Đê bao xuống cấp, người nuôi trồng thủy sản Thạch Hà bất an mùa mưa lũ

(Baohatinh.vn) - Tuyến đê bao bằng đất dài 3 km bao quanh khu vực nuôi trồng thủy sản ở xã Thạch Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) bị hư hỏng, xuống cấp khiến người dân bất an vào mỗi mùa mưa lũ và vẫn loanh quanh ở việc nuôi quảng canh, không dám mở rộng sản xuất.

Video: Người dân và chính quyền xã Thạch Sơn kiến nghị về xây dựng tuyến đê bao quanh khu vực nuôi trồng thủy sản bãi Lũy.

Gia đình ông Nguyễn Văn Thanh (SN 1964) có gần 3 ha nuôi tôm càng xanh, các loại cá leo, vược, chép, gáy ở khu vực vùng bãi Lũy (thượng nguồn bara Đò Điệm) thuộc địa phận thôn Sông Tiến, xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà.

Những ngày này, ông Thanh đang tập trung bổ sung thức ăn để có thể kịp xuất bán trước khi bước vào mùa mưa lũ. Tuy vậy, do vụ nuôi năm nay thời tiết nắng nóng, ít mưa nên tôm, cá phát triển không được như những năm trước và số ngày nuôi có thể sẽ phải kéo dài hơn dự tính.

Đê bao xuống cấp, người nuôi trồng thủy sản Thạch Hà bất an mùa mưa lũ

Tuyến đê Hữu Nghèn bao quanh khu vực nuôi trồng thủy sản bãi Lũy, thôn Sông Tiến, xã Thạch Sơn.

Việc này khiến gia đình ông Nguyễn Văn Thanh lo lắng bởi nguy cơ thất thoát tôm, cá nếu chẳng may nước lũ tràn vào ao nuôi khi bờ đê bao ngăn lũy - đê Hữu Nghèn, dài 3 km quanh khu vực bãi Lũy đắp bằng đất sét đã bị hư hỏng, xuống cấp khá nghiêm trọng.

“Cứ vào mùa mưa bão, nước ngập đê bao mà chưa kịp bán hết là tôm, cá lại tràn ra ngoài, gây thất thoát cho người nuôi. Mùa mưa lũ cách đây 3 năm, nước từ sông Nghèn tràn vào khu vực nuôi trồng thủy sản ở bãi Lũy khiến người dân mất trắng. Mấy năm nay, cứ thấy mưa lớn là người dân lại thấp thỏm không yên khi lo việc ngập lụt lại tái diễn” - ông Thanh chia sẻ.

Đê bao xuống cấp, người nuôi trồng thủy sản Thạch Hà bất an mùa mưa lũ

Tuyến đê được đắp đất cách đây 12 năm nên hiện đã xuống cấp, hư hỏng.

Theo lời ông Thanh, tuyến đê Hữu Nghèn bao quanh khu vực nuôi trồng thủy sản ở bãi Lũy, thôn Sông Tiến, xã Thạch Sơn, được xây dựng cả chục năm trước, lại làm bằng đất, khó tránh khỏi sự xuống cấp trước ảnh hưởng thời gian, thiên tai.

Tuyến đê bao này cũng là con đường độc đạo dẫn từ trong thôn ra khu vực nuôi nên mỗi lúc trời mưa, người dân cũng rất vất vả khi vận chuyển thức ăn cho tôm, cá.

“Trời nắng thì còn đỡ chứ chỉ cần một trận mưa là đường lầy lội, rất khó đi lại. Xe máy, xe kéo là phương tiện để đưa thức ăn ra nuôi tôm, cá nhưng nếu trời mưa thì cũng gần như không thể di chuyển và người dân phải vác từng bao thức ăn ra hồ” - ông Nguyễn Văn Thanh phản ánh.

Đê bao xuống cấp, người nuôi trồng thủy sản Thạch Hà bất an mùa mưa lũ

Tuyến đê bao bị xuống cấp, ảnh hưởng tới việc mở rộng sản xuất của người dân thôn Sông Tiến, xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà.

Trưởng thôn Sông Tiến Nguyễn Văn Hồng cho hay: Tại khu vực bãi Lũy, thôn Sông Tiến có hơn 60 hộ nuôi trồng thủy sản với diện tích khoảng 100 ha. Bãi Lũy có điều kiện thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản nhưng việc đê bao bằng đất đã xuống cấp, khó bảo vệ được ao nuôi vào mùa mưa lũ, gây tâm lý lo lắng cho người dân phải xuất bán trước mùa mưa, dễ bị thương lái ép giá và không dám mở rộng diện tích, tăng thời gian nuôi.

Theo ông Hồng, trước mùa mưa lũ, các hộ nuôi và chính quyền địa phương cũng chủ động gia cố đê Hữu Nghèn, tuy nhiên, do tuyến đê được đắp đất từ 12 năm trước nên khó đảm bảo việc ngăn lũ.

“Thôn đã nhiều lần kiến nghị chính quyền cấp trên sớm có phương án xây dựng kiên cố tuyến đê Hữu Nghèn dài 3 km quanh khu vực bãi Lũy để góp phần tạo sự an tâm cho người dân mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế nhưng nhiều năm rồi vẫn chưa có tiến triển” - Trưởng thôn Sông Tiến Nguyễn Văn Hồng thông tin.

Đê bao xuống cấp, người nuôi trồng thủy sản Thạch Hà bất an mùa mưa lũ

Do được đắp đất nên tuyến đê bao khó đảm bảo phòng chống ngập lụt trong mùa mưa bão.

Xác nhận những phản ánh của người dân vùng nuôi trồng thủy sản về sự xuống cấp của đê Hữu Nghèn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn Trần Hữu Nghĩa nói rằng, tuyến đê dài 3 km bao quanh bãi Lũy có tác động rất lớn tới đời sống, kinh tế của người dân. Tuy nhiên, do nguồn lực của địa phương hạn chế nên việc gia cố tuyến đê gặp nhiều khó khăn và gần như không thể thực hiện được.

Theo ông Trần Hữu Nghĩa, xã cũng đã có kiến nghị lên các cấp chính quyền hỗ trợ địa phương trong việc đầu tư xây dựng kiên cố tuyến đê. Trường hợp được đầu tư nâng cấp, tuyến đê này không chỉ góp phần đảm bảo phát triển nghề nuôi trồng thủy sản ở vùng bãi Lũy mà còn có thể phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm, tạo hướng đi bền vững cho kinh tế - xã hội của địa phương.

Đê bao xuống cấp, người nuôi trồng thủy sản Thạch Hà bất an mùa mưa lũ

Nguồn kinh phí đầu tư xây dựng tuyến đê bao quanh khu vực nuôi trồng thủy sản bãi Lũy rất lớn.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Nguyễn Văn Sáu cho hay: "Huyện nắm rõ tình trạng xuống cấp tuyến đê Hữu Nghèn đoạn qua khu vực nuôi trồng thủy sản bãi Lũy, thôn Sông Tiến, xã Thạch Sơn và mong muốn của bà con nhân dân, chính quyền địa phương trong đầu tư xây dựng mới.

Tuy nhiên, do mức đầu tư kinh phí lớn, vào khoảng 60 - 70 tỷ đồng, vượt quá khả năng của huyện. Huyện cũng đã có kiến nghị lên ban, ngành cấp tỉnh quan tâm, hỗ trợ đầu tư kiên cố tuyến đê bao quanh khu vực nuôi trồng thủy sản bãi Lũy nhưng vì khó khăn nguồn vốn nên chưa có nguồn kinh phí bố trí".

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast