O Duyễn "thắp lửa" dân ca ví, giặm nơi làng biển Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Tuổi ngoài ngũ tuần, giọng hát dân ca của o Duyễn (xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) càng đằm thắm. Không còn quá bận rộn với các cuộc biểu diễn, o Duyễn làm Chủ nhiệm CLB Dân ca ví, giặm của xã và đi dạy hát cho học sinh các trường học trên địa bàn.

O Duyễn “thắp lửa” dân ca ví, giặm nơi làng biển Hà Tĩnh

Các em học sinh Trường Tiểu học Kỳ Phú rất thích được học hát cùng o Duyễn

Từ lúc còn là học sinh tiểu học, cô bé Nguyễn Thị Duyễn (SN 1966) đã thể hiện năng khiếu văn nghệ và sớm tham gia các cuộc biểu diễn trong huyện, trong tỉnh.

“Mẹ và bà ngoại tôi đều yêu dân ca ví, giặm. Bà và mẹ thuộc nhiều làn điệu lời cổ và ru tôi lớn khôn với các điệu giặm ru. Dân ca ví, giặm từ đó đã trở thành một phần máu thịt của tôi. Sau này, một may mắn nữa là gia đình chồng tôi cũng mang tình yêu đặc biệt với dân ca và ủng hộ tôi đi trọn niềm đam mê của mình” - o Duyễn chia sẻ.

O Duyễn “thắp lửa” dân ca ví, giặm nơi làng biển Hà Tĩnh

Gia đình là điểm tựa để nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Duyễn được sống hết mình với dân ca ví, giặm

Lấy chồng nghề y (ông Nguyễn Tiến Lĩnh - Trưởng trạm Y tế xã Kỳ Phú), sinh được 3 đứa con cũng theo nghề của bố, o Duyễn vất vả lao động sản xuất và luôn nhiệt tình đi đầu trong các phong trào địa phương. Được trời phú cho chất giọng trong, đằm thắm, o Duyễn không chỉ là diễn viên dân ca ví, giặm trụ cột của xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh mà còn là thành viên của các đoàn nghệ thuật tỉnh đi biểu diễn ở các hội diễn, liên hoan trong cả nước.

“Mỗi đợt luyện tập, tôi lại được những người đi trước hướng dẫn, hoàn thiện dần. Mỗi chuyến đi là một kỷ niệm không thể quên khi tôi được mang lời ru của mẹ, lời hát ví giặm của bà con làng biển đến khán giả trong tỉnh, trong cả nước. Có lần, trước một buổi biểu diễn khá quan trọng, tôi bị ốm trong khi kịch bản, chương trình đã định sẵn. Cả đoàn hết sức lo lắng sợ tôi bị mất giọng sẽ hỏng mất tiết mục quan trọng. Thế nhưng, đến lúc lên sân khấu, dường như có một sức mạnh vô hình thổi hồn vào điệu ví quê hương. Tôi đã hóa thân hết mình vào trong điệu ví và đã mang phần thưởng về cho đội nhà”, o Duyễn kể.

O Duyễn “thắp lửa” dân ca ví, giặm nơi làng biển Hà Tĩnh

Nghệ nhân Nguyễn Thị Duyễn chia sẻ niềm vui về những tiết mục, chương trình biểu diễn với người mẹ chồng

Trong suốt những năm tháng tuổi trẻ, o Duyễn may mắn nhận được sự hỗ trợ đặc biệt từ mẹ chồng - bà Tô Thị Tuyết, người vợ liệt sỹ. Yêu dân ca ví, giặm, hạnh phúc khi có người con dâu mang lời ca điệu ví quê hương đến khắp muôn phương, bà Tuyết đã làm hậu phương vững chắc, chăm sóc 3 đứa cháu nhỏ cho con dâu yên tâm theo những chuyến luyện tập, biểu diễn dài ngày.

“Mỗi tiết mục, chương trình biểu diễn của tôi ghi lại, cả nhà cùng xem, khen ngợi, động viên tôi cố gắng hơn nữa. Cũng từ tình yêu, sự ủng hộ của mẹ và chồng tôi, các con chúng tôi đều biết hát, thích hát dân ca ví giặm, trong đó anh con trai thứ 2 hát rất hay”- o Duyễn tự hào nói.

O Duyễn “thắp lửa” dân ca ví, giặm nơi làng biển Hà Tĩnh

O Duyễn thường xuyên hướng dẫn các thành viên Hội Người cao tuổi của xã hát dân ca ví, giặm

Ở tuổi ngoài 50, o Duyễn không còn bận rộn nhiều với các cuộc biểu diễn, hội thi nên có thời gian để phát triển phong trào hát dân ca ví, giặm ở địa phương, đặc biệt là trao truyền tình yêu ví, giặm trong thế hệ trẻ. O đã dành nhiều thời gian sưu tầm lời dân ca cổ, trao đổi, tập luyện cùng những người cùng thế hệ, thường biểu diễn các làn điệu với mong muốn thế hệ trẻ được hiểu, tập hát và giữ gìn kho tàng dân ca ví giặm giàu có của ông cha.

Hiện đang làm công tác y tế thôn bản, cộng tác viên dân số nhưng o Duyễn luôn dành thời gian để thực hiện tốt vai trò của Chủ nhiệm CLB Dân ca ví, giặm Kỳ Phú. O Duyễn cũng là điểm tựa về nghiệp vụ cho các hoạt động, chương trình hát dân ca ví giặm trong các tổ chức đoàn thể, đội văn nghệ các thôn ở Kỳ Phú.

Đặc biệt, từ năm 2013 đến nay, o Duyễn chủ động đến đặt vấn đề và bền bỉ tham gia dạy hát dân ca ví, giặm cho học sinh Trường Tiểu học, THCS Kỳ Phú. Ngày hè, o lại động viên các cháu đến học hát ngay tại nhà.

Cô Nguyễn Thanh Thùy - Tổng phụ trách đội trường Trường Tiểu học Kỳ Phú cho biết: "Cứ đến thứ 7 hoặc chủ nhật là o Duyễn lại có mặt ở trường để tập hát dân ca ví, giặm cho học sinh. O còn nhiệt tình tham gia dàn dựng, biểu diễn cùng các cháu trong những chương trình hoạt động ngoại khóa của nhà trường. Nhiều cháu rất mê o hát, rồi dần biết hát, mê hát dân ca ví, giặm từ những buổi dạy học của bà. Trường Tiểu học Kỳ Phú có 2 điểm trường, cách xa khoảng 3km nhưng có nhiều cháu vẫn đều đặn đạp xe đến điểm trường chính để được học hát dân ca ví giặm cùng o Duyễn”.

Với o Duyễn, những ngọn lửa nhỏ mang tình yêu ví, giặm được thắp lên trong thế hệ trẻ ở làng biển là niềm hạnh phúc giản dị cho hành trình đi trọn lời ru của bà, của mẹ.

Với những đóng góp trong phong trào hát dân ca ví, giặm, năm 2013, bà Nguyễn Thị Duyễn được công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian, được nhận Kỷ niệm chương vì sự nghiệp bảo tồn văn nghệ dân gian và là 1 trong 8 cá nhân đang được đề nghị xét tặng danh danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.

Chủ đề Hoa đẹp núi hồng

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Thơm nức mũi món chả rươi Hà Tĩnh

Thơm nức mũi món chả rươi Hà Tĩnh

Chả rươi thơm ngậy, ngoài giòn, trong mềm là tinh túy của ẩm thực vùng đất ven bờ sông Lam. Đến mùa rươi, thưởng thức món đặc sản này mới cảm nhận được hết nét đẹp của văn hóa ẩm thực truyền thống của Hà Tĩnh.
Về sông Phủ thưởng thức đặc sản cua lông

Về sông Phủ thưởng thức đặc sản cua lông

Mô hình thí điểm nuôi cua lông tại phường Đại Nài (TP Hà Tĩnh) bước đầu mang tới nhiều triển vọng, vừa đem lại giá trị kinh tế cao vừa góp phần lan tỏa sản vật quê hương.
Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên”

Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên”

Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên” do Quang Hiếu sưu tầm và biên soạn; đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Hà Tĩnh.
Thành Sen bát cảnh...

Thành Sen bát cảnh...

“Tỉnh thành bát cảnh” - 8 cảnh đẹp, công trình của Thành Sen xưa mang theo những giá trị văn hóa, tinh thần và cả niềm tự hào của người TP Hà Tĩnh qua các thế hệ.
Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Mang câu hò, điệu ví đến muôn phương

Mang câu hò, điệu ví đến muôn phương

Với niềm đam mê mãnh liệt làn điệu ví, giặm, người Hà Tĩnh muôn phương đã không ngừng lan tỏa loại hình nghệ thuật đặc sắc này tới bạn bè trên mọi miền Tổ quốc và bè bạn quốc tế.