Lợi ích kép từ máy cuộn rơm trên đồng ruộng Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Máy cuộn rơm đang được một số địa phương ở Hà Tĩnh sử dụng. Đây là giải pháp tối ưu trong xử lý rơm rạ sau thu hoạch, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Trước đây, sau khi thu hoạch lúa, việc thu gom rơm rạ để vận chuyển về nhà tốn nhiều công sức nên nhiều người dân bỏ rơm rạ lại các cánh đồng, các tuyến đường hoặc xử lý bằng cách đem đốt. Hiện nay, tại một số địa phương ở Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên... bà con đã sử dụng máy để thu gom rơm rạ rất tiện lợi và hiệu quả.

Lợi ích kép từ máy cuộn rơm trên đồng ruộng Hà Tĩnh

Máy cuộn rơm được một số địa phương ở Hà Tĩnh áp dụng

Đang chờ máy cuộn thu gom rơm rạ cho 3 sào ruộng của gia đình, ông Phan Văn Đạt (xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà) cho hay: Ngoài làm ruộng, gia đình chăn nuôi 4 con bò nên vụ lúa nào gặt xong cũng phải thu gom rơm về cất trữ làm thức ăn cho bò. Những năm trước, không có máy, việc thu gom rơm rạ khá vất vả và tốn nhiều thời gian; nhiều khi gom không kịp, gặp mưa là phải bỏ hết vì hư hỏng. Giờ có máy cuộn nên rất thuận tiện, 1 sào ruộng máy chỉ chạy trong vòng 7-10 phút là rơm được cuốn thành từng bó chặt, chỉ việc bỏ lên xe chở về.

Cũng theo ông Đạt, do rơm bó gọn nên có thể thu gom số lượng lớn. Với 3 sào ruộng chỉ cần 1 chuyến xe chở chứ không phải chở 3-4 chuyến như trước.

Lợi ích kép từ máy cuộn rơm trên đồng ruộng Hà Tĩnh

Sử dụng máy cuộn rơm người dân có thêm nguồn thu khoảng 2,5 triệu đồng/ha.

Còn tại huyện Can Lộc, máy cuộn rơm được người dân sử dụng từ vụ xuân 2023. Anh Nguyễn Văn Thọ (thôn Hòa Bình, xã Thanh Lộc, huyện Can Lộc) là một trong những chủ sở hữu máy cuốn rơm đầu tiên của địa phương. Từ đầu vụ thu hoạch lúa hè thu tới nay, trừ những ngày mưa, máy cuộn rơm của gia đình anh hoạt động liên tục 24/24 giờ.

Anh Thọ cho biết: “Gia đình tôi mua chiếc máy cày làm đất mấy năm nay. Ngoài làm đất, để tăng công năng của máy, tôi đã mua thêm máy cuộn rơm lắp vào đầu máy cày".

Cũng theo anh Thọ, 1 giờ máy chạy có thể cuốn được 50 - 60 cuộn, mỗi ha cuốn được khoảng 250 cuộn. Như vậy, một ca máy 4 giờ có thể cuốn xong rơm trên diện tích hơn 1 ha ruộng. Nếu thu gom bằng thủ công như trước đây, mỗi ha mất gần 2 tuần mới xong.

Gia đình ông Lê Hùng (xã Thanh Lộc, huyện Can Lộc) là hộ có diện tích trồng lúa lớn nhất xã với diện tích gần 6,5 ha. Ông Hùng cho hay: Trước đây, việc thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp rất nhanh chóng, còn việc thu gom rơm bằng thủ công tốn nhiều thời gian nên gia đình không thể thu hết mà bỏ lại trên đồng khá nhiều rồi đốt. Từ vụ xuân năm 2023 đến nay, tôi đã thuê máy làm và chỉ trong vòng vài ba ngày là thu gom xong, vận chuyển về nhà dự trữ để làm thức ăn cho 10 con bò của gia đình".

Được biết, xã Thanh Lộc hiện có 4 máy cuộn rơm và bước đầu đã giúp bà con nông dân thu gom nhanh chóng rơm rạ, vệ sinh đồng ruộng, hạn chế tình trạng đốt rơm, làm chai đất ruộng, ô nhiễm môi trường và lãng phí nguồn nguyên liệu để tái sản xuất nông nghiệp.

Theo nhiều người dân, khi sử dụng máy cuộn rơm, nông dân không chỉ nhàn hơn mà còn cho thu nhập đáng kể từ khoản tiền bán rơm. Theo tính toán, 1 ha lúa sẽ cuốn được khoảng 250 cuộn rơm. Nông dân phải trả chi phí thuê máy là 8.000 đồng/cuộn. Sau khi trừ chi phí, các chủ máy có thu nhập 1,5 triệu đồng/ha. Trường hợp người dân không có nhu cầu sử dụng thì bán lại cho chủ máy cuộn với giá 10.000 đồng/cuộn. Như vậy, người dân sẽ có nguồn thu khoảng 2,5 triệu đồng/ha.

Lợi ích kép từ máy cuộn rơm trên đồng ruộng Hà Tĩnh

Máy cuộn rơm được áp dụng rộng rãi sẽ hạn chế được tình trạng đốt rơm rạ trên đồng ruộng, góp phần giảm ô nhiễm môi trường

Ngoài các loại máy móc được áp dụng phổ biến trong sản xuất lúa như: máy gieo sạ, máy cấy, máy gặt đập liên hợp thì máy cuốn rơm cũng đã được một số địa phương đưa vào sử dụng. Nếu cách làm này được áp dụng rộng rãi sẽ hạn chế tình trạng đốt rơm rạ trên đồng ruộng, góp phần giảm ô nhiễm môi trường và cung cấp nguồn nguyên liệu để trồng rau, làm nấm rơm, làm thức ăn thô chăn nuôi trâu bò, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tuy nhiên, hiện nay, máy cuốn rơm trên địa bàn tỉnh chưa nhiều vì giá máy còn khá cao, từ 45-80 triệu đồng/máy tùy loại. Vì thế, rất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước để đồng hành cùng người dân, từ đó góp phần tăng cường ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao giá trị thu hoạch trên diện tích canh tác, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast