Những thanh niên khởi nghiệp thành công trên quê nhà Hương Sơn

(Baohatinh.vn) - Sau thời gian vất vả nơi đất khách học hỏi kinh nghiệm, những chàng trai miền sơn cước Hương Sơn (Hà Tĩnh) quyết định trở lại quê nhà để lập nghiệp, làm giàu chính đáng.

Những thanh niên khởi nghiệp thành công trên quê nhà Hương Sơn

Anh Trần Công Danh giới thiệu một trong những sản phẩm được người tiêu dùng trong huyện lựa chọn

Năm 2015, anh Trần Công Danh (SN 1992, thôn 5, xã Sơn Trường, Hương Sơn) tốt nghiệp ngành Điện tử - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau đó, anh Danh ở lại thủ đô một thời gian để trau dồi kiến thức và cũng để tích lũy thêm kinh nghiệm nhằm chuẩn bị hành trang trở về quê hương lập nghiệp.

Năm 2018, anh Danh về làm việc tại Nhà máy Gỗ MDF tại xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang. Thời gian này, anh lựa chọn làm thêm nghề “tay trái”, mở cơ sở kinh doanh hàng điện tử, gia dụng nằm trên tuyến dường Hồ Chí Minh, đoạn qua xã Sơn Trường với quy mô 300m2, vốn đầu tư 1 tỷ đồng.

Những thanh niên khởi nghiệp thành công trên quê nhà Hương Sơn

Dù mua hay không, khách hàng đều vui vẻ bởi thái độ phục vụ tận tâm của cơ sở kinh doanh

Thời gian đầu, anh Danh không được người thân ủng hộ. Sau nhiều đêm thức trắng vì quyết định mạo hiểm của mình, anh lần tìm đến những công ty sản xuất hàng điện tử với hy vọng sẽ trở thành đối tác của họ. “Ngặt nỗi khi biết mình không có vốn, cơ sở kinh doanh lại nơi vùng sâu, vùng xa, nhiều nhà sản xuất từ chối hợp tác” - anh Danh nhớ lại.

Sự kiên trì đeo bám, đầy nhiệt huyết của Trần Công Danh cuối cùng cũng nhận được cái “gật đầu” của Công ty CP Tập đoàn Sunhouse ở Hà Nội. Sau chuyến “mục sở thị” đầu tiên, nhà sản xuất đồng ý chuyển hàng với mỗi lô trị giá gần 200 triệu đồng.

Những thanh niên khởi nghiệp thành công trên quê nhà Hương Sơn

Cơ sở phân phối hàng gia dụng, điện tử của Bí thư Chi đoàn Trần Công Danh nằm bên đường Hồ Chí Minh.

Với slogan luôn đặt chữ “tín” và chất lượng phục vụ lên hàng đầu, anh Danh chưa một lần sai cam kết với nhà sản xuất và khách hàng. Nhờ đó, khách hàng đến với anh ngày càng nhiều.

Đến với nhà phân phối Công Danh, khách hàng được tư vấn kỹ về chất lượng, giá cả bằng thái độ vui vẻ nhiệt tình; hàng hóa được đổi lại trong khoảng thời gian 10 ngày; miễn phí lắp đặt, bảo hành trong thời hạn tối đa 2 năm. Đặc biệt, hằng tháng, đội ngũ cán bộ kỹ thuật còn đến tận nhà kiểm tra thiết bị khách hàng đã mua xem có xảy ra hỏng hóc để sửa chữa miễn phí.

Anh Danh cho biết: "Quá trình về sinh hoạt tại địa phương, tôi đã tham gia tích cực các hoạt động của Đoàn nên được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi đoàn thôn 5 vào năm 2019. Trong vai trò mới, tôi càng quyết tâm, vừa tạo lập kinh tế cho bản thân, vừa truyền cảm hứng đến các bạn ĐVTN về tinh thần lập thân, lập nghiệp. Đến nay, sau gần 3 năm đi vào hoạt động, doanh thu của cơ sở lên đến 8 - 10 tỷ đồng/năm, tạo việc làm tại chỗ cho 4 lao động với mức thu nhập trên 6 triệu đồng/người/tháng.

Cũng như anh Trần Công Danh, năm 2012, anh Lê Hồng Giáp (SN 1985, trú tại thôn 5, xã Sơn Trà) vào tận huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương để lập nghiệp. Từ người thợ mộc có tay nghề giỏi, Giáp trở thành ông chủ cơ sở sản xuất đồ mộc chuyên nghề làm bình hoa bằng gỗ, chế tác bàn ghế từ những gốc cây cổ thụ và sản phẩm mỹ nghệ bằng gỗ có độ tinh xảo cao như: tượng ông địa, gạt tàn thuốc lá…

Những thanh niên khởi nghiệp thành công trên quê nhà Hương Sơn

Sau nhiều năm lăn lộn nơi “đất khách”, anh Lê Hồng Giáp đã tạo dựng cơ sở vũng chắc tại quê nhà

Năm 2017, anh Lê Hồng Giáp quyết định trở về quê hương Sơn Trà để lập nghiệp. Với bản lĩnh và khát vọng vươn lên của tuổi trẻ, chỉ sau khoảng thời gian ngắn với số vốn đầu tư không nhiều (hơn 200 triệu đồng), cơ sở sản xuất đồ mộc do anh Giáp làm chủ được nhiều người biết đến.

“Đến nay, ngoài việc trả lương tháng ổn định 15 triệu đồng/người cho 2 người thợ từ huyện Yên Phòng (Bắc Ninh), 6 triệu đồng cho 1 thợ phụ, tôi thu nhập trên 300 triệu đồng/năm” - anh Lê Hồng Giáp cho biết.

Những thanh niên khởi nghiệp thành công trên quê nhà Hương Sơn

Sản phẩm ông địa được cơ sở của anh Lê Hồng Giáp chế tác có độ tinh xảo cao.

Những năm qua, được sự đồng hành của tổ chức Đoàn các cấp, nhiều thanh niên ở Hương Sơn mạnh dạn khởi nghiệp, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Chỉ tính riêng 3 năm gần đây, toàn huyện Hương Sơn đã ra mắt 28 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ như: mô hình trang trại vườn ao chuồng, nuôi dê, nuôi ong, trồng cây ăn quả… Các mô hình kinh tế có doanh thu từ 200 triệu - 10 tỷ đồng/năm.

Đồng hành với các mô hình kinh tế thanh niên, ngoài hỗ trợ hàng trăm ngày công giúp xây dựng nhà xưởng, lắp đặt trang thiết bị, Huyện đoàn Hương Sơn còn hỗ trợ 10 mô hình kinh tế với số vốn đầu tư 565 triệu đồng từ các nguồn vốn ưu đãi do các tổ chức Đoàn quản lý.

Theo Bí thư Huyện đoàn Hương Sơn Nguyễn Văn Linh, nhằm đánh thức khát vọng lập thân, lập nghiệp của đoàn viên, thanh niên, thời gian qua, đơn vị tích cực tuyên truyền, phổ biến các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn; phối hợp tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp cho 3.250 đoàn viên thanh niên tham gia. Đồng thời, giúp thanh niên tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về các thủ tục, phát huy hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi do tổ chức Đoàn quản lý, ủy thác, tạo điều kiện tối đa cho thanh niên lập nghiệp.

Trong chương trình đồng hành với thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp, từ năm 2019 đến nay, Huyện đoàn Hương Sơn đã tổ chức 2 lớp tập huấn kiến thức, 4 buổi tư vấn, 2 lớp tập huấn sản phẩm OCOP, 3 đợt tham quan học tập phát triển kinh tế cho hơn 1.500 đoàn viên thanh niên tham gia. Đồng thời, phối hợp tổ chức 2 sản giao dịch việc làm, 11 buổi tư vấn định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho 5.700 lượt đoàn viên thanh niên.

Chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Chủ đề Hoa đẹp núi hồng

Chủ đề Khởi nghiệp

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.