Miệng nói, tay làm, bí thư chi bộ Trương Thị Loan đã trở thành người thắp lửa các phong trào ở thôn Phúc Sơn
Năm 2003, chị Trương Thị Loan được cán bộ, đảng viên tín nhiệm bầu là bí thư thôn 7 và sau đó 1 năm, chị kiêm nhiệm luôn vị trí thôn trưởng. Để làm tốt một lúc 2 vai với người phụ nữ là điều không dễ. “Tôi nghĩ rằng, làm người cán bộ muốn được dân tin và làm theo, trước hết bản thân phải là người gương mẫu, biết hy sinh lợi ích bản thân. Ngoài việc sắp xếp thời gian hoàn thành việc gia đình, tôi đã toàn tâm, toàn ý chăm lo cho các hoạt động thôn xóm” - chị Loan cho hay.
Nhà văn hóa thôn Phúc Sơn được đầu tư nâng cấp đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, sinh hoạt cho người dân
15 năm lặng lẽ “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, hình ảnh và việc làm của người bí thư, thôn trưởng đã để lại dấu ấn trong phong trào hoạt động của thôn, nhất là trong các công trình. Đặc biệt, năm 2017, khi thôn 7 và thôn 8 sáp nhập với tên gọi thôn Phúc Sơn và được lựa chọn xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, áp lực công việc càng đè nặng lên chị Loan, nhất là việc tuyên truyền "thông tư tưởng" bà con.
Cùng với tuyên truyền vận động, chị Loan đã chọn những phần việc, công trình thiết yếu như: củng cố cơ sở vật chất văn hóa, xây dựng kênh mương, mở rộng đường, cải tạo vườn tạp... để người dân chung sức.
Tuyến kênh mương cứng do dân tự thiết kế, giám sát và thi công đã tiết kiệm đáng kể về kinh phí
Chưa huy động được nguồn, chị Loan bỏ tiền nhà ra thuê máy về san ủi vườn tạp cho bà con. Nhà có máy trộn bê tông để chồng làm nghề, chị cũng sử dụng làm đường bê tông, kênh mương, xây dựng nhà văn hóa thôn... Bản thân chị cũng là người tích cực tham gia bốc vác xi măng, vật liệu xây dựng để làm công trình tập thể.
Chị Lương Thị Thiềm (tổ liên gia số 6) cho biết: “Chị Loan là người năng nổ, mọi việc đều đứng mũi chịu sào, nhận về mình phần khó. Tôi còn nhớ lần đổ đường bê tông vào hội quán, sau khi trộn xi, trời đổ mưa nên người dân tản hết chỉ còn tôi với chị Loan và một tổ trưởng tổ liên gia ở lại. Tiếc 1,5 tấn xi đã trộn, chị Loan động viên chúng tôi đỏ đèn, 3 chị em hì hục đến 10h đêm để đổ xong đoạn cuối cùng của tuyến đường. Sau lần ấy, người dân càng nể trọng chị, bà con càng thêm gánh vác, lo chung”.
Chúng tôi cũng được người dân nơi đây phấn khởi "khoe" về nỗi gian nan khi làm nhà văn hóa thôn trên vùng đất trũng cùng công trình sân bóng trị giá 30 triệu đồng. Đáng nói, sân bóng ấy do chị Loan khởi xướng, cán bộ, đảng viên tham gia ngày công, góp tiền. Ông Nguyễn Hữu Tầm - đảng viên chi bộ thôn Phúc Sơn cho biết: “Ngày làm sân bóng là ngày rất vui của đảng viên chúng tôi. Ngay cả những đảng viên cao tuổi cũng tham gia từng phần việc tùy theo sức của mình”.
Hơn 1 năm sau sáp nhập, thôn Phúc Sơn đang chuyển mình để thành khu dân cư kiểu mẫu. Thành quả đó được làm nên từ sức mạnh đồng thuận của nhân dân mà bí thư chi bộ, thôn trưởng Trương Thị Loan là "người thắp lửa". Sự đồng thuận ấy thể hiện rõ trong công trình 600m kênh mương nội đồng vừa hoàn thành do nhân dân bỏ công sức, tiền của, tự thiết kế và thi công. “Với việc tự thiết kế và thi công, chúng tôi cũng đã tiết kiệm được cả trăm triệu đồng so với giá cả đi thuê mà công trình lại đảm bảo chất lượng” - Chị Loan cho biết.