HTX Thu mua và chế biến thuỷ hải sản Chiến Thắng do bà Đặng Thị Luận làm Giám đốc đang sở hữu 2 sản phẩm OCOP.
Sinh ra ở vùng đất của nghề đánh bắt hải sản, từ người phụ nữ làm nước mắm truyền thống và chỉ bán cho người dân trong vùng, đến nay, bà Đặng Thị Luận - Giám đốc HTX Thu mua và chế biến thuỷ hải sản Chiến Thắng (xã Kỳ Ninh, TX Kỳ Anh) đã đưa đặc sản vùng biển Kỳ Anh ra thị trường quốc tế với thương hiệu nước mắm Luận Nghiệp.
Nữ giám đốc Đặng Thị Luận chia sẻ: “Năm 2016, tôi đứng ra thành lập HTX Thu mua và chế biến thuỷ hải sản Chiến Thắng nhưng ngay sau đó, xảy ra sự cố môi trường biển nên HTX gần như phải tạm ngừng hoạt động. Không nản chí, năm 2018, tôi quyết tâm vực dậy HTX và năm 2019, chúng tôi xây dựng thành công thương hiệu nước mắm đạt chuẩn OCOP 3 sao. Đến năm 2020, nước mắm Luận Nghiệp được nâng hạng lên OCOP 4 sao. Hiện nay, HTX có 4 sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao gồm: nước mắm, cá mờm rim lạc, mắm ruốc, sứa ăn liền. Ngoài tiêu thụ trong nước, mới đây, nước mắm của HTX đã được xuất khẩu chính ngạch sang CHLB Nga. Vinh dự hơn cả là HTX đã được Bộ NN&PTNT tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 – 2020”.
Mỗi năm, HTX Chiến Thắng bán ra gần 100.000 lít nước mắm.
Cơ sở chế biến thực phẩm Hoa Hào (thị trấn Phố Châu, Hương Sơn) do bà Nguyễn Thị Hoa làm chủ chuyên sản xuất ruốc bông, thịt bò khô, thịt chưng mắm tép, khô gà lá chanh… Năm nay đã 64 tuổi nhưng bà Hoa vẫn thường xuyên tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại ở các tỉnh, thành phố để tìm kiếm cơ hội phát triển thị trường cho sản phẩm của cơ sở.
Được biết, bà Hoa bắt đầu làm ruốc bông, bò khô để bán vào khoảng năm 1993, khi bà đang là văn thư Trường Tiểu học Sơn Diệm. Từ năm 2012, bà nghỉ hưu và bắt đầu sản xuất số lượng lớn cung cấp cho thị trường. Năm 2020, bà Hoa quyết định đầu tư trang thiết bị, mở rộng cơ sở, nâng tầm quy mô sản xuất để tham gia chương trình OCOP và đến cuối năm, sản phẩm ruốc bông và thịt bò khô của cơ sở đạt chuẩn 3 sao.
Bà Nguyễn Thị Hoa tham gia hội chợ xúc tiến thương mại tại Hà Nội dịp cuối năm 2022.
"Thời điểm ban đầu, tôi làm ruốc bông, bò khô bán để cải thiện thu nhập vì đồng lương văn thư không đủ chi tiêu. Còn bây giờ, nghề này đã mang lại thu nhập chính của gia đình. Nhờ đạt chuẩn OCOP, đảm bảo chất lượng, tạo được uy tín trên thị trường nên sức tiêu thụ sản phẩm khá tốt. Hiện nay, trung bình mỗi tháng cơ sở sử dụng gần 5 tấn thịt lợn và hơn 3 tấn thịt bò để sản xuất” - bà Hoa chia sẻ.
Bà Phạm Thị Hoa – Giám đốc HTX Kinh doanh và chế biến hải sản Hoa Linh Chi giới thiệu sản phẩm với đoàn công tác Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định.
Hơn 30 năm làm đại lý kinh doanh hải sản khô, năm 2020, tham gia chương trình OCOP, bà Phạm Thị Hoa (xã Cương Gián, Nghi Xuân) chuyển đổi cơ sở của mình thành Tổ hợp tác Kinh doanh và chế biến hải sản Hoa Linh Chi. Đến tháng 10/2021, bà tiếp tục nâng cấp cơ sở thành hợp tác xã với 11 thành viên.
Bà Phạm Thị Hoa – Giám đốc HTX Kinh doanh và chế biến hải sản Hoa Linh Chi cho biết: “Trong năm 2020 và 2021, HTX có 3 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao là tôm nõn khô và cá mờm khô, mực khô. Hiện nay, tôm nõn khô đang trong quá trình chấm nâng hạng lên OCOP 4 sao. Chương trình OCOP đã mang lại nhiều giá trị cho chúng tôi, được người tiêu dùng tin tưởng, sản phẩm cung cấp cho nhiều đại lý ở các tỉnh, thành và đặc biệt là được nhiều người dân địa phương “xách tay” đi nước ngoài. Ước tính doanh thu của HTX sau khi sản phẩm được gắn sao OCOP tăng gấp đôi so với trước đó, lao động thời vụ khi cao điểm lên đến 15 – 20 người. Nhờ tiêu thụ sản phẩm tốt, hàng năm HTX thu mua của ngư dân trong tỉnh khoảng 20 tấn tôm tươi, 5 tấn cá mờm tươi và 7 tấn mực tươi”.
Mỗi năm HTX Kinh doanh và chế biến hải sản Hoa Linh Chi thu mua cho ngư dân hàng chục tấn tôm, mực, cá.
Trên hành trình xây dựng và nâng tầm sản vật quê hương, nhiều chủ thể nữ sau khi tham gia chương trình OCOP và được chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao đã đưa sản phẩm của cơ sở mình vươn xa trên thị trường, thậm chí là xuất khẩu đi các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Anh...
Nhắc đến các thương hiệu sản phẩm OCOP của Hà Tĩnh được khẳng định trên thị trường gắn với vai trò thủ lĩnh của phụ nữ, không thể không kể đến nước mắm Phú Khương của bà Lê Thị Khương (huyện Kỳ Anh); nem, giò, chả của chị Lê Thị Bình (Hương Sơn); bánh ram Anh Thu của chị Lê Hoài Thu (Thạch Hà); nem chua, giò me Hoài Võ của chị Võ Thị Hoài (Can Lộc); tinh dầu lá xông và trà mầm ngũ cốc của chị Nguyễn Thị Thùy Dung (huyện Kỳ Anh), nhung hươu Thuận Hà của bà Chu Thị Hồng Hà (Hương Sơn), …
Bà Chu Thị Hồng Hà – Giám đốc Doanh nghiệp nhung hươu Thuận Hà được vinh danh là “Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2022.
Không chỉ phát huy vai trò phụ nữ làm chủ, chương trình OCOP cũng đã góp phần không nhỏ tạo công ăn việc làm cho số lượng lớn lao động nữ vùng nông thôn, phát triển làng nghề truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Lê Xuân Tùng – Trưởng bộ phận OCOP, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, tỷ lệ chủ thể OCOP của Hà Tĩnh chiếm khoảng hơn 50% là phụ nữ. Qua gần 5 năm triển khai, chương trình OCOP đã mang đến những cơ hội tốt để phụ nữ làm kinh tế, nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình. Nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP do phụ nữ làm chủ trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần làm nên thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương.