Trồng gừng liên kết: Người dân có nguy cơ trắng tay!

(Baohatinh.vn) - 1 ha gừng trâu quá kỳ thu hoạch vẫn “chỏng chơ” ngoài đồng trong khi doanh nghiệp (DN) bao tiêu “bặt vô âm tín”, hàng ngàn bịch gừng gặp khó trong quá trình sinh trưởng… là thực trạng diễn ra hiện nay. Nông dân Hà Tĩnh đang loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm không mấy chất lượng và thiệt hại họ phải chịu rất lớn.

trong gung lien ket nguoi dan co nguy co trang tay

Ông Đoàn Văn Tạnh - Giám đốc HTX Chăn nuôi và Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Toàn Thắng thẫn thờ bên diện tích gừng đã quá kỳ thu hoạch, kém chất lượng.

Đầu tư bài bản, hiệu quả thấp

Bắt tay với Công ty CP Xuất nhập khẩu Hoàng Phú Việt Nam - Chi nhánh Tây Ninh, HTX Hoa Sơn (xã Phú Gia, Hương Khê) đã bỏ vốn xây dựng hệ thống phun tưới tự động và nhà lưới quy mô 120.000 bịch gừng. Đầu tư bài bản, song quá trình triển khai gặp không ít khó khăn. “Tháng 11/2016, chúng tôi xuống giống nhưng thời tiết lạnh nên gừng không nảy mầm, mãi đến tháng 4/2017 mới làm lại được. Tuy vậy, giống gừng trâu không hợp chất đất, cộng với thời tiết bất lợi nên gừng bị nhiều bệnh, tỷ lệ chết lên tới 20%. Cây kém phát triển, củ chậm lớn nên đã bước sang tháng thứ 7 nhưng trọng lượng mỗi bịch gừng mới chỉ đạt trên 1 kg, trong khi trọng lượng chuẩn là 2,5 kg. Kỳ thu hoạch đến gần, rất khó đạt được trọng lượng chuẩn. Đó là chưa kể bão số 10 làm gừng gãy đổ nên chúng tôi phải khôi phục rất tốn kém” - Giám đốc HTX Hoa Sơn Phạm Hùng Sơn cho hay.

Không chỉ HTX Hoa Sơn, nhiều người dân Phú Gia cũng chịu nhiều chi phí phát sinh. Anh Hán Duy Hậu (thôn Phú Thành) cho biết: “Tôi bỏ ra 150 triệu đồng biến khu đất hoang thành mô hình 5.000 bịch gừng. Muốn triển khai nhanh, tôi thuê người đóng bịch sẵn nhưng do giống về chậm, bao hỏng và phải đóng lại bao mới. Lần đầu trồng gừng chưa có kinh nghiệm cộng thêm nhiều yếu tố bất lợi nên cây phát triển chậm. Cứ đà này, nhà tôi có nguy cơ lỗ nặng”.

Được biết, gừng trồng trong bịch hạn chế sâu bệnh, giúp cây dễ hấp thụ dinh dưỡng. Tuy nhiên, do bầu cây được bọc kín trong bao, độ thoát nước chậm trong khi thời tiết mưa bão nhiều như Hương Khê là một hạn chế, ảnh hưởng tới sự sinh trưởng của cây và sự phát triển của củ.

Doanh nghiệp “mang con bỏ chợ”

Cuối năm 2016, HTX Chăn nuôi và Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Toàn Thắng (phường Kỳ Phương - TX Kỳ Anh) ký hợp đồng tư vấn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm với Công ty CP Xuất nhập khẩu Hoàng Phú Việt Nam - Chi nhánh Tây Ninh (số 160, tổ 4, ấp Long Điền, xã Long Hòa, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) do ông Nguyễn Văn Giang làm Tổng Giám đốc. Trồng 50.000 bịch gừng, HTX mua của công ty thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, giống, bao nilon; công ty có trách nhiệm tư vấn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho HTX. HTX đã chi 1,3 tỷ đồng đầu tư mô hình, trong đó, thanh toán 600 triệu đồng cho công ty.

trong gung lien ket nguoi dan co nguy co trang tay

Cán bộ Hội Nông dân xã Phú Gia kiểm tra mô hình trồng gừng của gia đình anh Hán Duy Hậu (thôn Phú Thành).

Hợp đồng nêu rõ, sau 8 tháng từ khi xuống giống, công ty sẽ bao tiêu sản phẩm (không phân biệt loại sản phẩm, với giá 18.000 đồng/kg). Nay đã quá thời hạn hợp đồng hơn 2 tháng, HTX nhiều lần thông báo lịch thu hoạch, song công ty không có câu trả lời trực tiếp, thậm chí hiện không thể liên lạc với Tổng Giám đốc công ty. Điều đáng nói, khi cung cấp giống, phân bón… cho HTX, Công ty CP Xuất nhập khẩu Hoàng Phú Việt Nam - Chi nhánh Tây Ninh cam kết trọng lượng sản phẩm sẽ đạt 2,5 kg/bao, nếu không đạt, công ty sẽ bù lỗ cho HTX. Tuy nhiên, thực tế sự sinh trưởng của cây và sự phát triển của củ rất kém, hiện mỗi bịch cũng khó đạt 1 kg, đó là chưa kể 50% số gừng đã chết. Từ đây, người dân đặt câu hỏi về chất lượng nguồn giống, phân bón mà công ty cung ứng?

Rõ ràng, liên kết giữa HTX Chăn nuôi và Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Toàn Thắng và Công ty CP Xuất nhập khẩu Hoàng Phú Việt Nam - Chi nhánh Tây Ninh đơn thuần là ràng buộc lỏng lẻo giữa 2 đơn vị, thiếu sự hậu thuẫn vững chắc từ chính quyền và cơ quan chức năng. Người dân “đơn thương độc mã” nên khi sự cố xảy ra, họ “bế tắc” cũng là điều dễ hiểu. Tuy vậy, hợp đồng nêu rõ “đến kỳ thu hoạch, nếu không thu mua lại sản phẩm cho HTX, công ty phải đền 100% chi phí đã đầu tư và chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Do đó, chính quyền địa phương các cấp và cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, có hướng xử lý thỏa đáng, trả lại sự công bằng cho HTX, giúp bà con thu hồi vốn.

Ông Nguyễn Thừa Lộc - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hương Khê:

“Khi triển khai mô hình trồng gừng liên kết tại xã Phú Gia, cơ quan chuyên môn không nhận được báo cáo của địa phương hay doanh nghiệp. Gừng là cây trồng mới nên nếu có kế hoạch cụ thể từ đầu, chúng tôi sẽ xem xét, nghiên cứu chất đất, khí hậu, giống có phù hợp hay không. Nếu phù hợp sẽ cho làm thí điểm, mô hình hiệu quả mới tiến hành nhân rộng. Như vậy, sẽ tránh được nhiều sự cố, gây tốn kém cho người dân”.

Ông Lê Văn Chương – Chủ tịch UBND phường Kỳ Phương:

“Hợp đồng liên kết giữa HTX Chăn nuôi và Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Toàn Thắng và Công ty CP Xuất nhập khẩu Hoàng Phú Việt Nam - Chi nhánh Tây Ninh có sự chứng kiến của UBND phường. Quá trình triển khai, địa phương tạo điều kiện cấp đất cho HTX; còn vấn đề bao tiêu sản phẩm thì hai bên tự thống nhất với nhau, hơn nữa, doanh nghiệp không nằm trên địa bàn nên chính quyền cơ sở rất khó can thiệp. Sự việc này, HTX phải làm đơn trình UBND phường để chúng tôi làm căn cứ báo cáo lên các cấp có thẩm quyền tìm hướng xử lý”.

Ông Đoàn Văn Tạnh - Giám đốc HTX Chăn nuôi và Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Toàn Thắng:

“HTX mong muốn có điểm tựa vững chắc từ chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trong chuỗi liên kết từ khi bắt đầu cho đến bao tiêu sản phẩm. Từ đó, có chế tài xử phạt những doanh nghiệp phá vỡ hợp đồng, gây thiệt hại cho người dân hoặc hỗ trợ bà con tìm kênh tiêu thụ sản phẩm khi liên kết bị “đứt gãy”.

Chủ đề Cây trồng - Mùa vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast