Tiến sỹ tâm lý học Nguyễn Văn Hòa (Trường Đại học Hà Tĩnh): “Bạo lực gia đình được kiểm soát khi vợ chồng đặt mình vào vị trí của nhau”.
Tiến sỹ tâm lý học Nguyễn Văn Hòa: “Nếu vợ chồng biết đặt mình vào vị trí của nhau thì mâu thuẫn sẽ dễ dàng hóa giải”.
Có nhiều yếu tố có thể dẫn đến bạo lực gia đình như: kinh tế, thời gian, nhận thức và một số vấn đề tác động khác từ xã hội… Xung đột trong cuộc sống vợ chồng gần như là điều không tránh khỏi, đặc biệt là trong xã hội hiện đại nhưng mâu thuẫn đó đạt đến mức độ nào lại tùy thuộc vào cách giải quyết của từng cặp vợ chồng.
Một vấn đề mà không phải ai cũng nhận thức đúng đó là bạo lực về tinh thần, nó thậm chí còn khủng khiếp hơn cả bạo lực về thể xác. Bạo lực thể xác có thể bùng phát nhất thời trong trạng thái bị kích động, còn sự khủng bố về tinh thần thường kéo dài, âm ỉ, gây ức chế tâm lý và hệ lụy nghiêm trọng. Do đó, nếu vợ và chồng làm “tròn vai” và biết đặt mình vào vị trí của nhau thì mâu thuẫn sẽ dễ dàng hóa giải.
Anh Trần Hậu Lâm (phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh): “Phụ nữ nên dung hòa các mối quan hệ gia đình và xã hội”.
Anh Trần Hậu Lâm được bạn bè biết đến là người chồng luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ việc nhà với vợ và luôn khuyến khích vợ mở rộng quan hệ xã hội.
Câu nói “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” cũng đã thể hiện phần nào trách nhiệm mà xã hội quy định cho mỗi người. Là một người đàn ông, tôi không đặt nặng việc vợ phải làm kinh tế mà mong muốn cô ấy dành nhiều thời gian chăm sóc gia đình.
Bên cạnh đó, việc dung hòa các mối quan hệ giữa đôi bên họ hàng thì người vợ cũng đóng vai trò quan trọng. Trong nhà tôi có 3 thế hệ cùng chung sống nên việc dung hòa mối quan hệ càng cần thiết hơn những gia đình chỉ có 2 thế hệ.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là người vợ phải lo cho chồng con, gia đình đến mức phải hy sinh bản thân mình. Một người vợ hiện đại, ngoài làm tròn bổn phận với gia đình cũng nên mở mang các mối quan hệ bạn bè, tham gia hoạt động xã hội. Nếu cân bằng được trách nhiệm trong gia đình và quan hệ ngoài xã hội, tôi nghĩ phụ nữ sẽ dễ dàng hơn trong tạo dựng cuộc sống hạnh phúc.
Anh Nguyễn Văn Phúc (tổ dân phố 6, thị trấn Thạch Hà): “Sẵn sàng chia sẻ, cảm thông với vợ”.
“Sẵn sàng chia sẻ, cảm thông với vợ” là quan điểm của anh Nguyễn Văn Phúc (tổ dân phố 6, thị trấn Thạch Hà) về cách giữ gìn hạnh phúc gia đình.
Nhiều người vẫn quan niệm “trách nhiệm giữ gìn hạnh phúc gia đình thuộc về người phụ nữ”. Theo tôi, suy nghĩ này không chỉ thể hiện sự bất bình đẳng mà còn vô hiệu hóa vai trò của người chồng trong mối dây liên kết với các thành viên trong gia đình. Vợ chồng phải bình đẳng về trách nhiệm, quyền lợi dựa trên sự tôn trọng nhau thì hạnh phúc mới bền lâu được.
Sau nhiều năm cùng vợ “giữ lửa” cho tổ ấm gia đình, tôi nhận ra, người đàn ông chẳng cần quá “đao to búa lớn” mà điều khiến bạn đời luôn cảm thấy ấm áp, chính là sự sẵn sàng chia sẻ, cảm thông.
Sự chân thành của người chồng không chỉ xây đắp cho tình vợ chồng thêm nồng thắm, mà còn tạo dựng hình ảnh tốt đẹp trong suy nghĩ, nhận thức của con cái. Nhờ ảnh hưởng tốt từ gia đình, chúng sẽ có định hướng đúng đắn, hình thành lối sống tích cực hơn khi trưởng thành.
Anh Dương Xuân Tiệp - Giám đốc Công ty TNHH MTV Dương Đoàn Nguyên (phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh): “Hạn chế tác động tiêu cực từ cuộc sống hiện đại đến gia đình”.
Anh Tiệp và gia đình nhỏ của mình.
Trước đây, người ta quan niệm đàn ông thường chỉ làm việc lớn, là trụ cột; tề gia nội trợ thuộc về thiên chức của phụ nữ. Vì vậy, trong cuộc sống gia đình, người vợ có phần lép vế, nhún nhường trước bạn đời của mình. Ở xã hội hiện đại, rất nhiều chị em năng động, tháo vát, không hề thua kém phái mạnh trong vấn đề làm kinh tế, mở mang các mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên, sự độc lập của hai vợ chồng đôi khi tiềm ẩn nhiều nguy cơ đổ vỡ.
Công việc cùng các mối quan hệ xã hội bận rộn lấy đi của chúng tôi khá nhiều thời gian, tác động không nhỏ đến cuộc sống gia đình. Để bù đắp, vợ chồng tôi thường cố gắng sắp xếp công việc để về nhà ăn cơm, đưa các con đi chơi…
Tuy nhiên, ở những trường hợp nhất định, vợ chồng cũng nên cho nhau “khoảng lặng” để mỗi người tự bình tâm, soi xét và tự điều chỉnh hành vi, cân bằng giữa cuộc sống gia đình và công việc ngoài xã hội.