Phát triển bền vững nghề nuôi ong lấy mật ở Vũ Quang

(Baohatinh.vn) - Huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) đang tích cực chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn hướng dẫn người dân, tổ hợp tác (THT) và các hợp tác xã (HTX) áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; đồng thời hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm mật ong ra các thị trường lớn.

Toàn huyện Vũ Quang hiện có hơn 1.000 hộ nuôi ong với hơn 7.500 đàn.

Toàn huyện Vũ Quang hiện có hơn 1.000 hộ nuôi ong với hơn 7.500 đàn. Để giúp người dân tăng thu nhập từ nghề nuôi ong lấy mật và bảo đảm tính bền vững, trong những năm qua, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn hướng dẫn bà con áp dụng KHKT vào quá trình nuôi nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đồng thời, triển khai các lớp tập huấn nâng cao kiến thức nuôi dưỡng, phòng trị bệnh, chăm sóc, nhân đàn, quản lý các đàn ong giống cho người dân.

Nghề nuôi ong đã mang lại giá trị kinh tế cao, giúp người dân Vũ Quang có thu nhập và từng bước xóa đói, giảm nghèo.

Đặc biệt, năm 2017, huyện đã thành lập Liên hiệp HTX Ong và Dịch vụ nông nghiệp Vũ Quang, nhằm kết nối các hộ nuôi với nhau, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm và tìm hiểu các chính sách, tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện thu nhập.

Liên hiệp HTX Ong và Dịch vụ nông nghiệp Vũ Quang hiện có 5 HTX và 1 THT, gồm: HTX Thọ Điền, HTX Đức Lĩnh, HTX Đức Bồng, HTX Đức Giang, HTX Ân Phú và THT thị trấn Vũ Quang.

Trong năm 2021, nghề nuôi ong đã đem về nguồn thu hơn 12 tỷ đồng cho bà con Vũ Quang.

Trong năm 2021, sản lượng mật thu được trên toàn huyện đến cuối vụ đạt hơn 80 tấn, đem về nguồn thu hơn 12 tỷ đồng cho bà con.

Hiện nay, người dân Vũ Quang vẫn đang phát triển chăn nuôi ong theo hình thức nông hộ, chưa hình thành nhiều HTX quy mô lớn.

Tuy nhiên, hiện nay, người dân trên địa bàn Vũ Quang vẫn đang phát triển chăn nuôi ong theo hình thức nông hộ, chưa hình thành nhiều HTX quy mô lớn; sản phẩm sản xuất chưa kiểm soát được chất lượng, thị trường đầu ra không ổn định.

Bên cạnh đó, việc sử dụng nhãn mác thương hiệu giữa các HTX, THT và hộ nuôi ong chưa đồng nhất gây khó khăn cho công tác quản lý chất lượng, giá cả; liên kết giữa các doanh nghiệp, HTX, THT với người dân trong sản xuất, cung ứng kỹ thuật, vật tư cũng như bao tiêu sản phẩm còn hạn chế…

Trước thực tế đó, huyện Vũ Quang yêu cầu Liên hiệp HTX Ong và Dịch vụ nông nghiệp cần kiện toàn lại bộ máy hoạt động; phối hợp các phòng, ban, ngành thống nhất mẫu mã, nhãn mác cho tất cả sản phẩm mật ong. Ngoài ra, các địa phương cần vận động các hộ nuôi ong vào HTX, THT; có kế hoạch thu mua sản phẩm mật cho các hộ nuôi ong; thống nhất về giá để nâng cao giá trị sản phẩm.

Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang Bùi Khắc Bằng làm việc với Liên hiệp HTX Ong và Dịch vụ nông nghiệp. (Ảnh tư liệu)

Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang Bùi Khắc Bằng nhấn mạnh: "Mật ong là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện, tạo việc làm ổn định và mang về nguồn thu lớn cho người dân, góp phần phát triển du lịch dịch vụ trong tương lai. Do đó, đòi hỏi phải có sự quan tâm chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt, xuyên suốt của các phòng, ban, ngành và đặc hiệt là các tổ chức, cá nhân nuôi ong trên địa bàn.

Để nghề nuôi ong phát triển bền vững, địa phương đã và đang tích cực chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn hướng dẫn người dân, THT và các HTX áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; đồng thời hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm mật ong ra các thị trường lớn.

Bên cạnh đó, huyện cũng đã giao Phòng NN&PTNT phối hợp với Phòng Tài chính, Phòng Kinh tế hạ tầng nghiên cứu chính sách hỗ trợ phù hợp để xây dựng kho, bổ sung máy móc đảm bảo hoạt động của Liên hiệp HTX Ong và Dịch vụ nông nghiệp; giao Trung tâm Ứng dụng KHKT và BVCTVN huyện phối hợp tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật cho các hộ nuôi ong, đảm bảo sản phẩm mật ong đạt chất lượng để phát triển bền vững nghề nuôi ong lấy mật trên địa bàn".

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói