Marketing nông sản - mắt xích trong tái cơ cấu nông nghiệp

(Baohatinh.vn) - Những năm qua, các sản phẩm trong nông - lâm - thủy hải sản của Hà Tĩnh liên tục tăng về diện tích và sản lượng. Tuy nhiên, cứ đến vụ thu hoạch, người nông dân lại phải loay hoay, chật vật với việc tìm đầu ra cho sản phẩm của mình, chưa có một đơn vị, tổ chức nào đứng ra giới thiệu, quảng bá và đưa sản phẩm đến với thị trường.

Sản xuất và tiêu thụ chưa gặp nhau

Vụ cam 2013, nhờ chăm sóc tốt, thời tiết thuận lợi nên trang trại cam quy mô 2,5 ha của chị Phan Thị Hiền (xóm An Hùng, xã Thượng Lộc - Can Lộc) dự kiến thu hoạch khoảng 60 tấn. Tuy nhiên, niềm vui được mùa cũng không lấn được nỗi lo tiêu thụ. Mặc dù cam Thượng Lộc chất lượng thơm ngon, được khách quen mua làm quà biếu nhưng khi đưa ra thị trường vẫn bị đánh đồng về giá cả với các loại cam khác, thậm chí là cam Trung Quốc. Đặc biệt, việc tiêu thụ hết lượng cam này cũng không hề đơn giản và chị Hiền phải huy động rất nhiều nhân công đi bán lẻ từng chuyến xe nhỏ ở khắp các chợ trong tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự cùng đoàn kiểm tra mô hình trang trại trồng cây ăn quả của gia đình chị Phan Thị Hiền, xóm An Hùng, xã Thượng Lộc, quy mô 2,5ha cho thu nhập 1 tỷ đồng/năm
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự cùng đoàn kiểm tra mô hình trang trại trồng cây ăn quả của gia đình chị Phan Thị Hiền, xóm An Hùng, xã Thượng Lộc, quy mô 2,5ha cho thu nhập 1 tỷ đồng/năm

Trong khi người sản xuất loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm của mình thì người tiêu dùng cũng vất vả không kém khi cần mua một sản phẩm chính hãng, chính gốc xuất xứ. Anh Nguyễn Hùng Mạnh - một doanh nhân ở TP Hồ Chí Minh chia sẻ, trong lần về công tác ở Hà Tĩnh, anh muốn mua 10 cặp nhung hươu Hương Sơn để làm quà biếu cho đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, lên mạng gõ từ khóa tìm kiếm địa chỉ tin cậy cung cấp sản phẩm nhung hươu ở Hương Sơn thì chỉ có một vài địa chỉ nhưng đó là đại lý ở tận Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh. Thậm chí, vào cổng thông tin điện tử của UBND huyện Hương Sơn cũng không có một dòng giới thiệu hay số điện thoại về những trang trại hay cơ sở nào cung cấp sản phẩm nhung hươu để liên hệ đặt mua.

“Chuyến công tác đó coi như chưa thành công bởi tôi đã lỡ hẹn với bạn bè, đối tác về một đặc sản Hà Tĩnh và sản phẩm nhung hươu Hương Sơn cũng lỡ cơ hội tiếp cận với khách nước ngoài” - anh Mạnh bày tỏ tiếc nuối.

Không chỉ đối với sản phẩm nhung hươu Hương Sơn, mà hiện nay, ở Hà Tĩnh đang có nhiều sản phẩm nổi tiếng khác như: cam bù Hương Sơn, cam chanh Khe Mây, Thượng Lộc, Cẩm Yên, bưởi Phúc Trạch, kẹo cu đơ… mặc dù đã có thương hiệu nhưng chưa có đơn vị, tổ chức nào cầm trịch giới thiệu, quảng bá và chịu trách nhiệm chất lượng của những sản phẩm đó đến với người tiêu dùng.

Phải marketing cho sản phẩm

Trong bài viết về vai trò của thị trường đối với quá trình sản xuất và tiêu thụ nông sản, Tiến sĩ Đào Thế Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) cho rằng, muốn tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị để tăng thu nhập, không có cách nào hơn ngoài việc phải gắn với nhu cầu thị trường và xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm.

Người tiêu dùng tin tưởng tìm đến với gian hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh của Hội Nông dân tỉnh
Người tiêu dùng tin tưởng tìm đến với gian hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh của Hội Nông dân tỉnh

“Tái cơ cấu, thực ra là tạo ra một cơ cấu kinh tế do thị trường quyết định. Trong nền kinh tế thị trường, nếu ta không tiếp cận được thị trường thì sẽ không có động cơ để thúc đẩy sản xuất” - TS Đào Thế Anh cho hay.

Và đây cũng chính là điều trăn trở đối với ông Phạm Anh Tuấn - Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển công thương miền Trung khi xây dựng phương án “Xây dựng trung tâm giới thiệu, quảng bá sản phẩm công, nông, lâm nghiệp tỉnh Hà Tĩnh và khai thác hiệu quả chuỗi liên kết sản xuất, đầu mối tiêu thụ sản phẩm (mô hình liên kết “4 nhà”).

Phương án của ông Tuấn là xây dựng khu trưng bày các sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy hải sản với tổng diện tích trên 500 m2, được bố trí khoa học và có sự liên hoàn với nhau, thuận tiện nhất cho khách hàng khi tham quan và mua sắm. Với việc xây dựng khu trưng bày, mỗi khách hàng đến đây được các nhân viên giới thiệu, tư vấn và tham quan các sản phẩm mà không phải mất nhiều thời gian để đi đến tất cả các làng nghề. Nếu khách hàng có nhu cầu đặt mua các sản phẩm có thể tham gia đối thoại trực tiếp, liên hệ với nhà sản xuất hoặc đăng ký thông qua các nhân viên tại trung tâm, khách hàng sẽ nhận được những sản phẩm chính gốc, chất lượng cao mà không mất nhiều thời gian để chọn lựa và đi lại.

Theo ông Tuấn, các sản phẩm này phải có giá thành phù hợp với người tiêu dùng và đặc biệt phải tuân thủ các quy định về đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, bảo quản. Điều quan trọng nhất, khi người sản xuất tham gia giới thiệu, trưng bày sản phẩm ở trung tâm này sẽ được trung tâm chịu trách nhiệm giới thiệu, quảng bá và liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp trong và ngoài nước để tiêu thụ sản phẩm.

Vừa qua, tại hội thảo góp ý phương án “Xây dựng trung tâm giới thiệu, quảng bá sản phẩm công, nông, lâm nghiệp tỉnh Hà Tĩnh và khai thác hiệu quả chuỗi liên kết sản xuất, đầu mối tiêu thụ sản phẩm”, các đại biểu đều cho rằng, việc ra đời trung tâm là cần thiết và phải được triển khai sớm, trong đó chính quyền các cấp và doanh nghiệp phải đóng vai trò chủ đạo. Hay nói cách khác, Nhà nước, nhà doanh nghiệp phải giúp nhà nông biết cách làm ra sản phẩm gì, bán ở đâu, giá thế nào...

TS. Đào Thế Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp

Hiện chúng ta có nhiều chính sách có thể hỗ trợ rất tốt cho sản xuất, nhưng khâu thương mại rất kém nên cuối cùng sản phẩm bán ra vẫn kém. Ngược lại, có chỗ làm thương mại tốt nhưng khâu sản xuất không tốt nên không có sản phẩm tốt để đáp ứng nhu cầu. Vì vậy, muốn thực sự phát triển chuỗi giá trị nông sản, cần xây dựng và phát huy mối quan hệ chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ, trong đó khâu thương mại, marketing trong nông nghiệp đặc biệt quan trọng.

Ông Phạm Anh Tuấn - Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển công thương miền Trung

Việc phối hợp, gắn kết giữa nhà sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thành một chuỗi liên kết không chỉ giúp các sản phẩm của Hà Tĩnh có đầu ra ổn định mà còn góp phần giúp người sản xuất yên tâm, tăng năng suất, tạo nền tảng cho việc mở rộng quy mô, chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu trong lòng khách hàng.

Ông Trần Đình Gia - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh

Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã có nhiều hoạt động tích cực trong việc hỗ trợ, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp tỉnh nhà đến với người tiêu dùng. Đến nay, tại gian hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh của Hội Nông dân tỉnh đã có gần 15 mặt hàng là những sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản chất lượng cao của các địa phương trong tỉnh. Thông qua gian hàng này, người tiêu dùng được đảm bảo về xuất xứ cũng như chất lượng sản phẩm.

Chị Nguyễn Thị Hương (phường Nam Hà - TP Hà Tĩnh)

Mỗi khi mua lương thực, thực phẩm, ngoài việc xác định thương hiệu sản phẩm, chúng tôi cũng rất chú trọng đến thương hiệu, uy tín của cửa hàng hay nơi giới thiệu các sản phẩm đó. Vì vậy, theo tôi, rất cần có nhiều cửa hàng, trung tâm làm nhiệm vụ giới thiệu, quảng bá và chịu trách nhiệm “bảo hành” cho những sản phẩm đó để người bán lẫn người mua đều an tâm khi mua, bán hàng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast