Sáng ngời y đức
Lê Hữu Trác (1724-1791), quê ở làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương, nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên). Thân phụ ông là cụ Lê Hữu Mưu (1675-1739), từng đỗ tiến sỹ và làm quan đến chức Hữu thị lang Bộ Công. Thân mẫu là bà Bùi Thị Thưởng, con gái Tướng công Bùi Diệm Đăng, quê ở xứ Bàu Thượng, xã Tình Diệm, huyện Hương Sơn, nay là xã Quang Diệm (Hương Sơn, Hà Tĩnh).
Lê Hữu Trác là người có tư chất thông minh, ông từng đậu Tam trường, sau đó tiến thân bằng con đường binh nghiệp. Tuy nhiên, sau khi xông pha trận mạc, ông cảm thấy không phù hợp. Năm 1746, lấy cớ anh trai mất, ông rời quân ngũ trở về quê ngoại ở thôn Bàu Thượng, xã Tình Diệm, huyện Hương Sơn, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An, nay là xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, để phụng dưỡng mẹ già. Tại đây, Lê Hữu Trác đã dành phần đời còn lại chuyên tâm nghiên cứu y thuật, chữa bệnh cứu người.
Với tâm niệm “Tôi đã hiến thân cho nghề thuốc nên lúc nào cũng muốn làm hết sức mình, trước thuật cho nhiều để dựng cờ hồng trong ngành y” (Y huấn), Hải Thượng Lãn Ông đã thừa kế và phát huy học thuật của những bậc danh y đời trước, tiếp thu học thuật nước ngoài, độc lập trong nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo và vận dụng linh hoạt vào thực tế lâm sàng, đúc rút kinh nghiệm làm sáng tỏ nhiều điều ngờ vực, bổ sung những chỗ người xưa chưa nói tới.
Không dừng lại ở đó, Hải Thượng Lãn Ông còn mở thêm Hội y nhằm quy tụ các danh y từ khắp nơi đến để bầu bạn và sẻ chia kiến thức, học hỏi lẫn nhau, đồng thời mở các lớp tập huấn về y học để đào tạo thế hệ thầy thuốc trẻ cho nước nhà nhằm kế tục sự nghiệp bốc thuốc chữa bệnh cứu người.
Trong suốt phần đời làm nghề thầy thuốc của mình, Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác có nhiều đóng góp to lớn cho nền y học dân tộc Việt Nam. Pho sách Hải Thượng y tông tâm lĩnh (hay còn gọi là Lãn Ông tâm lĩnh) gồm 28 tập, 66 quyển được xem là một bộ tùng thư, bách khoa thư về y học cổ truyền phương Đông. Tác phẩm không chỉ kết tinh tinh hoa của y học cổ truyền với các nội dung sâu sắc về lý, pháp, phương, dược và biện chứng luận trị về nội khoa, ngoại khoa, phụ khoa, sản khoa, nhi khoa… mà còn thể hiện quan điểm, là di huấn của Hải Thượng Lãn Ông về y đức, y đạo của người thầy thuốc, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Theo quan niệm của ông, người thầy thuốc bên cạnh am hiểu sâu sắc y lý, tài giỏi về y thuật thì phải có đạo đức nghề nghiệp (điều căn cốt của một lương y), cần khắc sâu 8 chữ: nhân, minh, đức, trí, lượng, thành, khiêm, cần (biết quan tâm người khác, sáng suốt, đức độ, thông minh, rộng lượng, thành thật, khiêm tốn, chăm chỉ, chịu khó). Trong đó, chữ “nhân” và “đức” được Hải Thượng nhiều lần nhắc đến và xem đây là đức tính cần thiết, tất yếu để theo học nghề y, bởi lẽ: “Nghề thuốc là một nghề thanh cao, là một nghề có lòng nhân…”, “Thầy thuốc có nhiệm vụ bảo vệ mạng sống người ta; sự sống, chết, họa, phúc đều ở tay mình xoay chuyển…”, “Đạo làm thuốc là một học thuật cao quý để giữ gìn mạng sống, cũng là đầu mối lớn lao về đạo đức chân chính”. Qua nghề y, người thầy thuốc có thể bồi đắp được chữ “đức” cao dầy bằng việc tận tâm cứu người hoặc “thất đức” nếu lợi dụng nghề y để mưu cầu lợi lộc, làm hại người khác.
Ông thường răn dạy học trò: “Làm thầy thuốc mà không có lòng thương chung giúp đỡ người khác làm hằng tâm, không nghiền ngẫm sâu sắc tìm cách cứu sống người mà chỉ chăm chăm kể lợi tính công, lấy của hại người thì còn khác gì bọn giặc cướp”. Vì lẽ ấy, người thầy thuốc cần tránh mắc 8 tội: “Lười, keo, tham, dối, dốt, ác, hẹp hòi, thất đức”. Trong “Y huấn cách ngôn”, Đại danh y cũng đã để lại 9 điều giáo huấn về y học, y đức, trong đó căn dặn học trò phải nghiên cứu thấu đáo, sâu sắc Nho học và các sách y xưa; răn dạy về trách nhiệm của thầy thuốc khi đi thăm bệnh, cách thức ứng xử đối với bạn đồng nghiệp, với người bệnh, nhất là bệnh nhân nữ, người nghèo túng, mồ côi, góa bụa, con thảo, vợ hiền... và không quên nhắc mình, nhắc người “Nghề y là thanh cao, càng phải giữ gìn khí tiết cho trong sạch”.
Hơn 40 năm làm nghề bốc thuốc cứu người, bằng sự thông tuệ về y thuật và tấm lòng nhân đức của người thầy thuốc chân chính, Hải Thượng Lãn Ông đã chẩn đoán, suy luận, tận tình cứu chữa cho hàng vạn người bệnh mà không nề hà khó nhọc, vất vả, kể cả đối với những bệnh lây nhiễm có thể ảnh hưởng tới sức khỏe bản thân hoặc những bệnh hiểm nghèo phải dùng thuốc đắt tiền mà ông biết rõ người bệnh không có khả năng chi trả.
Ông đặc biệt quan tâm ưu ái cho người nghèo, bởi “Nhà giầu không thiếu gì thầy thuốc, còn nhà nghèo khó lòng rước được lương y, vậy cần lưu tâm cứu chữa cho những người này thì họ mới sống được”. Có trường hợp bệnh nhân khỏe rồi nhưng gia cảnh nghèo khó, ông đã chu cấp thêm tiền gạo. Một số bệnh nan y, mặc dù “đem hết khả năng để làm kế tìm cái sống trong cái chết cho người ta” nhưng đành bất lực “bó tay đợi bệnh nhân chết cũng không phải là ít”. Có người lúc đầu chữa đỡ rồi nhưng không giữ gìn cẩn thận hoặc vì nhiều lý do chuyển sang chữa bệnh ở thầy lang khác khiến bệnh tình trở nặng tử vong cũng làm ông xót xa, ân hận…
Tất cả những bài học, kinh nghiệm chữa bệnh đó được Hải Thượng cần mẫn ghi chép, tập hợp trong quyển Dương án (bệnh án chữa khỏi, thành công) và Âm án (bệnh án thất bại, tử vong). Vượt qua lẽ thông thường, ông đã chia sẻ y thuật, những bài thuốc quý mình dày công tìm tòi, bổ cứu, không ngần ngại nêu lên những điều mình chưa biết, chưa làm được để người đương thời và đời sau tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu. Điều đó cho thấy Hải Thượng Lãn Ông là người có nhân cách cao đẹp, người thầy thuốc tài giỏi, nhân đức, có trách nhiệm với người bệnh, với hậu thế.
Noi gương Hải Thượng Lãn Ông, hết lòng vì sức khỏe Nhân dân
Học tập Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, trong những năm qua, đội ngũ y, bác sĩ ngành Y tế Hà Tĩnh đã có những bước phát triển không ngừng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của Nhân dân. Số lượng và chất lượng cán bộ, nhân viên ngày càng được được nâng lên, năng lực chuyên môn, y đức của đội ngũ thầy thuốc có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều y, bác sỹ, nhân viên tận tâm, tận lực, không quản ngại khó khăn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, hết mình chăm sóc, chữa trị, cứu sống người bệnh, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên, mặt trái của kinh tế thị trường và những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn đời sống đã ít nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến y đức của một bộ phận cán bộ, nhân viên y tế. Việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm; công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, xử lý vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh… ở một số cơ sở y tế chưa được quan tâm đúng mức. Thái độ của một số nhân viên y tế, thầy thuốc đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có lúc, có nơi chưa chu đáo, tận tình, còn lơ là, thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ… gây bức xúc, phiền hà cho bệnh nhân và thân nhân người bệnh, làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín và giá trị cao đẹp của người thầy thuốc.
Đại danh y Lê Hữu Trác cho rằng: “Không có nghề nào đạo đức bằng nghề y và không có nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y thiếu đạo đức”. Bởi vậy, đối với ngành đặc thù liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người như ngành y thì đạo đức nghề nghiệp phải được đặc biệt coi trọng, người thầy thuốc phải hội đủ cả tài và đức, vừa tinh thông chuyên môn, nghiệp vụ, vừa có trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp, tận tụy phục vụ, chăm sóc bệnh nhân.
Cuộc đời, sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã để lại nhiều bài học lớn về y đức, y đạo và y thuật, là tấm gương sáng cho muôn đời sau noi theo. Học tập tấm gương đạo đức của Đại danh y, mỗi cán bộ, nhân viên y tế không ngừng nêu cao tinh thần trách nhiệm, tu dưỡng, rèn luyện y đức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đóng góp xây dựng ngành Y tế Hà Tĩnh ngày càng phát triển, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới.
Tài liệu tham khảo:
1. Sách thuốc Việt Nam Hải Thượng Lãn Ông do Nguyễn Văn Minh chủ biên - Nhà sách Khai Trí năm 1971
2. Hải Thượng Lãn Ông và tác phẩm Lãn Ông tâm lĩnh do GS. BS Nguyễn Văn Thang chủ biên NXB Y học - 1998
3. Hải Thượng Y tông tâm lĩnh tập 1, 2 do BS Nguyễn Thế Vũ biên tập. NXB Y học - 2011
4. Khải yếu tác phẩm Hải Thượng Y tông tâm lĩnh của Hải Thượng Lãn Ông do GS.BS Nguyễn Văn Thang chủ biên. NXB Y học - 2014.