Cách đây 93 năm, từ ngày 14 - 31/10/1930, tại Hồng Kông, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất của Đảng đã thông qua Luận cương Chính trị, Điều lệ Đảng và các Án nghị quyết. Nghị quyết Trung ương lần thứ nhất chỉ rõ: “Trong các đảng bộ thượng cấp (từ thành và tỉnh ủy trở lên) phải tổ chức ra các ban chuyên môn về các giới vận động”. Từ đó, hệ thống ban chuyên môn về các giới vận động của Đảng bao gồm: Công vận, Nông vận, Thanh vận, Phụ vận, Quân đội vận, Mặt trận phản đế được ra đời làm nhiệm vụ tổ chức, tập hợp lực lượng, giáo dục, vận động quần chúng Nhân dân tham gia các phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bài báo “Dân vận” đăng trên Báo Sự thật, số 120, ra ngày 15/10/1949 với bút danh X.Y.Z là cẩm nang của công tác dân vận. Ảnh tư liệu
Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, nước nhà giành được độc lập. Sự nghiệp cách mạng có những chuyển biến mới, đòi hỏi công tác vận động quần chúng của Đảng tiếp tục được tăng cường nhằm động viên tối đa sức người, sức của cho kháng chiến, kiến quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo “Dân vận” đăng trên Báo Sự thật, số 120, ra ngày 15/10/1949 với bút danh X.Y.Z. Bài báo có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thể hiện xuyên suốt tư tưởng “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, là cẩm nang của công tác dân vận, chỉ dẫn đầy đủ, sâu sắc về mục đích, đối tượng, nhiệm vụ, phương pháp công tác dân vận đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức chính quyền và các tổ chức đoàn thể trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng.
Tháng 10/1999, nhân kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Dân vận”, theo đề nghị của Ban Dân vận Trung ương, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã đồng ý lấy ngày 15/10/1930 làm ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng và quyết định chọn ngày 15/10 hằng năm là Ngày “Dân vận” của cả nước để đẩy mạnh việc học tập và thực hiện những lời dạy của Bác Hồ về công tác dân vận.
Trải qua 93 năm đồng hành cùng lịch sử cách mạng dân tộc, công tác dân vận luôn là một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.
Song hành cùng sự phát triển ngành Dân vận của Đảng, suốt thời gian qua, công tác dân vận ở Hà Tĩnh luôn được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị quan tâm thực hiện theo hướng sát thực tiễn, thiết thực, hiệu quả. Qua đó, góp phần phát huy quyền làm chủ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, góp phần quan trọng vào kết quả phát triển KT-XH, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Ban Dân vận Tỉnh ủy Hà Tĩnh tổ chức chuyến khảo sát tình hình công tác vận động đồng bào dân tộc Chứt tại bản Rào Tre, xã Hương Liên (Hương Khê).
Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung triển khai thực hiện công tác dân vận gắn với nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương, đơn vị theo từng năm, từng giai đoạn; tiếp tục cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhất là trên các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của người dân, như: các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH; xây dựng NTM, đô thị văn minh; giải phóng mặt bằng, tái định cư thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh; phòng, chống dịch COVID-19; công tác an sinh xã hội...
Chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Nhân dân đạt được những kết quả tích cực. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh tổ chức 982 cuộc tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Nhân dân, trong đó, cấp tỉnh 4 cuộc, cấp huyện 118 cuộc, cấp xã 863 cuộc.
Công tác dân vận chính quyền được quan tâm; công tác cải cách hành chính được tăng cường, từng bước chuyển nhận thức từ mệnh lệnh, hành chính sang chính quyền hỗ trợ, phục vụ Nhân dân. MTTQ và các đoàn thể đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tập trung hướng về cơ sở; chăm lo quyền, lợi ích chính đáng của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.
Nhờ làm tốt công tác dân vận, xã Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên) đã phát huy sức mạnh đoàn kết lương giáo, góp phần giúp địa phương đạt 17/20 tiêu chí NTM nâng cao.
Thực hiện hiệu quả công tác dân vận đã tạo thêm niềm tin giữa Nhân dân với cấp ủy, chính quyền các cấp, góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển, lấy lại đà tăng trưởng. Tính chung giai đoạn 2021-2023, tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 5,65%; tổng thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 2021-2023 ước đạt 53.906 tỷ đồng; thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc; xây dựng NTM đạt nhiều kết quả quan trọng. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt kết quả nổi bật, hoạt động an sinh xã hội tạo được sức lan tỏa rộng lớn. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,79% theo chuẩn đa chiều mới.
Phát huy truyền thống vẻ vang 93 năm công tác dân vận của Đảng, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị Hà Tĩnh tiếp tục học tập, quán triệt tư tưởng, đạo đức và phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đổi mới công tác dân vận theo hướng sát cơ sở, thực sự “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”; gắn việc làm tốt công tác dân vận với trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và Nhân dân giao phó.
Tuyên truyền, vận động Nhân dân với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” là cách làm hiệu quả trong công tác dân vận được các cấp ủy đảng, chính quyền ở Cẩm Xuyên thực hiện.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công", ngành Dân vận tỉnh Hà Tĩnh nỗ lực, quyết tâm góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030.
Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Hà Tĩnh