Hơn nửa tháng nay, anh Lê Văn Giáp buồn bã dọn vỏ ngao chết để vệ sinh bãi nuôi và thu hoạch nốt những con còn sót lại với mong muốn vớt vát chút vốn liếng.
Cách đây gần 1 tháng, bãi ngao rộng 2 ha của gia đình anh Lê Văn Giáp ở thôn Mai Lâm, xã Mai Phụ (Lộc Hà) bị chết trắng bãi với mức thiệt hại khoảng 300 triệu đồng (khoảng 25 tấn bị chết). Khi các cơ quan chuyên môn về lấy mẫu kiểm tra thì mật độ nuôi ở khu vực này lên đến gần 2.000 con/m2. Đây là mật độ nuôi dày gấp 10 lần so với khuyến cáo kỹ thuật của các cơ quan chuyên môn (bình quân 180 – 250 con/m2) nhưng anh Giáp vẫn không hề hay biết việc mình đã thả nuôi quá dày dẫn đến ngao bị chết.
Công nhân HTX Nuôi trồng thủy sản, Vệ sinh môi trường Hùng Thuận kiểm tra ngao giống trước khi cho ra bãi nuôi (ảnh tư liệu).
Tương tự, trong đợt ngao bị chết đại trà mới đây, các thành viên trong HTX Nuôi trồng thủy sản, Vệ sinh môi trường Hùng Thuận (thôn Mai Lâm, xã Mai Phụ) cũng bị thiệt hại nặng nề. Theo ước tính, số ngao bị chết của HTX lên đến khoảng 60%, tương đương với khoảng 500 tấn, thiệt hại kinh tế khoảng 6 tỷ đồng.
Cũng giống như các hộ khác trong vùng, các thành viên trong HTX Nuôi trồng thủy sản, vệ sinh môi trường Hùng Thuận xuống giống với mật độ rất dày (khoảng 1.500 - 1.900 con/m2). Đây được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ngao bị chết đồng loạt.
Ông Lê Xuân Hùng – Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản, Vệ sinh môi trường Hùng Thuận cho biết: “HTX chúng tôi có 22 thành viên, diện tích sản xuất hơn 31 ha ở các bãi bồi ven khu vực Cửa Sót (giáp ranh giữa huyện Lộc Hà với Thạch Hà). Vừa rồi ngao bị chết, cơ quan chuyên môn về kiểm tra và chỉ ra nguyên nhân khiến chúng tôi “ngộ” ra nhiều điều, nhất là việc thả mật độ quá dày. Vì vậy thời gian tới chúng tôi sẽ phải điều chỉnh để tránh những thiệt hại nặng nề như vừa rồi”.
Vỏ ngao chết chất thành từng đống sau khi người dân Mai Phụ thu dọn bãi.
Người nuôi ngao ở Mai Phụ nói riêng và ở Lộc Hà nói chung đang chủ yếu nuôi theo lối sản xuất truyền thống, sử dụng kinh nghiệm cá nhân chứ chưa áp dụng sâu KHKT và chưa chú trọng các khâu theo quy trình kỹ thuật.
Việc bà con luôn thả với mật độ rất dày (từ 1.500 con – 2.500 con/m2) là vì mục đích tăng sản lượng thu hoạch trên cùng một đơn vị diện tích. Mặt khác, bà con lo lắng trong quá trình nuôi sẽ bị hao hụt do ngao bị chết và triều cường cuốn đi dẫn đến giảm số lượng; còn tác hại của việc thả với mật độ quá dày thì chưa được quan tâm, chưa được chú ý đúng mức.
Ngao chết hàng loạt khiến những khu lán dùng để phân loại, cân, nhập ngao ở Mai Phụ trở nên yên ắng.
Anh Hà Minh Đức - cán bộ Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Lộc Hà khuyến cáo: “Qua các đề tài nghiên cứu khoa học và thực tiễn nuôi trồng cho thấy, mật độ nuôi ảnh hưởng rõ rệt tới sự sinh trưởng, tỷ lệ sống, năng suất và hiệu quả nuôi ngao. Mật độ ngao nuôi thấp, tốc độ sinh trưởng và tỷ lệ sống cao hơn. Ngược lại, nếu nuôi mật độ cao, ngoài lượng thức ăn suy giảm thì ngao còn phải cạnh tranh về không gian, môi trường sống khiến chúng suy giảm về tốc độ tăng trưởng và sức đề kháng trước dịch bệnh.
Mặt khác khi mật độ nuôi quá dày, khi chất lượng môi trường suy giảm hoặc thay đổi đột ngột thì dễ dẫn đến ngao nuôi bị chết. Những con chết ban đầu này bị phân hủy, thối rữa làm ô nhiễm môi trường và gây chết hàng loạt trên diện rộng với tốc độ nhanh. Do đó, bà con không nên xuống giống với mật độ dày như hiện nay”.
Hiện, ngao đã ngừng chết nhưng thuyền và máy móc khai thác ngao vẫn đang nằm bờ ở thôn Mai Lâm.
Sau khi ngao bị chết hàng loạt ở Mai Phụ, cơ quan chuyên môn các cấp đã chỉ ra nguyên nhân và đưa ra các khuyến cáo cần thiết, nhiều vấn đề người nuôi ngao cần phải sớm khắc phục như: nuôi mật độ quá dày; chưa khai mương để tránh tích nước trên bãi và xuất hiện các vùng nước cạn bị nóng khi thủy triều xuống ban ngày; chưa chú trọng đến việc cải tạo mặt bằng, nhất là cày xới, san lấp mặt bãi để tạo sự bằng phẳng, đất tươi xốp cho ngao chui xuống sâu tránh bị thủy triều cuốn và nắng nóng tác động; không thực hiện di dời khi phát hiện ngao trồi lên bề mặt...
Những bãi ngao rộng lớn nhưng không có mương để tránh tích nước trên bãi (như khuyến cao kỹ thuật của các cơ quan chuyên môn) là một trong những nguyên nhân dẫn tới ngao bị chết hàng loạt.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà Võ Tá Bình cho biết: “Hiện tượng ngao chết đến nay đã cơ bản khống chế. Các cơ quan chuyên môn của tỉnh và huyện cũng đã tìm ra nguyên nhân là do quy trình sản xuất chưa tốt chứ không phải do ô nhiễm nguồn nước, dịch bệnh. Vì vậy, chúng tôi đang tập trung tuyên tuyền, phổ biến quy trình kỹ thuật, khuyến cáo các vấn đề cần tránh, hướng dẫn xử lý các vấn đề tồn tại trong thực tiễn nuôi trồng... để hướng tới những vụ nuôi an toàn”.
Toàn huyện Lộc Hà có gần 170 ha nuôi ngao tại các bãi triều ven sông ở thôn Mai Lâm (Mai Phụ), Liên Xuân (Hộ Độ), Lâm Châu (Thạch Châu) và Xuân Hòa (thị trấn Lộc Hà) với sản lượng khoảng 2.095 tấn/năm. Từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9, trên địa bàn xã Mai Phụ diễn ra tình trạng ngao chết hàng loạt vì quy trình nuôi chưa đảm bảo. Theo ước tính, lượng ngao chết khoảng 800 tấn, thiệt hại gần 10 tỷ đồng. |