Được khởi động từ những ngày đầu năm học, cuộc thi sáng tạo KHKT dành cho HS trung học đã được ngành giáo dục quán triệt đến mỗi nhà trường. Từ những ý tưởng manh nha hình thành qua quá trình quan sát thực tiễn cuộc sống và sự khuyến khích, động viên của các thầy, cô giáo và phụ huynh, đã tạo động lực cho các em phát huy tài năng sáng tạo.
Sản phẩm thiết bị bay tích hợp tìm kiếm và phun thuốc bảo vệ thực vật của 2 em Lê Đình Long, Nguyễn Minh Đức giành giải nhất.
Thầy Nguyễn Quốc Anh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Năm nay, có 134 dự án tham gia cuộc thi cấp tỉnh. Trong đó, lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi có 32 dự án; tin học, phần mềm 9 dự án; sinh học, hóa học, môi trường 20 dự án; kỹ thuật năng lượng 73 dự án. So với những năm trước, năm nay, chất lượng các dự án khá đồng đều, đề tài đa dạng, phong phú, vừa có ý tưởng mới mẻ, vừa có tính ứng dụng cao. Đây cũng là một năm đánh dấu thành công của cuộc thi với 6 giải nhất được trao cho 6 sản phẩm”.
Với thầy và trò Trường THPT Phan Đình Phùng, niềm vui thật trọn vẹn khi năm nay cả 3 sản phẩm tham gia dự thi đều đoạt giải, trong đó có 1 giải nhất được trao cho sản phẩm thiết bị bay tích hợp tìm kiếm và phun thuốc bảo vệ thực vật, 2 giải nhì cho các sản phẩm thiết bị chống trộm thông minh có gắn camera; phần mềm lưu trữ dữ liệu và trộn đề trắc nghiệm. Dù thời gian gửi đi dự thi quốc gia quá gấp rút, nhiều ý tưởng còn chưa kịp hoàn thiện, nhưng 2 nhà sáng tạo trẻ Lê Đình Long và Nguyễn Minh Đức - HS lớp 11A7 vẫn không giấu nổi niềm vui.
Long và Đức cho biết: “Mô hình thiết bị bay tích hợp tìm kiếm và phun thuốc bảo vệ thực vật được hình thành từ thực tiễn. Chúng em thường chứng kiến những vất vả của bố mẹ cũng như bà con nông dân trong việc phun thuốc trừ sâu cho cây trồng. Để giúp người nông dân không phải tiếp xúc với các loại thuốc trừ sâu độc hại mà vẫn có thể bảo vệ cây trồng, chúng em đã hình thành ý tưởng này. Sự giúp đỡ của thầy bộ môn, đặc biệt là ban giám hiệu nhà trường trong quá trình biến ý tưởng thành mô hình đã giúp chúng em đạt giải cao. Chỉ mong sao ý tưởng của chúng em được góp ý hoàn thiện để có thể áp dụng vào thực tiễn”.
Qua đánh giá của ban tổ chức, năm nay, hầu hết các đơn vị đầu tư công phu, thể hiện trên poster khoa học và thẩm mỹ; thí sinh thuyết minh gọn gàng, mạch lạc, nêu rõ được vấn đề, giải quyết được những câu hỏi giám khảo đưa ra, chứng minh sự hiểu biết sâu sắc và làm chủ kiến thức, tư duy nghiên cứu khoa học. Nhiều sản phẩm có tính ứng dụng cao, những vấn đề được xã hội quan tâm như: Góp phần thay đổi cách nhìn về người đồng tính trong giới trẻ học đường, ứng dụng mô hình Karpopper để nâng cao năng lực tranh biện cho HS của các HS Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh; mô hình cửa cứu sinh của HS Trường THPT Nguyễn Thị Bích Châu (TX Kỳ Anh); dự án điều khiển các thiết bị điện trong gia đình bằng giọng nói của HS Trường THPT Trần Phú (Đức Thọ)… đã thực sự để lại ấn tượng sâu sắc.
Dẫu còn nhiều tồn tại, hạn chế, đặc biệt, việc ứng dụng các sáng kiến kinh nghiệm vào thực tiễn vẫn còn là một thử thách. Tuy nhiên, việc tổ chức cuộc thi sáng tạo KHKT cho HS trung học đã tạo động lực để khuyến khích các em phát triển tư duy sáng tạo, vận dụng kiến thức các môn học để giải quyết những vấn đề đặt ra trong đời sống. Góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học, hình thức, phương pháp đánh giá kết quả học tập, phát triển năng lực và phẩm chất cho HS. Theo thầy Thái Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng thì: “Đây không chỉ là cơ hội để các em thể hiện mình, biến ý tưởng thành hiện thực, mà còn là một hoạt động thiết thực trong việc định hướng nghề nghiệp cho HS”.