Nghe tin dự báo thời tiết sắp có mưa lớn, trong sáng 24/9, hơn 55 hộ nuôi cá lồng bè xã Thạch Sơn (Thạch Hà) đã nhanh chóng hoàn thành giằng néo, kéo lồng bè vào sát bờ, tránh tình trạng nước dâng cao, đầy lồng trôi sông.
Ông Nguyễn Văn Đức kiểm tra lại một số điểm đã giằng néo trước đó để đảm bảo an toàn cho lồng bè của gia đình.
Ông Nguyễn Văn Đức (thôn Sông Hải) cho biết: “Có 2 bè với 10 ô nuôi cá chẽm (đạt sản lượng gần 1 tấn) chuẩn bị đến thời điểm thu hoạch và xuất bán tập trung nên gia đình tôi rất lo lắng. Ngay từ chiều hôm qua đến sáng nay (24/9), chúng tôi đã huy động nhân lực mua dây, đóng cọc, gia cố bè cá, đề phòng lũ lên. Điều bà con lo nhất vẫn là nước sông dâng cao khiến bèo tây trôi dạt xuống đáy sẽ khiến cho lồng nổi và thay đổi môi trường nước. Tình trạng này rất dễ gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt”.
Hơn 60 hộ nuôi cá lồng bè xã Thạch Sơn (Thạch Hà) đã hoàn thành gia cố lồng bè từ sáng 24/9.
Ông Trần Đình Khương - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn cho biết: “Hiện nay, tổng số cá của các hộ nuôi đến kỳ thu hoạch đạt gần 8 tấn. Chúng tôi đã trực tiếp xuống hướng dẫn bà con bảo vệ tài sản, lồng bè khi cống bara Đò Điệm đã mở. Cùng đó là theo dõi để giằng néo lại các lồng bè tránh sức nước, sức gió lớn làm lồng bị trôi. Mặt khác, thường xuyên trục vớt bèo tây, không để bèo vây kín lồng làm cá chết do thiếu oxy; khi có hiện tượng gì đột biến phải báo ngay cho chính quyền địa phương và ngành chuyên môn".
Lượng lớn bèo tây theo dòng nước đã chảy về vùng nuôi cá lồng bè của người dân xã Thạch Sơn.
Thời điểm này, người nuôi tôm xã Hộ Độ (huyện Lộc Hà) cũng khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống bão lụt, bảo vệ an toàn hồ nuôi.
Anh Trần Xuân Lý - thành viên Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Hà Vọoc cho biết: “Thời tiết thay đổi đột ngột khiến tôm nuôi bị ảnh hưởng rất nhiều. Chúng tôi đã bật tất cả các thiết bị sục khí/quạt nước khi trời mưa, tạo hàm lượng oxy (DO) cao hơn bình thường 20%; rút nước tầng mặt; cố gắng kiểm tra pH nước ao trong suốt cơn mưa, nếu thấp thì rải vôi trên bờ ao; ngừng cho ăn lượng lớn khi trời đang mưa to”.
Hộ nuôi tôm kiểm tra lại hệ thống máy phát điện, máy bơm nước, hệ thống sục khí, bờ kè... để đảm bảo an toàn cho hồ nuôi tôm.
Có gần 50 vạn con giống vừa thả nuôi chưa đầy 1 tháng, sức chống chịu với môi trường còn thấp nên anh Nguyễn Văn Hòa (xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) luôn túc trực theo dõi tại các ao nuôi. Anh Hòa cho biết: “Tôi đã đầu tư công nghệ nuôi 3 giai đoạn tuần hoàn rồi nhưng vẫn lo. Thời điểm này, tôi đã gia cố lại hệ thống bạt che mưa ở các ao nuôi và giảm lượng ăn của tôm trong ngày”.
Theo Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, trước diễn biến mới của thời tiết, ngành đã gửi công văn về các địa phương, yêu cầu triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp nhằm bảo vệ diện tích nuôi trồng thủy sản. Theo ghi nhận từ các địa phương, hiện nay, các vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm trên toàn tỉnh như: Cẩm Dương, Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên); Xuân Phổ, Xuân Hải, Cương Gián (Nghi Xuân); Kỳ Thọ, Kỳ Thư, Kỳ Hà (Kỳ Anh)... đã chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho lồng bè, hồ nuôi.
Người nuôi tôm chủ động giảm lượng thức ăn cung cấp xuống cao trong những ngày mưa lớn, môi trường nước thay đổi.
Ông Lưu Quang Cần - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh khuyến cáo: “Người dân cần chủ động các biện pháp phòng chống, nhất là với những vùng có nguy cơ cao, vùng hay ngập úng, vùng thường xuyên tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh… Hoàn lưu của bão Noru dự kiến sẽ ảnh hưởng và tiếp tục gây mưa lớn đến ngày 29/9 trên toàn tỉnh nên người nuôi trồng thủy sản cần tuân thủ các hướng dẫn chuyên môn để phòng chống dịch bệnh. Sau mưa dài ngày, người nuôi cần kiểm tra đầy đủ các chỉ số môi trường, sử dụng các chế phẩm sinh học để ổn định môi trường nước cho tôm, cá; bổ sung thêm khoáng chất như muối, khoáng, vitamin C, tuân thủ thời gian sục khí cho đến khi quần thể tảo mới trong ao nuôi tôm ổn định trở lại”.