lượng gói thầu qua mạng là 36,1%; đạt tỷ lệ giá trị gói thầu qua mạng là 23,8%
5 tháng đầu năm 2020, Hà Tĩnh có 190 gói thầu, tổng giá trị 1.436,3 tỷ đồng. Số gói thầu đăng tải thông tin trên mạng đấu thầu quốc gia là 179 gói, tương đương 1.065,3 tỷ đồng. Số gói thầu thực hiện qua mạng là 144 gói, tương đương 718,6 tỷ đồng, đạt tỷ lệ về số lượng gói thầu qua mạng là 80,4%; tỷ lệ giá trị gói thầu qua mạng đạt 67,5%.
Trong 6 gói thầu do UBND xã Thạch Đài làm chủ đầu tư thời gian qua, chỉ duy nhất 1 gói được tổ chức lựa chọn đấu thầu qua mạng (Trong ảnh: thi công đường giao thông liên xã ở Thạch Đài)
Từ số lượng các gói thầu đăng ký trên mạng và tỷ lệ các gói thầu được ĐTQM trong năm 2019 và 5 tháng đầu năm nay cho thấy, quá trình triển khai, thực hiện việc ĐTQM ở Hà Tĩnh thời gian qua có rất nhiều chủ đầu tư chưa nghiêm túc, thậm chí là “phớt lờ” các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của Bộ KH&ĐT cũng như các chỉ đạo của UBND tỉnh.
Tại huyện Hương Khê, các gói thầu do UBND huyện làm chủ đầu tư (trong năm 2019 và 5 tháng đầu năm 2020), tỷ lệ ĐTQM là 4/14 gói, đạt 28,5% số gói và khoảng 2% giá trị gói thầu. Trong đó: 3 gói thầu dưới 5 tỷ đồng thì 2 gói thầu lựa chọn nhà thầu qua mạng; 3 gói thầu dưới 10 tỷ đồng thì 1 gói thầu lựa chọn nhà thầu qua mạng; 8 gói thầu trên 10 tỷ đồng thì không có gói thầu nào lựa chọn nhà thầu qua mạng.
Còn ở Hương Sơn, các gói thầu do UBND huyện làm chủ đầu tư, tỷ lệ đấu thầu qua mạng trong 2019 là 1/19 gói, đạt 5,3% số gói và khoảng 2% giá gói thầu. Trong đó: 6 gói thầu dưới 5 tỷ đồng thì không có gói thầu nào lựa chọn nhà thầu qua mạng; 7 gói thầu dưới 10 tỷ đồng, chỉ 1 gói thầu lựa chọn nhà thầu qua mạng; 6 gói thầu trên 10 tỷ đồng, không có gói thầu nào lựa chọn nhà thầu qua mạng.
Tương tự, ở TX Kỳ Anh, tỷ lệ ĐTQM của địa phương này trong thời gian qua cũng chỉ đạt 12,5% khi chỉ có 1/8 gói thầu được tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng.
Trưởng BQL các dự án Đầu tư và Xây dựng huyện Hương Sơn (Ban A) - Trần Quốc Pháp cho biết: Nguyên nhân thời gian qua công tác ĐTQM của huyện không đạt yêu cầu là do các thông tư hướng dẫn chưa đồng bộ và không cập nhật kịp. Mặt khác, ban chưa được tập huấn, chưa có chứng chỉ ĐTQM, nên người ra bài (bên phát hành hồ sơ mời thầu - PV) chưa hiểu hết thì lấy gì mà chấm thầu. “ĐTQM cũng phải chuyển giao công nghệ, không phải nói là làm liền. Thời gian qua, các ban sở (cấp tỉnh - PV) còn lúng túng, nói chi đến ban huyện, mà các địa phương khác cũng thế cả, không riêng gì chúng tôi…” - ông Pháp lý giải thêm.
Trong năm 2019 và 5 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ ĐTQM ở huyện Hương Khê là 4/14 gói, đạt 28,5%. (Trong ảnh: thi công đường GTNT ở xã Hương Bình)
Về cấp xã, cả 4 gói thầu do UBND xã Kỳ Phú (huyện Kỳ Anh) làm chủ đầu tư năm 2019 đều không ĐTQM. Tại xã Thạch Đài (Thạch Hà), trong 6 gói thầu do UBND xã làm chủ đầu tư, chỉ duy nhất 1 gói được tổ chức lựa chọn qua mạng.
Chủ tịch UBND xã Thạch Đài Trương Quang Anh biện minh: Việc này tôi cũng không rõ lắm, vì gần như tất cả các dự án của xã thời gian qua chúng tôi đều ủy quyền cho BQL các dự án Đầu tư và Xây dựng huyện. Huyện chỉ đạo như thế nào, chúng tôi làm như thế.
Với rất nhiều điểm mới và được đánh giá là mang lại nhiều lợi ích thiết thực, góp phần công khai và minh bạch các dự án đầu tư, ĐTQM đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư tham gia hình thức này. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai ĐTQM ở Hà Tĩnh, bên cạnh việc thực hiện chậm so với lộ trình quy định của các cấp thì cũng còn bộc lộ nhiều sai phạm.
(Còn nữa...)