Pep Guardiola vs Thomas Tuchel - trận đấu cho đời biến động

Với Pep Guardiola và Thomas Tuchel, trận chung kết Champions League có thể là cuộc đối đầu mà kết quả của nó sẽ khiến cuộc đời cả hai bước sang một trang hoàn toàn mới.

Pep Guardiola vs Thomas Tuchel - trận đấu cho đời biến động

Lúc này, khi tin đồn Mauricio Pochettino có thể rời PSG để trở lại Tottenham rộ lên, khách quan càng cảm thấy việc Tuchel bị sa thải cay đắng đến nhường nào. Hẳn những ai yêu mến chiến lược gia người Đức sẽ cảm thấy hả hê, khi chỉ nửa năm sau, ông đã đưa một CLB London vào chung kết Champions League, tràn trề cơ hội nâng chiếc cúp ở Estadio do Dragao.

Thực tế bóng đá là vậy. Khi bóng đá trở thành một ngành công nghiệp giải trí mà kết quả kinh doanh dựa trên thành tích sân cỏ rất nhiều, đòi hỏi của giới chủ ngày càng khắt khe hơn. Câu chuyện bền vững, chung thủy kiểu Sir Alex Ferguson hay Arsene Wenger ngày xưa đã chỉ còn là cổ tích.

Ngay cả ở Man Utd cũng vậy. CLB đang cố níu giữ nét văn hóa từ thời Sir Alex cũng có thể sẽ sa thải Ole Gunnar Solskjaer trong năm nay nếu như bước vào mùa giải 2021/22 với kết quả bết bát.

Pep Guardiola vs Thomas Tuchel - trận đấu cho đời biến động

Tuchel đã lỡ hẹn với chức vô địch Champions League ở PSG trong mùa giải trước và bị sa thải. Ảnh: Reuters

Tuchel sẽ ở tâm thế khác

Chính Leonardo, Giám đốc Thể thao của PSG, trong một bài phỏng vấn với tạp chí France Football , đã lý giải rất rõ ràng về câu chuyện của những người rời Paris sau trận chung kết năm ngoái.

Với Thiago Silva, Leonardo nhấn mạnh: “Chính tôi đưa cậu ta từ Fluminese sang Milan năm 2009, cho đá cặp với Alessandro Neste và sau 6 tháng đã trở thành trụ cột. Năm 2012, cũng chính tôi đưa cậu ta sang Paris”. Điều này để làm rõ chuyện chia tay Silva không phải vấn đề của cách hành xử. Với Tuchel cũng vậy. Leonardo phủ nhận những mâu thuẫn giữa đôi bên.

“Chúng tôi đánh giá theo từng chu kỳ. Laurent Blanc, 3 mùa. Unai Emery, 2 mùa. Tuchel, 2 mùa rưỡi. Khi nhận thấy các chu kỳ đã chấm dứt và CLB cần thay đổi, chúng tôi buộc phải thay đổi”, Leonardo nói.

Ông đánh giá Tuchel là HLV có tài và có tâm, nhưng đường lối với đội bóng đã đi tới hạn của một chu kỳ. Lời giải thích của Leonardo cho thấy sự khắc nghiệt của bóng đá cấp CLB hôm nay. Đó là chưa bàn đến chuyện nhận định của Leonardo về sự chấm dứt một chu kỳ là đúng hay sai.

Tuchel có vẻ đang chứng minh PSG sai lầm khi sa thải ông. Song, thực chất chiến lược gia người Đức không chứng minh được cái gọi là “chu kỳ” mà Leonardo nói đến còn hay đã hết.

Thành tích của ông với Chelsea tính tới lúc này không thể mang ra đối chiếu với những gì diễn ra ở PSG. Cầu thủ khác, văn hóa đội bóng khác, đòi hỏi của giới chủ cũng khác nên chu kỳ cũng khác. Rất có thể đúng là chu kỳ của ông ở PSG đã hết, nhưng một chu kỳ mới với Chelsea chỉ mới vừa bắt đầu.

Khách quan mà nói, những gì minh chứng cho cái đúng hay sai kia sẽ còn phụ thuộc rất nhiều vào kết quả của trận chung kết. Tuchel giành cúp, ai cũng nói ông đúng và dành lời giễu nhại cho Leonardo cũng như PSG còn lâu nữa. Ngược lại, nếu Tuchel thất bại thì sao? Dư luận hẳn sẽ nói khác.

Song, tâm lý là thứ vượt lên trên cả dư luận. Thực tế chứng minh, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, nước Đức đang được biết tới với những lớp HLV mới tài năng. Tuy nhiên, trong lớp HLV trẻ trung ấy, có bao nhiêu người đạt được thành tựu ở Champions League?

Chỉ Juergen Klopp và Hansi Flick. Mỗi người một danh hiệu và cũng phải rất vất vả mới có được nó trong thời đoạn mà Zinedine Zidane “lộng hành” ở đấu trường lớn này cùng Real Madrid.

Nếu Tuchel thành công ở trận đấu để đời trước mắt, danh hiệu lớn ấy sẽ nâng tầm ông trên thị trường HLV, đưa ông vào hàng ngũ những HLV ưu tú của thế hệ mới. So với Klopp hay Flick, rõ ràng Tuchel vẫn đang thua kém một bậc.

Đời HLV, người ta nể trọng nhau bằng tài năng, nhưng lại đánh giá nhau bằng danh hiệu. Đó là lý do ai cũng phục Marcelo Bielsa và Jose Mourinho, và cũng chỉ dám mỉa mai Wenger quanh chuyện danh hiệu, chứ không dám đụng tới Pep Guardiola ở khía cạnh này.

Tuchel đang được ngợi khen, nhưng chỉ khi vô địch Champions League, ông mới được người ta nể trọng. Nếu đăng quang lần này, ông sẽ lên cùng mâm với Flick, Klopp chứ không còn ngồi ở chiếu của Max Allegri hay Antonio Conte.

Tuy nhiên, đối diện Tuchel là một Guardiola tượng đài. Thất bại ở chung kết này không khác gì đòn trí mạng với sự nghiệp của Tuchel. Đơn giản, nó là thất bại thứ hai liên tiếp khi đã gần tới đỉnh. Ở vào trạng thái như thế, con người ta dễ quen với việc thất bại, tự thỏa hiệp với năng lực và số phận yếu kém của bản thân.

Giống như Brendan Rodgers với những cú trượt chân cuối mùa giải đầy ám ảnh. Rodgers giỏi, nhưng ông bị ám bởi những đoạn nước rút cuối mùa, dù tính toán không hề sai lầm mà do đôi chân cầu thủ cứ thế rệu rã. Cuộc sống này từng chứng kiến bao nhiêu chuyên gia về nhì, cứ về nhì mãi đến mức tự mình không bao giờ gượng dậy nổi.

Do đó, trận chung kết này sẽ là cuộc đối đầu quyết định của đời huấn luyện mang tên Tuchel. Nó là lần gượng dậy quan trọng nhất, mà nếu bất thành, sẽ hoá thành một chuỗi không bao giờ gượng dậy nổi.

Pep Guardiola vs Thomas Tuchel - trận đấu cho đời biến động

Chelsea là cơ hội để Tuchel làm lại sau thất bại hồi năm ngoái. Ảnh: Reuters

Cơn “trầm cảm” của Guardiola

Pep đã xa chung kết Champions League 10 năm. 10 năm ấy là một “lênh đênh” đủ mọi cung bậc ở đấu trường này. Pep nghỉ ngơi một năm trước khi đến nước Đức, sau đó làm việc với Bayern Munich 3 mùa. 3 mùa giải ấy là gì? Là không Champions League, thứ mà Bayern cần ở ông nhất.

Đó cũng không chỉ là 3 mùa không Champions League đơn thuần. Nó là sự thay đổi xoay chiều rất kinh khủng từ dư luận. Khởi đầu là ngợi khen, với những thay đổi từ cọng cỏ cho tới lối chơi của một cầu thủ, điển hình là Phillip Lahm, như thể ông là một nhà cách mạng vĩ đại cho bóng đá Đức. Song, từng thất bại ở Champions League đã khiến thứ khác nảy sinh: Những bỉ bôi của người đời.

Người ta nói đến việc Pep thực ra chỉ ăn may khi Barca vĩ đại có Lionel Messi vĩ đại. Điều bỉ bôi đó càng đúng hơn khi Pep ra đi, Barca vẫn có chức vô địch Champions League. Rồi Pep đến Man City, một CLB giàu có cũng đang ấp ủ học theo mô hình của Barca, khi đã từng đưa về đây những con người của xứ Catalonia.

Coi như chiếu đều đã trải sẵn, chỉ đợi Pep ngồi. Bây giờ, sau 4 mùa giải với màu áo xanh thành Manchester, lần đầu tiên ông mới được biết đến trận chung kết Champions League ở kỷ nguyên hậu Barca là gì.

Trong cả 10 năm đằng đẵng rời Barca, Pep đã thay đổi mình và cách tiếp cận bóng đá của bản thân rất nhiều. Nói công bằng, dường như ông dùng chính các CLB lớn như Bayern và Man City để làm “phòng thí nghiệm” cho những tìm tòi trong bóng đá.

Nếu so sánh lối chơi của Man City hôm nay với chính Man City ở 3 mùa trước đó, chúng ta đã thấy khác. Còn nếu so sánh với thời ở Barca, chúng ta càng thấy bóng đá của Pep đã khác xa, như thể ở một phiên bản 4.0 của chính ông.

Trưởng thành từ chính bàn tay nhào nặn của Johan Cruyff, Pep luôn trung thành với 4-3-3 hoặc 3-4-3 trong suốt thời kỳ ông ở Camp Nou. Khi sang Bayern, tinh thần ấy vẫn không hề mai một. Thứ khác đi chỉ là một chút cải tiến trong cự ly đội hình, lối di chuyển, các bài phối hợp nhóm.

Pep Guardiola vs Thomas Tuchel - trận đấu cho đời biến động

Những cải tiến về mặt chiến thuật của Pep giúp Man City trở thành đội bóng bất khả chiến bại. Ảnh: Reuters

Giờ đây, khi ở Man City, Pep đã biến đổi rất nhiều. Ông có thể chọn 4-2-3-1, thậm chí là 3-5-2. Pep không còn bị ám ảnh bởi một hệ thống quen thuộc. Ông khám phá, thách thức giới hạn bản thân để đạt một mục tiêu duy nhất: Chứng minh mình là kẻ chinh phục trong thế giới bóng đá rộng lớn, thay vì chỉ giới hạn một triết lý Barca - Hà Lan tinh tuyền.

Chúng ta đều biết Pep bị ám ảnh với những thay đổi đến mức nào. Ông quan tâm tới từng chi tiết, bởi với HLV này, đối thủ vĩ đại nhất chính là sự nhàm chán của bản thân. Kẻ chiến thắng thường duy trì công thức chiến thắng còn Pep thì không. Ông hiểu đời sống luôn dịch chuyển.

Bao nhiêu lần dịch chuyển như thế để Pep tạo ra được thứ bóng đá của Man City hôm nay. Người ta gọi đó là phiên bản Man City 2.0 dưới thời Pep, nhưng so với cả sự nghiệp của ông, nó là phiên bản Pep 4.0.

Ông đưa Joao Cancelo và Oleksandr Zinchenko bó vào trung lộ mỗi khi Man City có bóng, để biến hoá từ một sơ đồ chơi với bộ tứ vệ, trở thành 3-4-3, 3-3-4 hay 3-4-1-2... Mọi di chuyển kiểu ấy khiến chúng ta bất ngờ. Nhưng để có được cái bất ngờ ấy, Pep đã mất rất nhiều công sức cho điều ám ảnh duy nhất của đời mình: một thứ bóng đá hoàn hảo.

Không có gì hoàn hảo trên cõi đời này. Thứ hôm nay Pep tạm hài lòng, thì ngày hôm sau ông đã thấy ở nó những nhược điểm. Cuộc chiến với bản thân ấy căng thẳng đến kiệt quệ. Thứ dược phẩm chức năng duy nhất có thể giúp cơ thể lẫn tinh thần ông có thể hồi sức lại để vượt qua cơn kiệt quệ ấy chính là danh hiệu. Nó phải là danh hiệu Champions League, thứ danh hiệu có lẽ là cao quý chỉ sau World Cup và Euro đối với mỗi HLV.

Nếu Pep vô địch lần này với Man City, chiếc cúp lần đầu khắc tên đội bóng áo xanh sẽ là dược liệu bổ dưỡng, giúp ông trường sức trong cuộc xây dựng một đế chế lâu dài đúng kiểu Sir Alex từng làm với Man Utd. Nó cũng đập tan mọi nghi ngờ rằng ông chỉ có thể vô địch với đội bóng có một thiên tài.

Man City hiện nay thực tế không có một tay săn bàn nào ở tầm “đẳng cấp thế giới”. Với một Man City như thế, chức vô địch của Pep có tâm phục khẩu phục hoàn toàn?

Pep Guardiola vs Thomas Tuchel - trận đấu cho đời biến động

Pep đã no nê danh hiệu quốc nội cùng Man City và chỉ còn cần danh hiệu Champions League. Ảnh: Getty Images

Ngược lại, nếu Pep thất bại thì sao? Số tiền chuyển nhượng mà Man City bỏ ra suốt thời gian ông huấn luyện sẽ được khơi lại. Nhưng vượt trên tất cả, nó sẽ khiến Pep kiệt sức. Ông sẽ phải tìm một chốn nghỉ ngơi để dưỡng vết thương của mình trước khi cập một bến bờ khác và bắt đầu một cuộc chinh phục mới.

Hãy nhìn vào Zidane, chúng ta sẽ hiểu. Zidane với Pep khác nhau về cách làm bóng đá và năng lực nhưng giống nhau ở áp lực. Khi đưa Real Madrid 3 lần liên tiếp vô địch, chính Zidane cũng phải dừng lại tìm quãng nghỉ như cách Pep đi Mỹ năm nào.

Đó là khi họ kiệt quệ thực sự lúc đã ở đỉnh cao. Khi Zidane quay lại, ông cũng không trụ được lâu. Kiệt sức là điều Zidane đã nói ra từ thời điểm sau Giáng sinh. Hôm nay, ông đã đi tới ngưỡng chịu đựng cuối cùng.

Pep có thể sẽ ở ngưỡng chịu đựng cuối cùng nếu thất bại trước Tuchel. Khi đó, chắc chắn, đời huấn luyện của ông sẽ rẽ sang một hướng khác. Pep kỳ vọng ở trận chiến này rất nhiều. Do vậy, thất bại sẽ là đòn đau mà ông có thể sẽ rơi vào trạng thái quá tải.

Một trận chung kết kéo dài bao lâu? 90 phút, 120 phút hay 140 phút vì thêm thời gian đấu súng luân lưu? Có kéo dài bao lâu thì so với cả cuộc đời, nó cũng chỉ là khoảnh khắc. Song, khoảnh khắc ấy có tầm quan trọng không ai ngờ, bởi nó có thể khến Pep hoặc Tuchel, một trong hai, bước vào một cơn biến động lớn.

“Guardiola dùng người quá hay”, bình luận viên John Dykes cho rằng Man City vô địch Premier League 2020/21 với dấu ấn đậm nét đến từ tài cầm quân của Pep Guardiola.

Theo Zing

Đọc thêm

Việt Nam 1-0 Indonesia: Rộng cửa vào bán kết

Việt Nam 1-0 Indonesia: Rộng cửa vào bán kết

Chiến thắng 1-0 trước ĐT Indonesia không chỉ giúp ĐT Việt Nam chấm dứt chuỗi trận thua liên tiếp trước đối thủ này trong năm 2024, mà “Những chiến binh sao Vàng” cũng rộng cửa vào bán kết sau khi có 3 điểm trước đại diện đất nước vạn đảo.
Thái Lan thị uy sức mạnh số 1 bóng đá Đông Nam Á

Thái Lan thị uy sức mạnh số 1 bóng đá Đông Nam Á

Thái Lan vừa có trận ra quân tại ASEAN Cup 2024 gặp Timor Leste và thắng đậm đến 10-0, qua đó cho thấy sức mạnh của một ông lớn của khu vực Đông Nam Á và đang là ứng viên số 1 của cuộc đua vô địch kỳ này.