Nông nghiệp

Đi trong mùa vàng…

Khi vụ hè thu năm 2022 gần “chạm đích” cũng là lúc bà con nông dân thở phào nhẹ nhõm khi lúa đã “đầy bồ”. Đi trong mùa vàng, điều làm tôi nhớ mãi là những gương mặt nám rạm đẫm mồ hôi, những khắc khoải, âu lo khi đón những bì lúa trong ngày “chạy” mưa và cả những niềm tin đón chờ mùa sản xuất mới của bà con nông dân…

Đi trong mùa vàng…
Đi trong mùa vàng…

Anh Nguyễn Xuân Nam ở tổ dân phố 8, thị trấn Nghèn (Can Lộc) thu hoạch hơn 3 mẫu ruộng của gia đình.

Đi trong mùa vàng…

Hà Tĩnh sau trận mưa lớn, thời tiết trở lại oi nồng, ngột ngạt. Trên cánh đồng thu hoạch, những tấm lưng của bà con nông dân ướt đẫm mồ hôi vì nắng nóng và cả sự vội vã “chạy đuổi” thời vụ.

Đi trong mùa vàng…

Vụ hè thu 2022, anh Nguyễn Xuân Nam ở tổ dân phố 8 (thị trấn Nghèn, Can Lộc) làm đến hơn 3 mẫu, thuộc vào những người có nhiều ruộng nhất của làng. Nhiều ruộng nên anh dành gần hết thời gian của mình từ ngày gieo cấy đến khi thu hoạch, ngày nào không ra đồng là ngày đó không yên tâm. Nhất là đối với vụ sản xuất hè thu luôn tiềm ẩn rủi ro, những người nông dân lòng như có lửa đốt.

Khi lúa bắt đầu chín vàng thì mưa lớn xảy đến làm tiến độ thu hoạch bị chậm lại, một ít diện tích bị đổ ngã. Vì thế, ngay khi ngớt mưa, anh Nam đã ngược xuôi để đón máy gặt đập, huy động cả nhà để soạn bao bì, đưa xe kéo ra đồng đưa lúa về nhà. Anh Nam chia sẻ: “Cả mùa làm lụng vất vả, chăm lo từng li, từng tí, niềm mong mỏi lớn dần theo từng bông lúa. Dù đã quen với cảnh làm nông nhưng đến kỳ thu hoạch là lo không ngủ được. Mấy hôm trời mưa, tôi đứng ngồi không yên vì gia đình chỉ mới gặt được chưa đến 1 mẫu, còn hơn 2 mẫu ở ngoài đồng".

Đi trong mùa vàng…

Nhiều vùng sản xuất không lợi thế ở Thạch Hà, Hương Khê, Lộc Hà… vẫn phải chịu cảnh lép hạt, năng suất tụt giảm.

Vừa nói chuyện, mắt anh vẫn không rời những đường máy chạy. Máy gặt vừa tiến vào chân ruộng, anh thoăn thoắt nhảy lên khoang, thoáng cái đã chạy đến giữa đồng. Cứ thế, những bì lúa mang theo bao mồ hôi, công sức của vợ chồng anh chị được chuyển nhanh lên bờ, rồi “vần” lên xe ba gác đưa về nhà.

Đối với người dân Hà Tĩnh, hạt gạo có đủ cả mưa giông, nắng hạn, có cả sự thấp thỏm, lo âu. Dù thế, không phải lúc nào cũng gặp thuận lợi, trong khi những đồng lúa ở Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Can Lộc… đạt năng suất tương đối cao thì còn nhiều vùng sản xuất không lợi thế như: các xã bãi ngang Thạch Hà, Hương Khê, Lộc Hà… vẫn phải chịu cảnh lép hạt, năng suất tụt giảm.

Đi trong mùa vàng…

Cơ giới hóa được huy động trên cánh đồng của xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên (ảnh trên). Nông dân Can Lộc xuống đồng, “tốc lực” thu hoạch lúa hè thu (ảnh dưới).

Trên cánh đồng thôn Nam Văn, xã Thạch Văn (Thạch Hà), bà Trần Thị Sâm chia sẻ: “Hơn một sào lúa mà được gần 4 bì, khoảng gần 1,5 tạ lúa đây chị ạ. Năm nay thời tiết đầu vụ tương đối thuận lợi, thế nhưng, vào giai đoạn trổ bông lại chẳng may gặp mưa kèm sấm chớp. Điều này đã khiến cho hạt lúa bị lép nhiều, đen đầu. Mình đã bỏ hết công sức chăm sóc nhưng gặp thiên tai thì cũng đành chịu “trời”. Dù thế, đồng ruộng là nghiệp của nông dân, có thất bát nhưng chúng tôi vẫn thu hoạch, lựa nhặt số lúa tốt để ăn, còn lại thì làm thức ăn cho vật nuôi”.

Đi trong mùa vàng…

Ông Phạm Văn Thảo (60 tuổi, trú thôn 7, xã Hà Linh, huyện Hương Khê) đội đèn pin, mang theo máy cắt cỏ ra đồng thu hoạch lúa. Vụ hè thu năm nay, gia đình ông gieo gần 4 sào lúa. Ảnh: Phạm Hoàng.

Hạn cuối thời vụ thu hoạch lúa hè thu 2022 đã điểm. Trên những cánh đồng Hương Sơn, Can Lộc, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh..., hàng trăm chiếc máy gặt đập liên hợp ầm ù “tốc lực” thu hoạch gọn diện tích cuối cùng. Những gương mặt ướt đẫm mồ hôi “tranh” nắng, “tranh” thời gian để đưa lúa về nhà... Tất cả tạo nên bức tranh thu hoạch cuối vụ vừa gấp gáp, vội vã, vừa rộn ràng, phấn khởi.

Đi trong mùa vàng…

Máy gặt cỡ lớn không vào được tận ruộng, nông dân nhiều địa bàn miền núi ở Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn... buộc phải gặt tay để đẩy nhanh tiến độ. Ảnh: Phạm Hoàng

Vụ lúa khó khăn trong năm, dù không ít những “nốt trầm” khi năng suất có nơi tụt giảm, nhiều thửa ruộng không thể “chạy” nhanh hơn trận mưa lớn, giá lúa thấp thua các năm... nhưng mỗi thành quả chính là sự nỗ lực, chắt chiu của bà con nông dân “một nắng hai sương” trên cánh đồng.

Đi trong mùa vàng…

Nhờ cơ cấu giống và đảm bảo thời vụ xuống giống đồng nhất, nhiều vùng của xã Kim Song Trường (Can Lộc) đã hoàn thành thu hoạch hè thu trước thời hạn của tỉnh (ảnh 1). Hè thu là vụ sản xuất "tranh" nắng, “chớp” thời gian để đưa lúa về nhà nên mọi việc đều diễn ra nhanh nhất có thể (ảnh 2, 3). Thương lái thu mua lúa tươi vụ hè thu tại các điểm tập kết ở xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên (ảnh 4).

Đi trong mùa vàng…

Cánh đồng sản xuất gần 170 ha của HTX Dịch vụ môi trường thủy lợi xã Tùng Lộc (huyện Can Lộc) sắp hoàn thành thu hoạch những thửa ruộng cuối cùng. Thời điểm này, bà con đã có thể thở phào nhẹ nhõm vì lúa đều, đẹp, năng suất đạt 56 tạ/ha, cao hơn nhiều so với bình quân chung toàn tỉnh. Cả cánh đồng rộng lớn không ranh giới, bằng phẳng nằm sát bên trục đường giao thông thuận lợi tạo ra khung cảnh nhộn nhịp, vui tươi của nền sản xuất hiện đại.

Đi trong mùa vàng…

Anh Đặng Văn Ảnh - Giám đốc HTX Dịch vụ môi trường thủy lợi xã Tùng Lộc (Can Lộc) bên cánh đồng lớn.

Anh Đặng Văn Ảnh - Giám đốc HTX Dịch vụ môi trường thủy lợi xã Tùng Lộc cho biết: “Thực hiện đề án sản xuất, trên cánh đồng thửa lớn của thôn chúng tôi chủ yếu cơ cấu chung một loại giống, một lịch thời vụ nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trong quá trình chăm sóc. Đây là năm đầu tiên chúng tôi sản xuất trên cánh đồng rộng lớn như vậy. Bao khó khăn đã qua, giờ nhìn lại thành quả ai nấy đều vui mừng vì bước đột phá mới. Năng suất bình quân đạt 56 tạ/ha, cao hơn các vụ trước khoảng 12 tạ/ha. Lúa gặt xong rồi, chúng tôi đóng bì và nhập cho các đơn vị hợp tác thu mua ngay tại chân ruộng”.

Nếu ai đã từng chứng kiến vùng đất đứt quãng, nhiều khoảnh bỏ hoang vì nạn chuột phá hại và sâu bệnh sẽ không khỏi khâm phục nỗ lực của HTX và bà con nông dân. Cánh đồng giờ đây không còn phân tán, nhỏ lẻ, nhiều vùng đất hoang hóa nay đã được “hồi sinh". Điều quan trọng, mô hình tích tụ này đang mở ra xu hướng mới cho sản xuất lúa ở trên địa bàn, tạo động lực cho bà con.

Đi trong mùa vàng…

Anh Đặng Hữu Sỹ (thôn Minh Tiến, xã Tùng Lộc, Can Lộc) trên cánh đồng đã phá bờ thửa nhỏ hình thành ô thửa lớn. Từ chỗ làm vụ hè thu “cho có”, năng suất kém thì nhờ mạnh dạn thực hiện chủ trương phá bờ vùng, bờ thửa, anh Đặng Hữu Sỹ đã thu hoạch với năng suất hơn 2,8 tạ/sào.

Anh Đặng Hữu Sỹ (thôn Minh Tiến, xã Tùng Lộc, Can Lộc) chia sẻ: “Khi huyện, xã vận động thôn thực hiện chủ trương phá bờ vùng, bờ thửa, tôi cũng đắn đo lắm vì mình quen với cảnh làm nông bao đời rồi. Nhưng mình thấy anh Ảnh (Giám đốc HTX Dịch vụ môi trường thủy lợi xã Tùng Lộc - PV) nhiệt tình, mong muốn thay đổi sản xuất cho bà con nên vẫn quyết theo. Bản thân ruộng của tôi trước đây ở vụ hè thu chỉ làm kiểu “cho có” vì “lúa không nên lúa”, năng suất kém lắm thì nay nhờ xuống giống cơ bản đồng nhất, nguồn nước tưới được đảm bảo, dễ cày bừa nên ít sâu bệnh, không có chuột tấn công, năng suất đạt trên 2,8 tạ/sào. Cơ giới hóa thuận lợi, thời vụ đảm bảo nên bà con thắng lớn, có niềm vui nào bằng nhìn những cánh đồng mùa gặt ồn ã tiếng người, tiếng máy bên những ruộng lúa chín vàng rực”.

Đi trong mùa vàng…

Cánh đồng tập trung của huyện Cẩm Xuyên bám các tuyến đường lớn, địa hình bằng phẳng tạo thuận lợi cho nông dân khi tham gia sản xuất.

Còn ở Cẩm Xuyên, cảnh máy gặt chạy băng băng từ đồng này qua đồng khác trong mùa thu hoạch đã làm cho bức tranh của vùng nông thôn trong giai đoạn “chuyển mình” thêm ấm êm, trù phú. Từ thành công của vụ xuân, vụ hè thu năm nay, huyện tiếp tục sản xuất theo cánh đồng tập trung trên gần 2.000 ha, cơ cấu 1 giống, 1 thời vụ. Gần như 100% xã, thị trấn đều đã hình thành những cánh đồng lớn, chuyển đổi trong sản xuất đang giúp Cẩm Xuyên tiến thêm những bước mới trong canh tác lúa.

Đi trong mùa vàng…

Mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa gắn với sản xuất hữu cơ năm 2022 ở xã Cẩm Bình.

Ông Lê Ngọc Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Toàn huyện gieo cấy 9.100 ha, hiện nay năng suất dự kiến đạt khoảng 55 tạ/ha, trong đó các cánh đồng mẫu lớn áp dụng 100% cơ giới hóa khâu làm đất, thu hoạch đã đưa lại hiệu quả kinh tế cao, tăng 20-25% so với trước. Huyện cũng đang thực hiện dồn điền đổi thửa, với mục tiêu là giảm đến mức thấp nhất về số thửa, đảm bảo mỗi hộ hoặc nhiều hộ chỉ sản xuất trên 1 thửa (từ 0,5 - 1 ha) ở một số địa phương để tạo điều kiện sản xuất thuận lợi, tập trung nhất; thực hiện trồng lúa theo hướng VietGAP, hữu cơ”.

Đi trong mùa vàng…

Thạch Hà cũng là một trong những địa phương thử nghiệm các loại giống mới, tập trung phá bờ vùng, bờ thửa hình thành cánh đồng lớn.

Nghị quyết 06 - NQ/TU ngày 18/11/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh ban hành về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 (Nghị quyết 06) thực sự là "luồng gió mới” cho sản xuất nông nghiệp. Ngay từ đầu năm 2022, khắp các địa phương đều đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi ruộng đất, hình thành cánh đồng lớn.

Đến nay, toàn tỉnh có gần 6.000 ha đất sản xuất lúa đã được phá bờ vùng, bờ thửa, tập trung theo cánh đồng lớn. Tích tụ ruộng đất đã làm “thay da đổi thịt” của những cánh đồng manh mún, không đồng đều về cốt đất trước đây. Và từ đây, biết bao trăn trở của người nông dân khi bước vào thực hiện chủ trương lớn thêm được củng cố để càng vững tin hơn trên đồng ruộng của chính mình.

.......

Đi trong mùa vàng…

Lãnh đạo Sở NN&PTNT và huyện Can Lộc kiểm tra năng suất lúa hè thu trên cánh đồng của xã Kim Song Trường (ngày 5/9/2022).

Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã thu hoạch được 40.500 ha lúa hè thu, đạt 90% diện tích. Nhìn chung, vụ sản xuất đảm bảo đủ nước, thời tiết tương đối thuận lợi, ít sâu bệnh nên năng suất đạt khá (dự ước đạt trên 50,5 tạ/ha). Điểm nhấn của vụ hè thu năm nay chính là việc mở rộng hình thức sản xuất mới - phá bờ thửa nhỏ hình thành ô thửa lớn, tích tụ ruộng đất theo Nghị quyết 06 - NQ/TU ngày 18/11/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh đã chuyển tiếp sang giai đoạn mới, mở rộng diện tích và phát triển theo hướng tích tụ ruộng đất. Điều này đang tạo động lực cho các địa phương và bà con nông dân đầu tư sản xuất, đồng nhất về giống, thời vụ nhằm tăng năng suất, chất lượng và tăng yếu tố an toàn cho sản xuất, hướng đến nền sản xuất hàng hóa”.

Đi trong mùa vàng…

Mùa vàng ở Hà Tĩnh. Ảnh: Phạm Hoàng

Trên những chân ruộng còn nguyên gốc rạ của vụ hè thu, đồng ruộng đang tiếp tục “cựa mình”, sẵn sàng chờ đón không khí rộn ràng của những đợt chuyển đổi, tích tụ ruộng đất mới để chuẩn bị cho vụ xuân 2023.

ảnh: thái oanh - phạm trường

trình bày: khôi nguyễn

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Mai vàng Hà Tĩnh sẵn sàng ra chợ Tết

Mai vàng Hà Tĩnh sẵn sàng ra chợ Tết

Thời điểm này, người trồng mai tại Hà Tĩnh đang tất bật chăm sóc, kích nụ để phục vụ nhu cầu của người dân dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Điểm tựa cho ngư dân Trường Sa vươn khơi

Điểm tựa cho ngư dân Trường Sa vươn khơi

Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây luôn là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, góp sức bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Người dân “vựa hành” đón tết kém vui

Người dân “vựa hành” đón tết kém vui

Với giá giảm gần 1 nửa so với năm ngoái, người dân xã Thiên Lộc (Can Lộc) - "vựa hành" lớn nhất của tỉnh Hà Tĩnh, thấp thỏm lo âu trước thềm tết Nguyên đán 2025.
Cá cháo giá cao, dễ bán, ngư dân phấn khởi

Cá cháo giá cao, dễ bán, ngư dân phấn khởi

Cá cháo đầu mùa được khách hàng ưa chuộng, giá bán cao giúp mang lại nguồn thu nhập khá cho ngư dân vùng biển Hà Tĩnh. Trừ chi phí, mỗi thuyền có thể thu hàng triệu đồng sau mỗi lần ra khơi.
Quất "Made in Hương Sơn" chờ ngày xuống phố

Quất "Made in Hương Sơn" chờ ngày xuống phố

Nhờ được chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật nên vườn quất duy nhất ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) của gia đình anh Nguyễn Song Thao cho quả đẹp mắt, hứa hẹn sẽ đem về nguồn thu khá dịp tết Nguyên đán.
Nông dân Hà Tĩnh vào vụ gieo cấy lúa xuân

Nông dân Hà Tĩnh vào vụ gieo cấy lúa xuân

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân Hà Tĩnh bám đồng, đẩy nhanh tiến độ làm đất đợt cuối và bắt đầu xuống giống những trà lúa đầu tiên của vụ xuân 2025.
Khu dân cư kiểu mẫu - nền móng để xây dựng NTM ở Kỳ Anh

Khu dân cư kiểu mẫu - nền móng để xây dựng NTM ở Kỳ Anh

Là địa phương “đi sau” trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nhưng huyện Kỳ Anh đã có nhiều cách làm sáng tạo. Trong đó, huyện đã tập trung chỉ đạo xây dựng thành công các khu dân cư NTM kiểu mẫu, thôn thông minh, coi đây là nền móng tạo sự lan toả, đưa phong trào xây dựng NTM của huyện phát triển vững chắc.