Mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua đã khiến mực nước sông Ngàn Sâu lên nhanh (vào lúc 16 giờ ngày 18/10 ở mức BĐII), khiến nhiều xã hạ huyện Vũ Quang ngập sâu, bị chia cắt cục bộ. Trong ảnh: Người dân thôn 2 (xã Đức Bồng) dùng thuyền di chuyển do mực nước sông dâng cao.
Nằm sát sông Ngàn Sâu nên người dân xã Đức Bồng đã quen cảnh sống chung với lũ
Tại “rốn lũ” Đức Bồng, nước lũ từ sông Ngàn Sâu lên nhanh đã tràn vào nhiều khu dân cư ở thôn 1 và thôn 2 - vùng trũng thấp nhất của xã. Các phương án ứng phó với mưa lũ đã được người dân nơi đây gấp rút triển khai. Trong ảnh: Gia đình ông Nguyễn Xuân Bính (thôn 2, xã Đức Bồng) huy động lực lượng làm bè tránh lũ.
Ông Nguyễn Xuân Bính cho biết: "Gia đình tôi cũng như các hộ dân khác ở đây đã quen với việc chạy lũ rồi".
Lực lượng chức năng xã Đức Bồng chuẩn bị thuyền cứu hộ, sẵn sàng ứng phó khi lũ đến.
Tại xã Đức Hương, người dân thôn Hương Thọ, Hương Đại, Hương Đồng cũng đang hối hả dựng bè bằng thùng phi. Trong ảnh: Gia đình ông Nguyễn Văn Bắc (68 tuổi, trú thôn Hương Thọ) đang làm bè tránh lũ.
Người dân cũng chủ động làm thêm các bè chuối.
...và chuẩn bị áo phao để dùng trong trường hợp khẩn cấp.
Người dân chủ động gia cố gác xép, chạn, để đưa các vật dụng cần thiết lên, tránh nước dâng gây ngập. Trong ảnh: Gia đình chị Nguyễn Thị Lan (50 tuổi, trú thôn 1, xã Đức Bồng) gia cố lại gác xép để đưa tài sản lên cao.
Thôn 1 và thôn 2 với gần 200 hộ thường xuyên bị ngập lụt. Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, xã đã chỉ đạo người dân di dời tài sản lên cao, chuẩn bị thuyền bè để đảm bảo an toàn khi lũ đến bất ngờ. Đồng thời huy động các lực lượng quân sự, công an, đoàn thanh niên... khẩn trương rà soát lại các điểm xung yếu có nguy cơ ngập úng; xây dựng phương án sơ tán dân khi trong trường hợp khẩn cấp
Tại xã Đức Liên, trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, người dân địa phương đã chủ động bảo vệ tài sản gia đình bằng cách thu gom, di chuyển toàn bộ phương tiện, vật dụng lên vị trí cao ráo để tránh thiệt hại. Bên cạnh đó, sơ tán người già, trẻ em đến vị trí an toàn.
Có kinh nghiệm ứng phó với lũ, nhiều người dân nhận định tối nay nước sẽ ngập sâu, đặc biệt nếu mưa lớn tiếp tục kéo dài thêm ít ngày nữa thì toàn bộ khu vực hạ lưu sông Ngàn Sâu sẽ chìm trong nước.
Ông Nguyễn Văn Quyền (thôn Hội Trung) cho biết: "Đợt mưa lũ này nước sông lên rất nhanh, chúng tôi phải khẩn trương kê cao đồ đạc, một số phải gửi nhờ nhà họ hàng. Còn các cháu nhỏ, tôi đã sơ tán đến ở nhà người quen cho yên tâm".
Tại các công trình nhà văn hóa, trạm y tế..., lực lượng chức năng và người dân đã kê tài sản lên cao. Trong ảnh: Tại nhà văn hóa thôn 2 (xã Đức Bồng).
Bên cạnh di dời tài sản, người dân các xã Đức Bồng, Đức Liên, Đức Hương cũng chuẩn bị các nhu yếu phẩm như: gạo, mì tôm, nước sạch, thuốc... để dùng trong những ngày lũ đến. Trong ảnh: Bà Nguyễn Thị Ninh (63 tuổi, trú thôn Hội Trung, xã Đức Liên) đang chuẩn bị các nhu yếu phẩm quan trọng.
Đang nhanh tay đong những ống gạo vào túi bóng, bà Trần Thị Đính (80 tuổi, trú thôn 1, xã Đức Bồng) cho biết: "Mưa lũ các thôn dễ bị chia cắt, để những ngày tới không phải lo lắng về lương thực, hai ngày nay tôi đã lo chuẩn bị gạo, mì tôm... và sắp xếp lại đồ đạc trong nhà để con cháu ở xa không phải lo lắng".
Bên cạnh di dời tài sản, người dân các xã nằm sát ven sông Ngàn Sâu cũng khẩn trương đưa vật nuôi đi gửi cho các hộ dân ở các thôn vùng cao.
...hoặc đưa vật nuôi lên nhà tránh lũ. Trong ảnh: Ông Nguyễn Văn Bé (58 tuổi, trú thôn Hội Trung, xã Đức Liên) đưa bò lên nhà tránh lũ.
Các loại thức ăn cho bò như rơm rạ...
...chuối cũng được người dân chuẩn bị cẩn thận, đảm bảo trong những ngày tới không để trâu, bò bị đói. Chị Nguyễn Thị Lan (thôn 2, xã Đức Bồng) cho biết: "Những năm trước, mưa lũ ập đến vào ban đêm, gia đình tôi chỉ kịp mang những tài sản có giá trị lên cao, còn thức ăn chăn nuôi và đàn gia súc tôi “trở tay không kịp". Mùa lũ năm nay, bên cạnh chuyển các tài sản có giá trị lên cao, việc bảo quản nguồn thức ăn cho vật nuôi như rơm rạ, ngô.. cũng được chúng tôi cất giữ”.
Ông Nguyễn Trường Thọ - Trường phòng NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Vũ Quang cho biết: "Huyện yêu cầu các địa phương, đơn vị chuẩn bị và triển khai phương án đề phòng lũ lụt, ngập úng và sạt lở; các xã hạ huyện như: Đức Liên, Đức Hương, Đức Bồng, cần chủ động các phương án ứng phó, di dời dân, tài sản, nhất là vùng có thể xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất... nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra. Đối với những thôn bị cô lập, các địa phương cần kiểm tra các điều kiện đảm bảo, hướng dẫn, cắm biển báo và có các biện pháp cảnh báo giao thông tại các khu vực, tuyến đường bị ngập để đảm bảo an toàn cho người dân". |