Chuyện ở vườn cam Đức Bồng

(Baohatinh.vn) - Đừng nghĩ rằng trồng cam ai cũng làm được và mùa nào cũng cho quả sai. Đằng sau dư vị ngọt thơm của quả cam vàng là cả sự vật lộn, đánh đổi bằng sức lao động, bằng kỹ thuật và lòng kiên nhẫn chinh phục đất hoang. Chuyện anh Lê Ngọc Lâm (xóm 6, xã Đức Bồng - Vũ Quang) có vườn cam mọng quả hôm nay bắt đầu từ sự trải nghiệm như thế...

Theo chân cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Vũ Quang, tôi tới thăm trang trại của anh khi đã xế trưa. Trong nhà, đứa con nhỏ đang ngủ ngon lành, mâm cơm nguội lạnh đặt trên chiếc bàn gỗ. Chỉ nghe tiếng cuốc đào vọng lại trên đỉnh đồi cao.

- Sao đến bây giờ vẫn ở miết ngoài vườn cam rứa chú Lâm?

Nghe tiếng nói quen thuộc của cán bộ huyện, anh Lâm cười:

- Nhà tui làm việc đâu có giờ giấc như công chức nhà nước, cứ cầm cuốc ra đồi là thấy hết việc này đến việc khác vùi đầu.

Một cây cam giống đẹp tại vườn nhà anh Lâm.
Một cây cam giống đẹp tại vườn nhà anh Lâm.

Trời cuối tháng chạp se se lạnh. Cả ngọn đồi xênh xang nắng gió, vườn cam rộng trên 2 ha, đang lần lượt bung chín những quả cam chanh vàng mọng nước. Cam lấp ló trên đỉnh vườn, cam thu mình trong tán rộng. Cam vít cong vòi hái, cam chụm nhau kết thành chùm tạo nên một khoảng sáng rờ rỡ. Cả vườn cam của anh Lâm nhìn vào đã thấy chứa chan màu sắc, vị ngọt như thấm vào môi. Nghe anh Lâm dốc bầu tâm sự, tôi mới hiểu được tường tận sự vất vả và đức tính kiên trì của đôi vợ chồng này.

Chiếc áo may ô và chiếc quần cộc là trang phục hàng ngày anh Lâm bận để làm vườn. Anh giơ cánh tay phải còn một vết sẹo bằng đồng xu và bảo: “Đây là thương tích khi tôi đang cuốc đất bị một hòn đá cuội bắn vào”. Rồi anh lại cười: “Nhưng có vết sẹo nhỏ đó mới có được mảnh vườn cam to rộng hôm nay. Vợ chồng tôi vẫn nghĩ mình là nông dân muốn thoát cảnh “vườn không, nhà trống” phải biết mạnh dạn học theo thiên hạ để làm”.

Đầu năm 2002, vợ chồng anh ra ở riêng, đang sống trong cảnh nhà tranh, vách đất. Lo được ngày hai bữa cơm ăn đủ no đã khó, nói gì có tiền để lập vườn. Lúc đó, vợ chồng anh chưa được xét để vay vốn lãi suất ưu đãi, may thay, một người bằng hữu đã gửi qua bưu điện cho anh Lâm vay 10 triệu đồng. Có tiền trong tay, công việc đầu tiên là thuê máy đào để làm một cái ao lớn. Anh cho rằng, nước là yếu tố hàng đầu để cho cây cam sinh tồn, phát triển. Vì đất đồi nơi anh ở thuộc loại đất đỏ và khô, nếu không được chăm sóc, tưới nước đúng lúc, đúng liều lượng thì cam sẽ héo ngay từ khi mới đưa cây xuống hố trồng.

Kể từ ngày làm vườn cam, anh chị bận hơn cả phụ nữ nuôi con mọn; đứa con trai lớn cũng được anh tập duyệt cách nhổ cỏ, cách đào hố, bón phân... Anh tâm sự: “Vợ chồng em làm nông, cứ nghĩ chăm sóc cho ruộng mình lúa tốt, năng suất cao đã khó, nhưng chăm sóc cho vườn cam quả to, quả ngọt và ít rụng còn khó gấp trăm lần”.

Đã hơn 10 năm tạo lập vườn cam, nhưng thất bại đậm nhất trong năm đầu tiên làm anh nhớ mãi. Số là anh trồng 100 gốc cam chanh, trong đó có 20 gốc cam bù, ban đầu cam lên cao nhất, lá xanh đậm nhất. Nhưng chỉ vài tháng sau, tất cả gốc cam bắt đầu vàng lá, khô cây rồi chết yểu. Nguyên nhân do bón nhiều đạm quá. 80 gốc cam chanh còn lại tuy cây nào cũng “phổng phao”, nhưng đến vụ thu hoạch, quả vừa nhỏ, vừa chua, vừa ít nước. Không thể để tồn tại loại giống này, anh bàn với vợ phải có bước “đột phá”.

Sau khi vợ chồng tâm đầu ý hợp, anh thuê 5 lao động đào toàn bộ gốc cam và đào hố để trồng giống cam mới. Một tháng trời ròng rã, cất công tìm giống và mua giống từ làng gần đến xóm xa, cuối cùng anh Lâm đã có 200 gốc cam chanh giống chuẩn. Anh ra thành phố mua sách kỹ thuật trồng cam về nghiên cứu, tìm hiểu quy trình chăm sóc cũng như bón phân. Anh đọc thuộc lòng và làm “đúng như sách”. Quả nhiên, vụ cam thứ hai, vườn cam nhà anh Lê Ngọc Lâm đã trở thành “mẫu hình trình diễn” của huyện Vũ Quang.

Vụ cam năm 2014, vườn anh có tới 500 gốc cam chanh, 20 gốc cam bù. Gần 2/3 trong số đó cho quả ngon và đẹp. Anh Lâm tiết lộ: Năm ngoái, lãi từ cam đạt 275 triệu đồng, năm nay với sản lượng gần 20 tấn, lợi nhuận xấp xỉ 350 triệu đồng.

“Bây giờ vườn dồi dào quả rồi nhưng anh có lo sản phẩm bị khê đọng không?” - Tôi hỏi. Chị Thanh nhanh nhảu đáp: “Chúng em chỉ sợ không đủ bán, chứ làm chi có chuyện ế cam. Đầu mùa cam, dân từ Vinh, Đức Thọ lên đặt mua trọn gói cả rồi”. Anh Lâm cười: “Người tiêu dùng hiện nay khôn lắm. Họ vẫn thích cam đầu nguồn ở Vũ Quang vừa sạch, vừa ngon...”.

Trồng cam cho quả ngon đã khó, giữ được đến lúc chín giao cho khách cũng không đơn giản. Kẻ thù nguy nhất của loài cam là bướm. Khi cam chín, nếu bướm đậu vào quả nào thì quả ấy thối rữa ra. Làm vợt bắt bướm không xuể, khi biết lô nào quả gần chín, chăng lưới ni lông thật kín, thật dày. Thảo nào, tôi thấy vườn nhà anh gốc nào cũng trùm kín lưới.

Câu chuyện về cây cam đang dang dở thì anh Lâm chợt thấy một đôi bướm từ đâu bay tới. Anh lại vội vã ra vườn...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast