“Ở đâu thì các anh cũng nằm lại trên Tổ quốc mình”

“Ở đâu thì các anh cũng nằm lại trên Tổ quốc mình”

“Ở đâu thì các anh cũng nằm lại trên Tổ quốc mình”

Năm 1964, anh Trương Quang Dung (xã Hộ Độ - Lộc Hà) nhập ngũ, 4 năm sau, người em trai Trương Quang Phư cũng nối gót anh, theo tiếng gọi của Tổ quốc ra chiến trường. Cô Thâm và đông đảo người làng đã tiễn chân 2 anh. Những cuộc chia ly đầy lưu luyến đó như khắc sâu trong ký ức cô Thâm. Bởi lúc đó, đối với cô các anh là những người anh gần gũi trong đời sống thường nhật mà cô rất quý mến.

Nhưng rồi cuộc chiến tranh ác liệt đã mãi mãi mang 2 anh đi xa, để lại trong lòng người em gái nhỏ niềm thương nhớ, tiếc nuối khôn nguôi. Những lần lại qua thăm hỏi gia đình trong những năm tháng sau ngày 2 anh hy sinh đã đưa cô Thâm gần gũi với người em trai Trương Quang Thoái (nguyên giáo viên Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi - Lộc Hà) và kết hôn với anh Thoái, trở thành em dâu của 2 liệt sĩ.

“Ở đâu thì các anh cũng nằm lại trên Tổ quốc mình”

Kết hôn vào những năm đất nước vừa giải phóng, lúc bấy giờ dù đã có ý định đi tìm mộ của 2 anh nhưng do đời sống quá khó khăn, cô Thâm và gia đình chưa thực hiện được. Nhiều lần chứng kiến cảnh bố mẹ chồng buồn thương con mà lòng cô như thắt lại. Mãi cho đến năm 1979, lúc cô là cán bộ Nhà máy Muối II - Nghệ Tĩnh, trong một lần đi công tác ở Nha Trang, chứng kiến công nhân khai phá công trường muối và phát hiện nhiều hài cốt liệt sĩ vô danh, cô mới quyết tâm lên đường tìm mộ 2 anh.

Ròng rã suốt nhiều năm trời, việc tìm kiếm vẫn vô vọng bởi tấm giấy báo tử chỉ ghi chung chung về chiến trường 2 anh đã hy sinh. Đến năm 1996, bố chồng mất, năm 2002, mẹ chồng cũng qua đời, tâm nguyện chưa thành khiến lòng cô càng day dứt. Năm 2008, khi con cái đã trưởng thành, cô Thâm dành nhiều thời gian hơn cho việc tìm kiếm. Bắt đầu từ những thông tin ít ỏi, không bỏ qua một manh mối nào, nhưng sau một thời gian, việc tìm kiếm của cô Thâm vẫn rất mơ hồ.

“Ở đâu thì các anh cũng nằm lại trên Tổ quốc mình”

Từ thông tin về trường hợp của người anh trai cả - liệt sĩ Trương Quang Dung, cả tiểu đội 11 người cùng hy sinh trong một trận đánh, nhiều năm liền, cô Thâm đã đi khắp các nghĩa trang liệt sĩ ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… để tìm kiếm.

Riêng về phần mộ anh Trương Quang Phư, sau khi vô vọng với những cuộc tìm kiếm ở các nghĩa trang liệt sĩ dọc theo chiến trường Trường Sơn, cô Thâm tìm lên Tây Nguyên. Phán đoán rằng, nếu anh hy sinh ở cao nguyên Boloven (Lào) thì chắc chắn hài cốt sẽ được quy tập ở Kon Tum, cô lại khăn gói vào Kon Tum. Ròng rã cả tháng trời đi tìm ở các nghĩa trang nhưng rồi cô lại thất vọng trở về.

Do chồng sức khỏe yếu nên ngoài một số chuyến đi có sự hỗ trợ của các con, còn lại hầu như cô Thâm chỉ có một mình. Cô kể lại: “Mỗi lần đi đến các nghĩa trang, tôi đều kính cẩn thắp hương lên các ngôi mộ, trong lòng thầm khấn nguyện các anh có biết anh Dung, anh Phư ở đâu hãy chỉ đường cho tôi. Tôi cứ mải miết như thế, năm 2-3 chuyến đi nhưng giữa hàng ngàn bia mộ có tên lẫn chưa có tên đều không có chút manh mối nào”.

“Ở đâu thì các anh cũng nằm lại trên Tổ quốc mình”

Tuy mục đích của bản thân chưa đạt được nhưng từ trong những cuộc tìm kiếm triền miên đó, cô Thâm đã có thêm một việc làm vô cùng ý nghĩa. Cô ghi chép hết tất cả những thông tin về các liệt sĩ quê Hà Tĩnh ở các nghĩa trang mà mình đã đến vào một cuốn sổ để khi về quê có thể giúp đỡ những thân nhân liệt sĩ khác. Cô Thâm đã đánh máy những thông tin mà cô ghi lại được rồi gửi đến các địa phương, nhờ chính quyền thông tin đến người thân của các liệt sĩ.

Đến nay, cô Thâm đã cập nhật được thông tin 504 mộ phần của các liệt sĩ quê Hà Tĩnh ở các nghĩa trang Đông Nam Bộ. Nhiều người nghe tin cũng đã tìm đến cô để tìm kiếm thông tin, nhờ cô tư vấn thủ tục, quy trình để đưa các anh về. Hơn tất cả những vật chất quý giá, cuốn sổ đó đối với cô là cả một gia tài. Ở đó chan chứa tình yêu thương, sự biết ơn, trân trọng và lấp lánh niềm hy vọng. Cô mong rằng, những người cha, người mẹ, những thân nhân khác sẽ sớm tìm được người thân của mình.

“Ở đâu thì các anh cũng nằm lại trên Tổ quốc mình”

“Đi tìm một người không rõ địa chỉ đã khó, đằng này, tôi đi tìm hai anh hy sinh ở hai chiến trường khác nhau. Năm 2016, sau rất nhiều chuyến đi không có kết quả, tôi chuyển hướng sang cậy nhờ mạng internet. Tôi đã học cách tìm kiếm thông tin trên mạng, lập facebook để dò tìm đồng đội cũ của các anh. Dù rất mênh mông nhưng internet lại cho tôi một niềm hy vọng mới” - cô Thâm chia sẻ.

Và rồi sau nhiều ngày vô vọng, một ngày đầu tháng 7 năm 2016, trái tim cô Thâm bỗng đập dồn dập khi bắt gặp cụm từ “ấp Trại Đèn” trong một bài đăng bằng tiếng Anh. Nhận ra đó chính là manh mối của một trận đánh từ trích lục hồ sơ liệt sĩ mà anh Dung đã tham gia, ngay lập tức cô lưu lại trang thông tin và đi tìm người nhờ dịch ra tiếng Việt. Cô Thâm vỡ òa sung sướng khi văn bản tiếng Anh đó là của một cựu binh Mỹ mô tả lại trận đánh trong đó có 11 chiến sĩ Việt Nam hy sinh. Đối chiếu thời gian hy sinh trong giấy báo tử anh và những thông tin còn sót lại từ đơn vị anh Dung chiến đấu, cô xác định đây chính là nơi anh mình ngã xuống. Vậy là cô lại tất tả khăn gói vào tỉnh Tây Ninh.

“Ở đâu thì các anh cũng nằm lại trên Tổ quốc mình”

Vợ chồng cô Thâm, thầy Thoái và Ban lãnh đạo xã Hộ Độ (Lộc Hà) dâng hương tại Đài tưởng niệm Liệt sĩ xã.

Nhưng một lần nữa, ý chí của cô lại bị thử thách. Ấp Trại Đèn là địa danh cũ, không còn ai biết nó ở đâu, ngay cả Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh cũng không có thông tin về địa danh này. Theo mô tả của cựu binh Mỹ, cô tìm đến địa điểm trên bản đồ nhưng lại thất vọng vì nơi cô đến là hồ Dầu Tiếng. Đứng trước mặt hồ mênh mông phía bên kia là đất nước bạn Campuchia, cô đã òa khóc nhưng chưa thôi hy vọng. Cô chuyển hướng sang cậy nhờ Bộ Tư lệnh Quân khu 7. Thật may mắn khi tại đây, hồ sơ về trận đánh ấp Trại Đèn ngày 16/11/1966 với đầy đủ danh sách 11 chiến sĩ hy sinh, trong đó có anh Dung được ghi lại một cách rõ ràng.

“Giây phút đó tim như thắt lại, tôi tưởng mình đã có thể khóc nhưng nước mắt lại trôi ngược vào trong. Tôi lập cập gọi điện thoại về nhà. Tất cả đều nghẹn lại trong niềm hạnh phúc. Tôi đã lập tức đến Nghĩa trang Dương Minh Châu (Tây Ninh), rưng rưng đi tìm anh tôi giữa hàng ngàn ngôi mộ. Cuối cùng, tôi đã thấy tấm bia đá có khắc tên anh tôi. Tôi quỳ sụp xuống gọi tên bố mẹ chồng, rồi tấm tức khóc” - cô Thâm nhớ lại.

“Ở đâu thì các anh cũng nằm lại trên Tổ quốc mình”

Mộ Liệt sĩ Trương Quang Dung cùng đồng đội ở Nghĩa trang Dương Minh Châu (Tây Ninh). Ảnh gia đình cung cấp.

Sau ngày đó, cô Thâm và gia đình đã tiến hành các thủ tục để được di dời mộ anh Dung, đưa anh về quê. Tuy nhiên, ý nguyện đó đã không thành khi hài cốt của anh Dung đã hòa lẫn vào đất mẹ… Cô và gia đình đã quyết định không làm bất kỳ thủ tục nào nữa… “Dẫu ở đâu thì các anh cũng nằm lại trên Tổ quốc mình. Và chắc chắn, ở đâu các anh cũng sẽ thấy được sự ấm áp bởi tấm lòng của người thân dành cho mình. 3 năm qua, tôi và gia đình vẫn đi về dâng hương lên mộ anh ở Nghĩa trang Dương Minh Châu và vẫn miệt mài tìm kiếm, không thôi hy vọng tìm được mộ anh Phư” - cô Thâm trò chuyện.

thiết kế: huy tùng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast