Ứng dụng công nghệ mạ khay máy cấy sản xuất lúa hữu cơ ở Cẩm Xuyên

(Baohatinh.vn) - Vụ xuân 2024, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) ứng dụng công nghệ mạ khay máy cấy, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng để giải phóng sức lao động, mở rộng diện tích sản xuất lúa hữu cơ lên 85 ha.

Video: Đồng ruộng Cẩm Xuyên rộn ràng máy cấy

Vụ xuân năm 2024, gia đình anh Trần Hữu Toàn (thôn Bình Quang, xã Cẩm Bình, Cẩm Xuyên) sản xuất 16 sào lúa đồng nhất một loại giống ST25.

Với diện tích này, trước đây, gia đình anh Toàn phải huy động lực lượng, mất cả tuần để xuống giống. Tuy vậy, năm nay việc xuống giống diễn ra thuận lợi nhờ áp dụng cơ giới hóa vào quy trình sản xuất.

Ứng dụng công nghệ mạ khay máy cấy sản xuất lúa hữu cơ ở Cẩm Xuyên

Ứng dụng mạ khay máy cấy trên cánh đồng thôn Bình Quang, xã Cẩm Bình

Anh Trần Hữu Toàn chia sẻ: “Chưa bao giờ nông dân chúng tôi lại nhàn rỗi trong thời vụ như bây giờ. Thực hiện quy trình liên kết trong sản xuất lúa hữu cơ, những ngày qua, doanh nghiệp bố trí máy cấy tận chân ruộng, xuống giống đồng loạt theo lịch thời vụ. Chúng tôi chỉ việc thanh toán tiền dịch vụ và doanh nghiệp cũng tạo điều kiện cho nông dân chậm trả. Đến cuối vụ, doanh nghiệp cam kết sẽ thu mua lúa cho bà con nên chúng tôi rất phấn khởi”.

Cùng với gia đình anh Toàn, trên cánh đồng thôn Bình Quang, xã Cẩm Bình, 26 hộ dân cũng phấn khởi khi địa phương liên kết với doanh nghiệp đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Đây là năm thứ hai người dân thôn Bình Quang ứng dụng công nghệ mạ khay máy cấy để sản xuất lúa hữu cơ nên bà con nông dân hiểu rất rõ những ưu việt công nghệ này mang lại. Không chỉ giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất và chất lượng, mạ khay máy cấy sản xuất lúa hữu cơ còn giúp người dân từng bước cải tạo môi trường và góp phần bảo vệ sức khỏe người sản xuất, tiêu dùng.

Ứng dụng công nghệ mạ khay máy cấy sản xuất lúa hữu cơ ở Cẩm Xuyên

Cánh đồng Bàu Láng của thôn 4, xã Cẩm Quang lúa cấy thẳng hàng rất đẹp mắt

Tại xã Cẩm Quang (Cẩm Xuyên), vụ xuân này, địa phương cũng đưa máy cấy về đồng ruộng thôn 4 để sản xuất thí điểm 12 ha lúa hữu cơ. Trên cánh đồng ô thửa lớn, 4 máy cấy Kubota của Nhật Bản chạy băng băng nhưng vẫn đảm bảo khoảng cách cấy. Máy chạy đến đâu, lúa được lên hàng thẳng tắp đến đó. Thời tiết mưa nhưng không làm ảnh hưởng tiến độ cấy. Chỉ trong 2 ngày, cánh đồng Bàu Láng rộng 12 ha của thôn 4, xã Cẩm Quang đã được cấy xong.

Ông Nguyễn Huy Hiển (thôn 4, xã Cẩm Quang, Cẩm Xuyên) chia sẻ: “Ứng dụng mạ khay máy cấy, chúng tôi không còn cảnh vãi lúa giống như trước đây và cũng không phải lo tỉa dặm. Lúa cấy lên thẳng hàng, theo khóm, đẹp hơn cấy tay. Không chỉ giảm được ngày công, giải phóng sức lao động, máy cấy còn giúp chúng tôi tiết kiệm giống hơn so với gieo thẳng. Bước đầu triển khai thí điểm, chúng tôi được huyện hỗ trợ 50% mạ khay máy cấy và 50% phân bón hữu cơ vi sinh. Tính ra một sào, người dân chỉ phải bỏ 200.000 đồng để hoàn thành gieo cấy”.

Ứng dụng công nghệ mạ khay máy cấy sản xuất lúa hữu cơ ở Cẩm Xuyên

Mạ khay máy cấy giúp nông dân giải phóng sức lao động, giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất

Theo đề án sản xuất vụ xuân năm 2024, huyện Cẩm Xuyên liên kết với Công ty CP Hòa Lạc IEC (Thạch Hà) triển khai mở rộng mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ sử dụng công nghệ mạ khay máy cấy với quy mô diện tích 85 ha; tập trung tại các xã: Cẩm Bình, Yên Hòa, Nam Phúc Thăng, Cẩm Quang, Cẩm Thành, thị trấn Cẩm Xuyên.

Ông Lê Ngọc Hà – Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: "Với mô hình liên kết với doanh nghiệp để sản xuất lúa theo hướng hữu cơ sử dụng công nghệ mạ khay máy cấy, người dân được cung cấp đầu vào sản xuất và bao tiêu đầu ra sản phẩm. Qua đó, huyện đẩy mạnh cơ giới hóa vào gieo cấy để giúp nông dân giải phóng sức lao động, giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất, tạo ra sản phẩm lúa gạo hữu cơ chất lượng cao để phục vụ thị trường. Cùng với triển khai mô hình sản xuất lúa hữu cơ, thời điểm này, địa phương cũng tập trung chỉ đạo quyết liệt, đẩy mạnh sản xuất, phấn đấu gieo cấy 9.560,1 ha lúa vụ xuân năm 2024".

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.