Các xã tốp cuối trong xây dựng NTM: Lựa chọn khâu đột phá, tạo sức lan tỏa

(Baohatinh.vn) - Thực hiện phương châm “nâng đầu, đỡ đuôi”, năm 2014, cùng với việc dồn sức cho các xã về đích đúng kế hoạch, tỉnh ta đang tập trung mọi giải pháp, hỗ trợ nhóm xã dưới 7 tiêu chí bứt phá, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa các xã nhóm đầu và cuối.

>> Bài 1: Yếu từ quá trình khởi động!

Đổi mới cách làm

Chuyên viên Văn phòng Điều phối NTM Đức Thọ - Trần Thị Thùy Nhung chia sẻ: Thời gian qua, mặc dù đã có những chuyển biến đáng kể, song công tác tuyên truyền về NTM ở một số địa phương còn chung chung, mang nặng tính hình thức. Các địa phương chưa cụ thể hóa được những chính sách, nhiệm vụ vào công tác tuyên truyền nên nhận thức của người dân về NTM chưa có nhiều thay đổi; nhiều hộ dân còn lúng túng khi triển khai các phương án tổ chức sản xuất. Vì vậy, muốn thay đổi nhận thức, tư duy, trước hết, chúng ta cần đổi mới hình thức tuyên truyền và phương thức tiếp cận.

Các xã tốp cuối trong xây dựng NTM: Lựa chọn khâu đột phá, tạo sức lan tỏa ảnh 1

Những đồi chè đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân Hương Trà (Hương Khê)

Chẳng hạn, tại một địa phương cụ thể, hội LHPN sẽ chịu trách nhiệm tuyên truyền, vận động hội viên phát triển chăn nuôi liên kết nông hộ gắn với việc phát triển hệ thống bể biogas, hội nông dân chú tâm vào việc phát triển đàn bò chất lượng cao và đoàn thanh niên tiên phong hợp tác với doanh nghiệp xây dựng các mô hình sản xuất quy mô… Mỗi tổ chức một phần việc cụ thể, mỗi cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu phải đảm nhiệm một đầu việc rõ ràng, có như vậy bà con mới hòa mình vào xây dựng NTM.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh - Nguyễn Minh Hoàn, trước đây, các địa phương đã tiến hành quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch xây dựng NTM. Tuy nhiên, qua kiểm tra của đoàn liên ngành, tất cả các địa phương ở Kỳ Anh (trừ 9 xã trong khu kinh tế) đều chưa hoàn thiện tiêu chí quy hoạch. Trước tình hình đó, huyện đã thành lập 8 tổ công tác cùng với các địa phương tổ chức đối thoại, lấy ý kiến của người dân về xu hướng phát triển trong tất cả các lĩnh vực, từ đó điều chỉnh quy hoạch sát với tình hình thực tế của mỗi địa phương. Thông qua việc điều chỉnh quy hoạch, mỗi vùng, mỗi xã đã xác định được định hướng phát triển dựa trên điều kiện thực tế và tiềm năng, lợi thế của mình. Cùng với đó, các đoàn công tác của huyện phối hợp với các xã xây dựng tiến độ thực hiện các tiêu chí; tiểu tiêu chí. Định kỳ mỗi tuần, tổ chức đánh giá, nghiệm thu kết quả đạt được, kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Chủ tịch UBND huyện Hương Khê - Đinh Hữu Tân cho biết: Trước những yếu kém trong quá trình lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM, BTV Huyện ủy đã tổ chức kiểm điểm nghiêm túc vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân; đồng thời rà soát, đánh giá lại năng lực đội ngũ cán bộ lãnh đạo, nhất là cán bộ chủ chốt để có phương án bồi dưỡng, sắp xếp, thực hiện luân chuyển các chức danh, vị trí để đảm đương nhiệm vụ hiệu quả hơn.

Chọn khâu đột phá

So với các địa phương khác thì Tân Lộc (Lộc Hà) có khá nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Ngọc Thạch, “từ trước đến nay, phát triển sản xuất là khâu khó nhất đối với Tân Lộc, mỗi năm chỉ trồng được 1 vụ lúa, vùng có điều kiện phát triển trang trại đã quy hoạch nhưng chưa vận động được dân sản xuất, các mô hình trong dân còn nhỏ lẻ, manh mún…”. Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế nói trên được xác định: địa phương chưa chú trọng đến đề án phát triển sản xuất; đội ngũ cán bộ thiếu năng động; người dân chưa thực sự trăn trở với hướng sản xuất mới.

Các xã tốp cuối trong xây dựng NTM: Lựa chọn khâu đột phá, tạo sức lan tỏa ảnh 2

Xã Thạch Hưng (TP Hà Tĩnh) lựa chọn xây dựng mô hình nuôi cá lồng bè làm khâu đột phá.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà - Phan Văn Nhàn, phát triển sản xuất không chỉ là nhiệm vụ tất yếu mà còn là con đường duy nhất tạo nền tảng để Tân Lộc hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM. Sau khi xác định được những lợi thế cũng như khó khăn của địa phương, Tân Lộc đã xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất theo hướng sát thực, cụ thể. Theo đó, địa phương đã chọn 1 thôn có đội ngũ cán bộ “cứng” nhất để xây dựng mô hình sản xuất điểm. Sau khi tổ chức cho bà con đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm, xã Tân Lộc niêm yết công khai chính sách hỗ trợ GPMB, phát triển sản xuất tại thôn Cồn Đầu (vùng quy hoạch phát triển sản xuất tập trung).

Sau khi hình thành được trang trại chăn nuôi quy mô 2.000 con/ lứa, địa phương đã vận động 10 hộ liên kết với Công ty CP Chăn nuôi Mitraco xây dựng mô hình chăn nuôi quy mô nhỏ tại gia đình; đồng thời khuyến khích, hỗ trợ người dân du nhập một số giống mới về trồng thử nghiệm tại địa phương. Cũng theo ông Nhàn, mặc dù còn khó khăn, nhưng bà con nhân dân đã bắt đầu thay đổi nhận thức trong phát triển sản xuất. Thêm những tư duy, cách tiếp cận mới đã được áp dụng trên đồng đất Tân Lộc, tạo sự lan tỏa đáng kể trong quá trình thực hiện tái cấu trúc nông nghiệp.

Tương tự Tân Lộc, xã Đức Dũng (Đức Thọ) lấy phát triển sản xuất làm đầu tàu cho việc hoàn thành các tiêu chí NTM. Thông qua chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn với từng vùng sinh thái của huyện Đức Thọ, bà con nhân dân ở vùng thượng - Trà Sơn đã mạnh dạn đầu tư, phát triền kinh tế trang trại, vườn đồi.

“Chỉ trong một thời gian ngắn, chúng tôi đã thành lập được 6 tổ hợp sản xuất (chăn nuôi gà, lợn, bò), 2 mô hình chăn nuôi quy mô lớn. Bên cạnh đó, địa phương đã chuyển đổi diện tích đất màu, tạo điều kiện cho các hộ dân liên kết với doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, tiến hành quy hoạch 5 ha đất vùng đồi núi để trồng cây dược liệu” - Chủ tịch UBND xã Đức Dũng - Phan Quốc Cường cho biết.

Khi bức tranh sản xuất bắt đầu xuất hiện những gam màu sáng, người dân xã Đức Dũng đã nhận thức được rằng, sản xuất chính là yếu tố tạo nên sức bật cho xây dựng NTM. Và hơn ai hết, người dân chính là chủ thể của sức bật ấy.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast