Những “Startup” trẻ tạo giá trị khác biệt trong sản xuất nông nghiệp ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Họ đều là những ông chủ trẻ, cùng lựa chọn nông nghiệp làm điểm khởi nghiệp. Và, chính họ đã tạo ra các giá trị khác biệt từ những “startup” mang khát vọng làm giàu trên chính quê hương Hà Tĩnh...

Sản xuất hữu cơ, tạo nền tảng phát triển bền vững…

Đây không phải là lần đầu tiên tôi có dịp thăm trang trại của anh Nguyễn Văn Nguyên, nay là Giám đốc Công ty TNHH Vạn An Hà Tĩnh (thôn Tân Học, xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh).

Những “Startup” trẻ tạo giá trị khác biệt trong sản xuất nông nghiệp ở Hà Tĩnh

Mô hình trồng măng tây của Công ty TNHH Vạn An - Hà Tĩnh

Nhắc đến Nguyên, nhiều người chẳng còn xa lạ, bởi anh từng “gây choáng” khi là một thạc sỹ kinh tế tốt nghiệp tại Cộng hòa Liên bang Đức lại lựa chọn trở về quê hương để… đào hồ nuôi tôm, mở trại chăn gà.

“Từ đầu tới cuối, tôi luôn theo đuổi mục đích sản xuất nông nghiệp an toàn theo hướng hữu cơ. Tôi nói không với sử dụng hóa chất trong nuôi tôm, cua, sử dụng phân gà để ủ vi sinh bón cho cây trồng. Tất nhiên, so với cách làm truyền thống thì lợi nhuận không cao đột biến nhưng không phải không khả thi. Tôi có thị trường khá ổn định, sản xuất giảm thiểu rủi ro và thân thiện với môi trường để tạo dựng cơ hội khai thác bền vững”, anh Nguyên chia sẻ.

Những “Startup” trẻ tạo giá trị khác biệt trong sản xuất nông nghiệp ở Hà Tĩnh

Trại gà 12.000 con tạo nguồn doanh thu lớn cho ông chủ trẻ

Con người ta khi tìm được lý lẽ cho mình, tự khắc đam mê sẽ dẫn lối. “Giám đốc nông dân” Nguyễn Văn Nguyên là người như thế, gần như tất cả những mô hình sản xuất đều đến từ tự học hỏi.

Anh bảo, cứ sáng sáng nhìn thấy đàn tôm, cá quẫy tung bọt nước chờ thức ăn hay những mầm cây tận tay ươm giống lớn thêm từng ngày là vui mắt, là có cớ để say sưa.

Đầu năm nay, công ty mở rộng đầu tư thêm trang trại mới để trồng măng tây và thả nuôi một số loại cá nước ngọt ở xã Thạch Vĩnh, Thạch Hà. Theo kế hoạch của ông chủ trẻ, đây sẽ là vùng nuôi khép kín, trại gà sau khi chuyển đến đây sẽ vừa cho lấy trứng nhưng cũng tận dụng nguồn phân tại chỗ để ủ phân vi sinh, dùng bón cho cây trồng, cải tạo đất. Hôm tôi đến, toàn bộ diện tích 2,5 ha măng tây đã bắt đầu được phủ kín. Những bầu cây đã vươn mầm mạnh khỏe, chuẩn bị cho cuộc thử thách mới.

Những “Startup” trẻ tạo giá trị khác biệt trong sản xuất nông nghiệp ở Hà Tĩnh

Sản xuất măng tây theo hướng hữu cơ ở Thạch Vĩnh là hướng đi mới của anh Nguyễn Văn Nguyên

“Chúng tôi đã mất gần 5 tháng để vừa ươm giống cây, vừa cải tạo đất bằng phương pháp sinh học. Đây là đối tượng cây trồng có thị trường triển vọng và hiệu quả kinh tế cao. Tuy sản xuất theo hướng hữu cơ lại không hề đơn giản nhưng không thử sẽ không thành công. Số giống mà chúng tôi chuẩn bị gấp 3 lần diện tích hiện có, phòng khi thất bại lần này thì sẽ rút kinh nghiệm cho lần sau”, ông chủ Nguyên cương quyết.

Đến với nông nghiệp vì đam mê nhưng giá trị mà nông nghiệp đem lại cho Công ty TNHH Vạn An Hà Tĩnh là nguồn doanh thu lên đến gần 20 tỷ đồng mỗi năm. Trong tay ông chủ trẻ hiện có 36 ha nuôi trồng thủy sản với sản lượng hơn 50 tấn/năm; 12.000 con gà với bình quân thu 10.000 quả trứng mỗi ngày.

Phát triển chuỗi khép kín lúa gạo…

Bắt tay vào ngành sản xuất lúa gạo vốn không còn mới mẻ, lại ở địa phương nhiều khó khăn như Hà Tĩnh, nhiều người nghĩ Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh liều lĩnh khi chọn cho mình hướng đi cũ là đầu tư chế biến và xuất khẩu gạo.

Những “Startup” trẻ tạo giá trị khác biệt trong sản xuất nông nghiệp ở Hà Tĩnh

Hệ thống chế biến gạo của KC Hà Tĩnh được đầu tư hiện đại...

Thế nhưng, chính nhiệt huyết của tuổi trẻ cùng với phương án kinh doanh vững vàng, doanh nhân Nguyễn Khánh Tùng đã đặt những viên gạch đầu tiên cho khởi nghiệp của mình.

Giám đốc Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh - Nguyễn Khánh Tùng chia sẻ: “Việc chuyển đổi sản xuất lúa theo hướng chất lượng cao, xây dựng vùng nguyên liệu lúa, gạo hàng hóa gắn với doanh nghiệp tiêu thụ là tiềm năng mới cho lúa gạo Hà Tĩnh hội nhập. Điều này giúp các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm”.

Những “Startup” trẻ tạo giá trị khác biệt trong sản xuất nông nghiệp ở Hà Tĩnh

... đảm bảo quy trình khép kín sản xuất gạo sạch, an toàn

Tư duy mạnh bạo của tuổi trẻ đã khiến ông chủ trẻ bắt tay ngay vào đầu tư hệ thống văn phòng, nhà xưởng, kho bãi, với tổng diện tích 20.000 m2 bên tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh đoạn xã Thạch Đài (Thạch Hà).

Trong đó, hệ thống nhà máy bao gồm lò sấy lúa với công suất 300 tấn lúa/ngày, dây chuyền xay xát với công suất 3-6 tấn lúa/giờ; dây chuyền lau bóng, hệ thống máy tách màu...

Những “Startup” trẻ tạo giá trị khác biệt trong sản xuất nông nghiệp ở Hà Tĩnh

KC Hà Tĩnh xây dựng cánh đồng nguyên liệu hàng trăm ha mỗi vụ tại Hà Tĩnh

Vừa tìm tòi vừa phát triển, Công ty KC Hà Tĩnh là đơn vị tiên phong của tỉnh Hà Tĩnh đầu tư xây dựng chuỗi giá trị liên kết khép kín từ nguồn cung vật tư sản xuất đến bao tiêu sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Doanh nghiệp luôn đóng vai trò mắt xích quan trọng nhất để “kéo” sản xuất.

Năm 2018, Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh đã được Bộ Công thương cấp giấy phép xuất khẩu gạo sang tất cả các nước trên thế giới. Những cái tên gạo Ngọc Mầm, Lam Hồng đã theo những hợp đồng xuất khẩu sang Lào, Đài Loan và các nước Châu Phi như một “dấu mốc” của thương hiệu lúa gạo Hà Tĩnh.

Trong vòng 5 năm tới, KC Hà Tĩnh sẽ phát triển vùng nguyên liệu với diện tích 2.000 ha và “lấn” sâu vào lĩnh vực chế biến hàng hóa: bột cám gạo, bánh bún…

Chủ đề Nông dân khởi nghiệp

Đọc thêm

Khai trương showroom VinFast Hà Tĩnh 2

Khai trương showroom VinFast Hà Tĩnh 2

Showroom VinFast Hà Tĩnh 2 không chỉ là nơi trưng bày và kinh doanh sản phẩm mà còn là cầu nối giữa VinFast với khách hàng nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của thị trường.