Chuyên gia quân sự kiêm thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Nga Konstantin Sivkov chia sẻ với hãng tin Sputnik rằng, các cuộc tấn công của Mỹ tại Syria đang ảnh hưởng tới chính người Mỹ. Ví dụ như, hình ảnh về tên lửa của Mỹ đã bị phá huỷ, trong khi danh tiếng của hệ thống phòng thủ trên không do Nga sản xuất, đang không ngừng tăng cao.
“Nói một cách chiến lược, Mỹ đã tung ra con bài tốt nhất cùa mình – khả năng theo đuổi chiến tranh không tiếp xúc. Rõ ràng, hệ thống phòng thủ trên không của Syria – dựa trên các nguyên tắc của Nga, có thể chống lại các cuộc tấn công này. Yugoslavia và Libya đều đã là quá khứ”.
Chuyên gia này cũng cho rằng, các hệ thống phòng không của Nga sẽ nhận được rất nhiều sự chú ý: “chúng ta đang nói về khía cạnh kinh tế ở đây – việc bán các thiết bị và vũ khí”.
Theo ông Sivkov, Washington sẽ đẩy mạnh việc theo đuổi các cuộc chiến lai chống lại Moscow, bởi vì Nga sẽ vẫn là mục tiêu chính của Mỹ, và sẽ có thêm nhiều lệnh trừng phạt được đưa ra.
Không kích Syria, Mỹ "vô tình" giúp nâng cao giá trị của vũ khí Nga? |
“Câu hỏi đặt ra là bao giờ mọi việc sẽ dừng lại? Hai trường hợp có thể xảy ra. Thứ nhất, Nga trở thành một nước phụ thuộc vào Mỹ và biến mất khỏi bản đồ chính trị thế giới. Thứ hai là khi Nga tạo ra một thế lực địa chính trị về vũ khí hay quân sự có thể ép Mỹ phải thương lượng. Nói về vũ khí, tên lửa RS-28 Sarmat và thiết bị không người lái được trang bị hạt nhân hoạt động dưới nước Status-6 của Nga – sẽ tiếp tục được phát triển… Đó là thời điểm mà họ sẽ ngồi vào bàn thương lượng và đưa ra các nhượng bộ”, ông phân tích.
Ngoài ra, Sivkov cũng nhắc tới Tổ chức Hợp tác Thượng Hải như là cơ sở cho một khối quân sự và chính trị điển hình.
Ngày 14/4, Mỹ, Anh và Pháp đã phóng hơn 100 quả tên lửa vào Syria, nhằm đáp trả cáo buộc chính quyền nước này tiến hành tấn công vũ khí hoá học tại thành phố Douma hôm 7/4. Theo thông tin từ phía Nga, hệ thống phòng thủ trên không của Syria đã bắn hạ khoảng 70% số tên lửa của Mỹ. Tuy nhiên, con số này vẫn đang gây tranh cãi trong giới chuyên gia quân sự quốc tế.