Mở rộng mạng lưới, đưa nước sạch đến với người dân miền núi Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Những năm gần đây, Chi nhánh Cấp nước Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm mở rộng mạng lưới khách hàng và giảm tỷ lệ thất thoát nước sạch.

Mở rộng mạng lưới, đưa nước sạch đến với người dân miền núi Hà Tĩnh

Công nhân Chi nhánh Cấp nước Hương Sơn sửa chữa hệ thống cấp nước tại TDP 5, thị trấn Phố Châu.

Chi nhánh Cấp nước Hương Sơn thuộc Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh, chịu trách nhiệm quản lý, vận hành 4 trạm cấp nước: thị trấn Vũ Quang, Cầu Treo, Tây Sơn và thị trấn Phố Châu. Những năm qua, chính quyền địa phương các cấp thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích và tầm quan trọng của việc sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày nhưng nhận thức của một số người dân vẫn chưa cao, nhiều hộ có thói quen sử dụng nước mưa, nước giếng khoan. Vì thế, việc mở rộng mạng lưới gặp không ít khó khăn.

"Số lượng khách hàng sử dụng nước ít, nhất là khu vực 2 trạm: Vũ Quang (431 khách hàng), Cầu Treo (17 khách hàng). Bên cạnh đó, các cơ sở đều đã được đầu tư xây dựng cách đây hàng chục năm nên đã xuống cấp, không có nguồn duy tu bảo dưỡng thường xuyên nên công tác quản lý, vận hành gặp rất nhiều khó khăn”, ông Trần Quốc Tuyết - Giám đốc Chi nhánh Cấp nước Hương Sơn chia sẻ.

Mở rộng mạng lưới, đưa nước sạch đến với người dân miền núi Hà Tĩnh

Việc thi công tuyến QL 8A (đoạn thuộc thôn Hà Trai, xã Sơn Kim 1) khiến nhiều đoạn đường ống bị hư hỏng.

Trước tình hình đó, năm 2019, Chi nhánh đã đề xuất Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh đầu tư gần 3 tỷ đồng nhằm nâng công suất nhà máy từ 600 m3 lên 2.000 m3 nước/ngày đêm; lắp đặt dây chuyền công nghệ theo tiêu chuẩn Châu Âu để cải thiện chất lượng nước sinh hoạt.

Chi nhánh Cấp nước Hương Sơn cũng xây dựng phương án cải tạo hệ thống mạng dịch vụ tại các địa bàn trọng điểm để mở rộng mạng lưới khách hàng với tổng nguồn vốn hơn 1 tỷ đồng (vốn Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh).

Mở rộng mạng lưới, đưa nước sạch đến với người dân miền núi Hà Tĩnh

Chi nhánh triển khai lắp đặt hệ thống đường ống cấp 2 và đồng hồ nước để mở rộng mạng lưới khách hàng tại TDP 4, thị trấn Phố Châu.

Theo đó, đơn vị đầu tư mới hệ thống đường ống cấp 1 dài 2,5 km tại TDP 6, TDP 7 thị trấn Phố Châu với nguồn vốn 800 triệu đồng; cải tạo hệ thống mạng cấp 2, cấp 3 chiều dài hơn 2 km tại TDP 2, TDP 3 thị trấn Phố Châu trị giá 500 triệu đồng; cải tạo mạng dịch vụ cấp 3 dài 3 km tại thị trấn Tây Sơn với nguồn vốn hơn 100 triệu đồng.

Cùng với việc cải tạo nâng cao chất lượng nước, chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng, Chi nhánh Cấp nước Hương Sơn còn phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho các hộ dân về việc sử dụng nước tiết kiệm, tránh lãng phí, chống thất thoát nước; tăng cường kiểm tra giám sát, kịp thời sửa chữa hệ thống đường ống rò rỉ, hư hỏng; xử lý tình trạng trộm nước...

Mở rộng mạng lưới, đưa nước sạch đến với người dân miền núi Hà Tĩnh

Công nhân Chi nhánh Cấp nước Hương Sơn vận hành hệ thống cấp nước.

Chi nhánh cũng triển khai thay thế công tơ định kỳ (5 năm/lần) để hạn chế tối đa tình trạng rò rỉ, thất thoát nước. Trong năm 2019, chi nhánh đã thay thế được 200 công tơ, đến năm 2023 thay thế 740 công tơ.

Nhờ đó, từ chỗ tỷ lệ thất thoát nước của chi nhánh thuộc nhóm lớn nhất của công ty (24,66% năm 2020) đã giảm dần còn 23,40% (năm 2021) và 21,45% (năm 2022). Chi nhánh Cấp nước Hương Sơn đang phấn đấu giảm tỷ lệ thất thoát nước năm 2023 là 20%, thấp hơn mặt bằng chung của công ty (21%).

Mở rộng mạng lưới, đưa nước sạch đến với người dân miền núi Hà Tĩnh

Cán bộ Chi nhánh Cấp nước Hương Sơn kiểm tra độ PH trong nước.

Mạng lưới cấp nước cũng được mở rộng, từ chỗ chỉ cấp nước cho những địa phương có trạm cấp nước (Sơn Kim 1, thị trấn Tây Sơn, thị trấn Phố Châu) đến những địa phương lân cận như: Sơn Giang, Sơn Phú, Sơn Trung, Sơn Tây...

Bà Hồ Thị Mỹ (TDP 10, thị trấn Phố Châu) vui vẻ: “Nhà tôi ở cuối thị trấn, lại khu vực thưa thớt nên mức phí lắp đặt đường ống cấp 2 rất tốn kém. Nhờ sự chia sẻ của Chi nhánh Cấp nước Hương Sơn trong việc đầu tư hệ thống cấp nước để mở rộng mạng lưới nên nước sạch đã chính thức về gia đình được 3 tháng nay. Từ khi được dùng nguồn nước sạch để sinh hoạt, chúng tôi yên tâm hẳn".

Theo đánh giá, từ năm 2021, lượng khách hàng và sản lượng nước tăng từ 5 - 7% mỗi năm (tương ứng với 220 - 250 khách hàng; sản lượng nước tăng từ 25.000 - 30.000 m3/ngày đêm). Năm 2022, sản lượng nước tiêu thụ của chi nhánh đạt 561.000 m3; lượng khách hàng đạt trên 3.500. Thu nhập bình quân người lao động tăng từ 6 triệu đồng/tháng (năm 2019) lên hơn 8 triệu đồng/tháng (năm 2022).

Thành công của cả quá trình là động lực để đơn vị tiếp tục phấn đấu tăng sản lượng và doanh thu trong những năm tiếp theo.

Mở rộng mạng lưới, đưa nước sạch đến với người dân miền núi Hà Tĩnh

Hệ thống cấp nước ở Chi nhánh Cấp nước Hương Sơn đạt tiêu chuẩn châu Âu.

Ông Phan Văn Định - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Phố Châu cho biết: "Thời gian qua, Chi nhánh Cấp nước Hương Sơn đã luôn đồng hành với chính quyền địa phương làm nhiệm vụ cấp nước, đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng nước sạch trên địa bàn. Mục tiêu của thị trấn là phấn đấu đạt chuẩn đô thị văn minh vào năm 2024, trong số các tiêu chí cần phải hoàn thành có tiêu chí nước sạch. Vì vậy, năm 2023, thị trấn Phố Châu sẽ tiếp tục đồng hành với đơn vị để “phủ sóng” 100% hộ dân trên địa bàn thị trấn được dùng nước từ nhà máy”.

Chi nhánh Cấp nước Hương Sơn là đơn vị khó khăn nhất của công ty do địa bàn vùng núi, bị chia cắt và phức tạp; nhận thức của người dân về việc sử dụng nước sạch còn hạn chế. Trong khi, nguồn lực đầu tư của công ty có hạn, việc nâng cấp hệ thống gặp khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự đoàn kết, linh hoạt triển khai nhiều biện pháp nên cho hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu phát triển, mở rộng mạng lưới khách hàng và giảm thiểu tỷ lệ thất thoát nước.

Ông Trần Văn Hóa
Giám đốc Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast