Những ông chủ trẻ đam mê khởi nghiệp ở Lộc Hà

(Baohatinh.vn) - Với khát vọng hướng đến một tương lai tươi sáng, có sinh kế ổn định và cuộc sống khá giả, nhiều đoàn viên thanh niên ở Lộc Hà (Hà Tĩnh) đã nỗ lực khắc phục khó khăn, quyết chí lập nghiệp.

Huyện đoàn Lộc Hà ra mắt mô hình kinh tế của thanh niên Phạm Bá Kỳ ở xã Mai Phụ (chuyên kinh doanh điện tử, điện lạnh có mức đầu tư 1,5 tỷ đồng).

Cách đây gần 2 năm, anh Trần Khắc Sáng (24 tuổi, ở TDP Xuân Hòa, thị trấn Lộc Hà) đã mạnh dạn xây dựng mô hình nuôi chồn hương. Đây được xem là việc làm táo bạo khi trong tay anh vốn liếng ít, kinh nghiệm chưa có, loài vật nuôi mới, thị trường đầu ra chưa được kiểm chứng và những yêu cầu khắt khe của lực lượng chức năng vì đây là loại động vật rừng quý hiếm cần phải kiểm soát chặt. Với quyết tâm của bản thân và được tổ chức đoàn thanh niên đồng hành nên mô hình kinh tế của anh Sáng đã có những thành công bước đầu.

Anh Trần Khắc Sáng (ở thị trấn Lộc Hà) là một trong những người đầu tiên ở Lộc Hà nuôi chồn hương.

Anh Trần Khắc Sáng chia sẻ: “Tháng 4/2021, tôi mạnh dạn đầu tư 500 triệu đồng (trong đó có 50 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm thanh niên) để xây dựng 45 ô chuồng với diện tích 130 m2 và mua 4 cặp chồn bố mẹ. Nhờ mọi việc thuận lợi nên đến nay, ngoài lựa chọn con tốt để nhân giống thì mỗi lứa xuất bán chồn thương phẩm, tôi có thể thu về 70 triệu đồng tiền lãi; mỗi năm bán được 2 lứa. Tới đây, lợi nhuận dự báo sẽ cao hơn vì quy mô nuôi đã được mở rộng, chi phí nuôi từng bước giảm, thị trường tiêu thụ tốt”.

Sau 2 tháng nuôi, những con chồn hương thương phẩm này có thể đạt 1 kg, được anh Sáng bán với giá 2 triệu đồng/con/kg.

Bí thư Đoàn thị trấn Lộc Hà Nguyễn Văn Thiều cho biết: “Chúng tôi đã giúp đỡ thanh niên trên địa bàn lập thân, lập nghiệp bằng cách đứng ra bảo lãnh cho hơn 200 đoàn viên vay từ 50 - 70 triệu đồng/người (từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện) để có vốn làm ăn và phối hợp mở các lớp tập huấn kỹ thuật, định hướng nghề nghiệp, tư vấn việc làm... Nhờ vậy, hiện trên địa bàn đã có 8 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ có mức thu nhập từ 100 - 300 triệu đồng/năm. Ngoài ra, trong 5 năm qua, chúng tôi cũng giới thiệu cho 200 đoàn viên đi xuất khẩu lao động và tư vấn việc làm cho 1.000 bạn trẻ khác”.

Hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê hương, anh Nguyễn Văn Hoan (29 tuổi, ở thôn Báo Ân, xã Thạch Mỹ) bắt tay vào mở rộng mô hình chăn nuôi và kinh doanh trâu, bò của gia đình.

Anh Nguyễn Văn Hoan kiểm tra cân nặng của bò sau giai đoạn vỗ béo.

Ngoài nuôi đàn bê lai 20 - 30 con/lứa, anh Hoan còn lăn lộn khắp các tỉnh miền Bắc và miền Trung mua trâu, bò về vỗ béo để bán cho các thương lái trong vùng (mỗi năm hơn 200 con).

Sau 8 năm lăn lộn trong nghề, anh đã tích lũy được gần 1 tỷ đồng làm vốn lưu động, có ô tô trị giá 800 triệu đồng, có xe tải dùng để vận chuyển gia súc, có đàn trâu bò hơn 40 con...

Dù tuổi còn trẻ nhưng anh Hoan (dắt trâu đứng bên phải) đã lăn lộn khắp các khu chợ trong và ngoài tỉnh để buôn bán trâu, bò.

Cũng với quyết tâm thoát khỏi cảnh đói nghèo và lạc hậu, cách đây 8 năm, 3 thanh niên ở thôn Thượng Phú (xã Hồng Lộc) do anh Hồ Sỹ Trường đứng đầu đã mạnh dạn vay vốn, tham quan mô hình, học tập kinh nghiệm để xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp.

Chỉ với gần 200 triệu đồng tiền vốn, nhưng nhờ thực hiện tốt phương châm “lấy ngắn nuôi dài” nên đến nay, HTX Thanh niên Thượng Phú đã có 2 khu chuồng nuôi lợn liên kết với tổng quy mô 1.200 con/lứa, 2 khu chuồng nuôi bò 3B và lai Sind quy mô 30 - 40 con/lứa, khu chăn nuôi gia cầm quy mô 500 - 1.000 con/lứa. Mỗi năm, HTX này có tổng mức doanh thu khoảng 16 tỷ đồng, cho lợi nhuận hơn 10%.

Thành viên HTX Thanh niên Thượng Phú chăm sóc đàn bê lai 3B.

Anh Đặng Thái Sơn – Bí thư Huyện đoàn Lộc Hà cho biết: “Đồng hành với thanh niên trong quá trình lập thân, lập nghiệp, trong 5 năm qua, chúng tôi đã tổ chức 67 lớp tập huấn, dạy nghề, hướng nghiệp cho hàng chục nghìn lượt đoàn viên thanh niên và giới thiệu 650 bạn trẻ đi xuất khẩu lao động.

Chúng tôi cũng đã nhận và quản lý tốt nguồn vốn ủy thác gần 50 tỷ đồng (có 397 tổ tiết kiệm) để cho 2.100 ĐVTN vay vốn làm ăn. Ngoài ra, tổ chức đoàn cũng thường xuyên động viên, khuyến khích, đồng hành để đoàn viên tự tin, tích cực, sáng tạo và làm ăn hiệu quả. Nhờ vậy, đến nay, trên địa bàn huyện đã có 45 mô hình sản xuất, kinh doanh (cho lợi nhuận 100 triệu đồng trở lên) của các ông chủ, bà chủ trong độ tuổi đoàn. Các mô hình đang làm ăn hiệu quả, có sức lan tỏa, phù hợp với điều kiện kinh tế và năng lực quản lý, điều hành của thanh niên nông thôn”.

Chủ đề Khởi nghiệp

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói