Nông hộ “dè dặt”, trang trại tái đàn quy mô lớn
Ông Nguyễn Văn Hướng (Xuân Lộc, Can Lộc) đã bắt đầu khôi phục chăn nuôi nhưng với quy mô nhỏ.
Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) khiến gia đình ông Nguyễn Văn Hướng (Xuân Lộc, Can Lộc) thiệt hại gần 30 con lợn thịt và 3 con lợn nái. Ám ảnh về dịch bệnh quá lớn nên đợt gần đây, ông mới thả nuôi trở lại, nhưng chỉ ở quy mô từ 20 - 25 con.
Ông Hướng chia sẻ: “Người dân trong thôn cũng đã bắt đầu thả lợn giống nhưng chỉ nuôi thử số lượng ít để chắc chắn không tái nhiễm dịch mới mở rộng. Với lại, đợt này, giá lợn giống cao, từ 2 triệu – 2,5 triệu đồng/con nên cũng khó có vốn để đầu tư với số lượng lớn”.
Giá lợn giống đang ở mức cao nên nhiều người chăn nuôi nông hộ chưa đủ vốn để tái đàn với số lượng lớn.
Đắn đo và khá dè chừng trong việc đầu tư chăn nuôi cũng đang là tâm lý của chị Trần Thị Hoa (Thạch Mỹ, Lộc Hà). Chị Hoa cho biết: “Gần 2 tháng nay, gia đình cũng đã tái đàn từng đợt nhỏ. Tháng 5 tới đây, nếu không có dấu hiệu bất thường về dịch bệnh thì tôi mới thả nuôi tiếp khoảng 25 con nữa”.
Trái với tâm lý dè dặt của người chăn nuôi nông hộ, với việc giá lợn hơi giao động ở mức cao trong nhiều tháng qua, các trang trại tại Hà Tĩnh đã kịp lấy lại vốn, “hồi sức” sau “bão dịch" và tiếp tục quay vòng chăn nuôi quy mô lớn trở lại.
Nguồn lợn nái tại chỗ tạo điều kiện để nhiều trang trại tái đàn vào thời điểm này
Anh Nguyễn Chiến Sơn (xã Cẩm Sơn, Cẩm Xuyên) cho biết: “Chúng tôi đang xây dựng hệ thống chuồng trại, mở rộng chăn nuôi liên kết, khoảng 1 tháng nữa 900 con lợn giống sẽ được thả vào chuồng để bắt đầu đợt chăn nuôi mới. Với nguồn lợn giống tại chỗ từ gần 600 con lợn nái ngoại và quá trình chăn nuôi khép kín, chúng tôi đủ điều kiện để phát triển chăn nuôi lợn thịt ổn định trong trong thời gian tới”.
Ông Trương Xuân Bính – Giám đốc HTX Chăn nuôi tổng hợp và Xây dựng Minh Lộc (Cẩm Xuyên) chia sẻ: "Hiện, tổng đàn lợn của HTX đạt quy mô 1.500 con (1.200 con lợn thịt, 300 lợn nái), tăng gần 15% so với cách đây 3 tháng trước. Số lượng lợn nái đã được lấp đầy để cung ứng cho thị trường. Dù việc tái đàn vẫn sẽ cần xem xét nhiều yếu tố, nhưng cơ bản đến thời điểm này, chúng tôi đã khôi phục được lại hoạt động”.
Giám sát tái đàn đúng quy trình, đảm bảo chăn nuôi an toàn
Dịch tả lợn châu Phi đã cơ bản được khống chế tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi tái đàn, khôi phục sản xuất.
Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi – Thú y Hà Tĩnh, DTLCP đã cơ bản được khống chế. Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh chỉ có 65 con lợn mắc bệnh chết và đã được tiêu hủy. Đồng thời, trong môi trường chăn nuôi không xuất hiện các dịch bệnh phức tạp khác như tai xanh, lở mồm long móng… Đây chính là điều kiện thuận lợi để người chăn nuôi tái đàn và ổn định sản xuất trở lại.
HTX Chăn nuôi tổng hợp và Xây dựng Minh Lộc thường xuyên kiểm tra sức khoẻ đối với lợn nái và lợn giống, đảm bảo chất lượng để tái đàn liên tục.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên Lê Ngọc Hà cho biết: “Hiện tại, tình hình chăn nuôi trên địa bàn đã dần phục hồi. Hệ thống trang trại tập trung đang mở rộng quy mô trở lại (tăng từ 10 – 12% so với thời điểm dịch) và thực hiện nghiêm ngặt các quy trình phòng chống dịch bệnh.
Còn đối với chăn nuôi nông hộ, chúng tôi đã có hướng dẫn và khuyến cáo chỉ nên tái đàn khi đã đảm bảo an toàn sinh học, chú trọng lựa chọn nguồn giống chất lượng, tiêm phòng vắc-xin đầy đủ”.
Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thường xuyên phun tiêu độc, khử trùng... là một trong những biện pháp cần thực hiện để đảm bảo chăn nuôi an toàn, ổn định.
Theo ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y Hà Tĩnh, quá trình tái đàn lợn, khôi phục sản xuất trên địa bàn tỉnh tiếp tục bám sát theo mục tiêu: không thực hiện một cách ồ ạt mà phải triển khai đúng lộ trình, khuyến cáo, hướng dẫn của ngành chuyên môn, chỉ nên tái đàn từng bước ở những nơi đảm bảo an toàn sinh học.
Đồng thời, ưu tiên phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, quy mô lớn và khép kín trong thời gian tới, kiểm soát tốt các nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh, không để tái phát DTLCP và các loại dịch bệnh khác. Trước mắt, các địa phương cũng cần tập trung giải pháp tái đàn lợn nái các loại để có con giống tại chỗ phục vụ nhu cầu chăn nuôi.