Bamboo Airways lên kế hoạch thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên vào cuối năm nay. (Ảnh: Nikkei)
Cả ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC và ông Đặng Tất Thắng đều cho biết rất tự tin rằng Bamboo Airways sẽ được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không và kế hoạch ra mắt sẽ diễn ra đúng như dự kiến.
“Việt Nam có tiềm năng lớn trong ngành hàng không và chúng tôi đã chuẩn bị tất cả các bước, bao gồm cả giấy phép bay, để sẵn sàng cho chuyến bay thương mại đầu tiên trước khi năm 2018 khép lại”, ông Thắng nói với Nikkei.
Vị Tổng giám đốc 37 tuổi của Bamboo Airways cho biết rất tự tin vào quyết định chọn thời điểm gia nhập thị trường hàng không là vào cuối năm nay, khi số lượng hành khách sử dụng phương tiện vận chuyển hàng không đang tăng mạnh. Số liệu thống kê từ các sân bay trên cả nước cho biết trong năm 2017, có 94 triệu lượt hành khách sử dụng phương tiện vận chuyển hàng không, tăng 16% so với năm 2016. Năm ngoái, Việt Nam đón khoảng 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng 29% so với năm trước đó.
Bamboo Airways được thành lập tháng 5/2017 với tư cách là công ty con của Tập đoàn FLC. Bộ nhận diện thương hiệu của Bamboo Airways mang hình ảnh cây tre - biểu tượng cho tinh thần của người Việt.
Tại cuộc họp Đại hội cổ đông giữa tháng 6 vừa qua, ông Quyết cũng xác nhận Bamboo Airways sẽ cất cánh vào cuối năm. Nếu thành công, Bamboo Airways sẽ trở thành hãng hàng không nội địa thứ năm của Việt Nam. Trước đó, đối thủ của Bamboo Airways là Vietjet chính thức khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên vào tháng 12/2011.
Định hướng chiến lược của Bamboo Airways là hãng hàng không truyền thống vừa có dịch vụ siêu cao cấp, vừa có dịch vụ giá rẻ. “Chúng tôi nhắm đến các hành khách cả trong và ngoài nước”, ông Thắng nói.
Tập đoàn FLC điều hành 6 quần thể nghỉ dưỡng, sân golf khắp Việt Nam. Con số này dự kiến tăng lên 10 đến năm 2020. FLC cũng là nhà tổ chức lớn nhất một giải golf tại Việt Nam. Các quần thể nghỉ dưỡng, sân golf của FLC mỗi tháng đón hơn 3.000 golf thủ Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc tới thi tài.
Theo ông Thắng, sau khi được cấp phép bay chính thức, Bamboo Airways sẽ thuê 10 máy bay trong năm 2018, sau đó phát triển đội bay lên 50 chiếc trong 3 năm tới, trước khi tiếp nhận các đơn giao hàng máy bay đầu tiên theo hợp đồng mua với các nhà sản xuất nước ngoài.
Ông Đặng Tất Thắng - Phó Tổng giám đốc FLC, Tổng Giám đốc Bamboo Airways. (Ảnh: Nikkei)
Hồi tháng 3, Tập đoàn FLC đã ký kết hợp đồng thoả thuận mua 24 máy bay A321NEO với Tập đoàn Airbus của Pháp, tổng giá trị hợp đồng theo niêm yết là 3.108 tỷ USD. Ba tháng sau, FLC ký tiếp thỏa thuận mua 20 máy bay thuộc dòng Boeing 787-9 Dreamliner với Tập đoàn Boeing của Mỹ. Thương vụ này có giá trị niêm yết 5,6 tỷ USD.
Với mảng nhân sự, đợt tuyển dụng quy mô đầu tiên của Bamboo Airways đang được diễn ra, với nhu cầu lên tới gần 600 vị trí ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ an ninh, kỹ thuật, dịch vụ, khai thác, bảo dưỡng, thương mại, phi công, tiếp viên…
“Chúng tôi không có kinh nghiệm trong ngành hàng không, tuy nhiên chúng tôi đã chiêu mộ được cựu Phó Tổng giám đốc của Vietnam Airlines về giữ chức Phó Tổng giám đốc của Bamboo Airways cùng những tài năng của các hãng bay khác trên tinh thần kế hoạch cất cánh sẽ diễn ra trong năm nay. Các khóa đào tạo sẽ được bắt đầu trong năm tới”, ông Thắng nói.
Năm 2001, ở tuổi 26, luật sư Trịnh Văn Quyết cùng hai cộng sự thành lập Công ty Cổ phần Vietnam Trade Corp, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thương mại - dịch vụ. Năm 2010, sau khi mở rộng hoạt động và niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, công ty này được đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC.
Vị Chủ tịch 41 tuổi của Tập đoàn FLC cũng là một trong những doanh nhân Việt Nam nổi tiếng, bên cạnh các tên tuổi là Phạm Nhật Vượng (Vingroup), Nguyễn Phương Thảo (Vietjet), Trần Đình Long (Hòa Phát) và Trần Bá Dương (Auto Trường Hải). FLC hiện cũng là một trong những doanh nghiệp giàu có nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.