Thức cùng những cánh rừng giữa mùa nắng nóng ở Hà Tĩnh
Thức cùng những cánh rừng giữa mùa nắng nóng ở Hà Tĩnh

..................

Thức cùng những cánh rừng giữa mùa nắng nóng ở Hà Tĩnh

Thức cùng những cánh rừng giữa mùa nắng nóng ở Hà Tĩnh

Khi những đợt nắng nóng như đổ lửa tràn về dải đất khô hạn Hà Tĩnh, anh Trần Quốc Sơn (SN 1970), phụ trách Trạm Quản lý và bảo vệ rừng Cổng Khánh, thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh (phường Đậu Liêu - TX Hồng Lĩnh và xã Xuân Lĩnh - Nghi Xuân) lại bắt đầu bước vào đợt cao điểm triền miên thức trắng đêm canh lửa giữ rừng.

Hẹn gặp anh vào buổi chiều của một ngày nắng gắt, nghe anh nói đang ở chòi canh lửa, tôi dõi mắt nhìn lên những ngọn đồi cao nhất tìm kiếm và không khỏi ngạc nhiên bởi, “trạm gác bà hỏa” lại nằm trên cánh đồng hẹp giữa thung lũng vàng ươm mùa lúa chín.

Anh Sơn cho biết: “Trước đây, sau khi khảo sát nhiều điểm, chúng tôi mới chọn được chỗ này để làm chòi canh. Bởi đây là vị trí có thể quan sát bao quát nhất toàn bộ cánh rừng. Đặc biệt về ban đêm mùa nắng nóng, việc đứng trên chòi sẽ dễ phát hiện ra các điểm phát lửa từ phía sau những quả đồi hay khu vực các nghĩa địa, nơi người dân thường thắp hương, nến vào mồng một, ngày rằm vô ý có thể xẩy ra hỏa hoạn…”.

Thức cùng những cánh rừng giữa mùa nắng nóng ở Hà Tĩnh

Miệng nói, đôi mắt anh vẫn không ngừng dõi về phía những điểm rừng có nguy cơ phát lửa. Ngắm dáng hình khá nhỏ bé nh­­ưng đầy rắn rỏi, đặc biệt trên gương mặt sạm đen vì nắng, đôi mắt trong của anh như thu hết “dữ liệu” của đại ngàn, tôi liên tưởng đến chiếc camera an ninh di động đã canh giữ 1.763 ha cụm rừng Cổng Khánh suốt hơn 30 năm qua.

Năm 1988, sau khi tốt nghiệp THPT, anh Trần Quốc Sơn theo học tại Trường Công nhân Kỹ thuật lâm nghiệp Trung ương (huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn). Từ năm 1990, xong khóa học, anh trở về bắt đầu với công việc trồng và giữ rừng tại Lâm trường Hồng Lĩnh. Theo anh, thời điểm đó mặc dù có nhiều lựa chọn nhưng anh vẫn quyết tâm theo nghiệp của bố mẹ mình. Bởi, từ nhỏ anh đã gắn bó và dành tình yêu cho rừng.

Thức cùng những cánh rừng giữa mùa nắng nóng ở Hà Tĩnh

Năm 1998, sau nhiều thành tích trồng và bảo vệ rừng, anh Trần Quốc Sơn được đề bạt làm Phó Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Cổng Khánh. Từ năm 2012 tới nay, sau khi trạm trưởng tiền nhiệm nghỉ hưu (trạm chỉ còn 2 cán bộ, nhân viên gồm anh Sơn và một công nhân hợp đồng khác nên không đủ cơ cấu chức danh trưởng, phó trạm), anh được giao chịu trách nhiệm chính quản lý và bảo vệ khu vực rừng phòng hộ này.

Thức cùng những cánh rừng giữa mùa nắng nóng ở Hà Tĩnh

Điều đặc biệt là trước khi nhận trách nhiệm giữ rừng, anh Trần Quốc Sơn là một người trồng rừng có thành tích đáng nể. Theo anh vào rừng tuần tra, chứng kiến khu rừng xanh tươi có tuổi đời hơn 20 năm với những thân keo, thân thông đã lớn đủ một vòng người ôm, tôi càng thêm cảm phục công sức mà con người nhỏ bé này tạo ra cho cuộc sống.

Anh Sơn bày tỏ: “Trồng rừng rồi bảo vệ và chăm sóc khu rừng, với tôi không có niềm hạnh phúc nào bằng được chứng kiến những chồi xanh lớn lên từng ngày. Tôi biết công việc của mình dù nhỏ bé nhưng đang góp phần tạo nên giá trị cho cuộc sống”.

Được biết, từ năm 1990-1998, anh Trần Quốc Sơn đã trồng được hơn 50 ha rừng theo Dự án 327 và 661. Hiện nay, hàng trăm ngàn cây thông và keo trưởng thành đã tạo nên một vệt rừng rộng lớn xanh tươi và bền vững. Thời điểm đó, để trồng được diện tích rừng như vậy anh gặp rất nhiều khó khăn vì con cái còn nhỏ, đồng lương công nhân eo hẹp… Tuy nhiên, mong muốn góp sức phủ xanh vùng đồi trọc bị xói mòn bởi mưa lũ, anh đã thuyết phục vợ cùng mình vượt lên khó khăn để lấy lại màu xanh cho núi đồi.

Thức cùng những cánh rừng giữa mùa nắng nóng ở Hà Tĩnh

Dù đứng trên ngọn đồi cao và phóng tầm mắt ra xa nhất, tôi vẫn không thể bao quát hết cánh rừng rộng lớn 1.763 ha, thuộc các tiểu khu 95A, 121, 122A, 122B núi Hồng Lĩnh, do Trạm Quản lý và bảo vệ rừng Cổng Khánh (Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh) phụ trách. Vậy nhưng, gần 10 năm qua, cánh rừng bạt ngàn màu xanh này chưa xẩy ra vụ hỏa hoạn nào gây thiệt hại. Phó Trưởng ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Hồng Lĩnh Nguyễn Hải Vân cho biết: “Diện tích rừng phòng hộ Hồng Lĩnh khoảng hơn 10.000 ha, được giao cho 5 trạm quản lý. Tuy diện tích rừng khá lớn nhưng trong suốt nhiều năm qua, Trạm Quản lý và bảo vệ rừng Cổng Khánh là một trong những đơn vị thực hiện tốt nhất công tác bảo vệ rừng. Có được điều đó là nhờ công rất lớn của anh Trần Quốc Sơn, người phụ trách chính của trạm”.

Thức cùng những cánh rừng giữa mùa nắng nóng ở Hà Tĩnh

Thức cùng những cánh rừng giữa mùa nắng nóng ở Hà Tĩnh

Khi chúng tôi hỏi về bí quyết ngăn lửa, giữ rừng, anh Trần Quốc Sơn bày tỏ: “Tôi luôn nghĩ rằng những cánh rừng do chúng tôi quản lý nhiều năm không xẩy ra hỏa hoạn, công lao đầu tiên là của người dân. Nếu không có sự chung sức đồng lòng của mỗi người và chính quyền các địa phương trong việc bảo vệ rừng thì người chịu trách nhiệm quản lý và bảo vệ như chúng tôi có tài mấy cũng không thể làm nổi”.

Câu nói của anh Sơn khiến tôi liên tưởng đến rất nhiều vụ cháy rừng ở Hà Tĩnh trong thời gian qua, gây thiệt hại hàng chục ha rừng ở nhiều địa phương, tất cả đều xuất phát từ việc người dân thiếu ý thức trong bảo vệ rừng.

Thức cùng những cánh rừng giữa mùa nắng nóng ở Hà Tĩnh

Anh Sơn tuyên truyền ký cam kết phòng cháy rừng đến từng hộ dân.

Đối với cụm rừng Cổng Khánh, diện tích rộng, địa bàn phức tạp, bao gồm nhiều ngọn đồi trập trùng phân bố trên 2 phường, xã của 2 huyện, thị… nên việc quản lý gặp rất nhiều khó khăn. Nhất là dân cư địa phương hầu hết sống liền kề với rừng. Để người người có ý thức cùng chính quyền bảo vệ rừng là rất khó. Và những gì Trạm Quản lý và bảo vệ rừng Cổng Khánh làm được trong suốt nhiều năm qua đã chứng minh vai trò của người quản rừng ở đây đặc biệt quan trọng. Anh Đinh Trọng Lĩnh, người dân xã Xuân Lĩnh (Nghi Xuân) chia sẻ: “Người bảo vệ rừng - anh Trần Quốc Sơn đã không chỉ tuyên truyền sâu sát tới từng người về lợi ích của rừng mà còn lăn xả, hết lòng lo lắng cho sự an nguy của mỗi người dân khi có sự cố, vì vậy chúng tôi ai cũng tin, cũng hiểu và làm theo anh ấy”.

Thức cùng những cánh rừng giữa mùa nắng nóng ở Hà Tĩnh

Cho đến bây giờ, người dân xã Xuân Lĩnh vẫn còn nhắc mãi vụ hỏa hoạn vào mùa hè năm 2012 và hành động quả cảm lao vào đám cháy kịp thời dập lửa trước khi kịp bén vào nhà các hộ dân của anh Trần Quốc Sơn. Đó là một ngày tháng 6/2012, sau những ngày nắng nóng đỉnh điểm, vào khoảng 13 h trưa, một đám lửa bùng phát ở khu rừng ngay sát nhà dân ở thôn 2. Lúc đó, anh Sơn đang đi tuần tra và là người đầu tiên phát hiện ra. Sau khi thông báo cho chính quyền và người dân, anh nhanh chóng tiếp cận đám cháy. Ngọn lửa gặp rừng khô bùng lên dữ dội, tiếng loa, tiếng kẻng vang lên dồn dập, lực lượng chức năng và người dân rầm rập kéo đến nhưng trước ngọn lửa hung dữ, phần lớn đều chần chừ.

Giữa lúc đó, anh Trần Quốc Sơn đã đứng lên quả quyết: “Bà con đừng sợ, lửa mạnh nhưng nếu chúng ta cùng hợp sức thì sẽ ngăn được “giặc lửa”, bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhân dân. Chúng ta nhất định phải nhanh chóng cắt đường băng, quyết không để lửa cháy lan sang nhà bà con”. Nói xong, anh Sơn lao vào rừng cắt đường băng ngăn lửa. Thấy vậy, nhiều người lớn tuổi xúc động hô hào con cháu cùng xông lên. Chỉ sau 1 giờ, bằng kinh nghiệm của mình và sự đồng lòng của bà con nhân dân, đám cháy dần được khoanh vùng, cô lập, ngọn lửa hung hãn cuối cùng cũng bị dập tắt. Vụ hỏa hoạn khiến anh Sơn bị cháy cả một vạt áo, bỏng khá nặng ở cánh tay nhưng anh vẫn cảm thấy hạnh phúc khi rừng thiệt hại không đáng kể, đặc biệt đã kịp thời ngăn lửa cháy vào nhà dân.

Thức cùng những cánh rừng giữa mùa nắng nóng ở Hà Tĩnh

Anh Sơn nhắc nhở bà con đến hóng mát ở suối khe bạc phường Đậu Liêu - TX Hồng Lĩnh đảm bảo an ninh, tránh tụ tập nấu nướng trong rừng có thể xảy ra hỏa hoạn.

Anh Nguyễn Văn Lợi, Tổ trưởng tổ dân phố 8 (phường Đậu Liêu, TX Hồng Lĩnh) cho hay: “Vào mùa nắng nóng này, nếu muốn gặp anh Trần Quốc Sơn rất khó. Bất kể ngày hay đêm, anh thường di chuyển liên tục như con thoi giữa các khu rừng hoặc đến từng hộ dân, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn để nhắc nhở, vận động mọi người chung sức phòng cháy. Muốn tìm anh chỉ có cách đến chòi canh lửa và chịu khó đợi anh ở “ngôi nhà” mà anh gắn bó không rời trong mùa cao điểm để canh giặc lửa”.

.............

Thức cùng những cánh rừng giữa mùa nắng nóng ở Hà Tĩnh

Anh Trần Quốc Sơn (thứ 2 hàng đầu, từ phải qua) được Đảng bộ TX Hồng Lĩnh vinh danh điển hình trong học tập và làm theo Bác. Ảnh: Giang Nam

Hơn 30 năm dành trọn tâm huyết cho công việc trồng và bảo vệ rừng, anh Trần Quốc Sơn đã nhiều lần vinh dự nhận được nhiều phần thưởng, danh hiệu, bằng khen của các cấp, ngành. Đặc biệt, trong dịp Đảng bộ TX Hồng Lĩnh sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/W của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2021, anh Trần Quốc Sơn vinh dự được tuyên dương điển hình tiên tiến học và làm theo Bác. “Với tôi, mỗi khoảnh rừng đều quý giá như những đứa con và mình cần kiên trì, dày công chăm sóc. Để giữ rừng, tôi học Bác cách gần gũi Nhân dân, nói cho bà con hiểu đó là tài sản chung, rừng còn quý hơn vàng và bằng những việc làm hàng ngày của mình vận động cộng đồng cùng chung tay giữ rừng”- anh Trần Quốc Sơn chia sẻ.

Thức cùng những cánh rừng giữa mùa nắng nóng ở Hà Tĩnh

Những ngày này, khi những đợt nắng gay gắt bắt đầu đổ xuống miền Trung, bước dưới những rặng thông xanh của ngàn Hống, hít thở không khí trong lành, mát mẻ tỏa ra từ những tán cây, tôi càng thêm thấm thía giá trị của rừng và công sức của những người trồng rừng, bảo vệ màu xanh của đại ngàn như anh Trần Quốc Sơn.

thiết kế: huy tùng

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast