Gia đình ông Võ Xuân Lưu (SN 1961, thôn Hưng Đạo, xã Cẩm Lạc, tỉnh Hà Tĩnh) có mảnh đất diện tích 2.300m2 cùng nhà cửa, vườn tược, cây cối, dự kiến nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.
Do căn nhà xây dựng đã lâu, vợ chồng ông Lưu có ý định cải tạo và làm thêm một công trình phụ trợ. Nắm bắt việc này, ban cán sự thôn Hưng Đạo và chính quyền xã Cẩm Lạc đã tới trao đổi, thông tin với ông Lưu và gia đình về dự án đường sắt tốc độ cao cũng như việc toàn bộ diện tích đất dự kiến nằm trong diện ảnh hưởng dự án. Hơn nữa, gia đình ông thuộc diện di dời tái định cư.
Thấu hiểu được tầm quan trọng của dự án, ông Lưu đồng thuận, ký cam kết không xây dựng, cơi nới nhà cửa, công trình phụ trợ trên diện tích đất của gia đình.
“Vợ chồng tôi có ý định sửa lại căn nhà, trồng thêm ít cây ăn quả trong vườn nhưng được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, vì nếu xây hay trồng cây, sau này khi bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) sẽ chỉ tính hiện trạng như bây giờ nên chúng tôi dừng lại”, ông Võ Xuân Lưu chia sẻ.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Cẩm Lạc Biện Văn Thuyết cho hay: Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam dự kiến đi qua xã Cẩm Lạc (sáp nhập 3 xã: Cẩm Minh, Cẩm Lạc, Cẩm Sơn của huyện Cẩm Xuyên cũ) có chiều dài 8,1 km, ảnh hưởng tới 56,2 ha đất các loại, dự kiến xây dựng 4 khu tái định cư phục vụ di dời 100 hộ dân.
Trên cơ sở hồ sơ thiết kế sơ bộ trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, huyện Cẩm Xuyên cũ và các xã cũ đã chủ động rà soát, thống kê khối lượng GPMB, số hộ tái định cư; đồng thời thông tin, tuyên truyền tới người dân về dự án.
Ngay sau thời điểm hình thành xã mới, địa phương đã tiếp tục tuyên truyền, vận động, ký cam kết với người dân nằm trong phạm vi ảnh hưởng dự án, nhất là việc không xây dựng, cơi nới công trình, trồng cây trái phép chờ bồi thường GPMB. Người dân nằm trong vùng dự kiến ảnh hưởng dự án đồng thuận, ủng hộ dự án triển khai.
Trong khi đó, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam đi qua xã Can Lộc có chiều dài khoảng 5 km, ảnh hưởng tới đất đai của 80 hộ dân. Thời điểm này, xã Can Lộc đã thành lập Hội đồng bồi thường GPMB dự án và triển khai công tác thông tin, tuyên truyền tới người dân, nhất là các hộ dự kiến nằm trong diện ảnh hưởng của tuyến đường sắt tốc độ cao.
“Địa phương cùng với ban cán sự thôn đang tăng cường tuyên truyền, thông tin về mục đích, ý nghĩa của dự án, đồng thời, triển khai việc quay, chụp lại hiện trạng nhà ở, các công trình, cây trồng để thực hiện công tác bồi thường GPMB đúng quy định” - Chủ tịch UBND xã Can Lộc Trần Mạnh Sơn cho biết.
Theo Sở Xây dựng Hà Tĩnh, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đi qua 18 xã, 5 phường của tỉnh với tổng chiều dài khoảng 103,42 km. Trên đoạn tuyến qua Hà Tĩnh được bố trí 3 nhà ga (2 nhà ga khách, 1 ga hàng hóa).
Dự án dự kiến ảnh hưởng đến 2.000 hộ dân, trong đó khoảng 1.279 hộ phải bố trí tái định cư. Tỉnh xây dựng 35 khu tái định cư với tổng diện tích khoảng 87,4 ha, dự toán kinh phí khoảng 1.100 tỉ đồng. Ngày 19/8 tới đây, Hà Tĩnh sẽ triển khai xây dựng khu tái định cư đầu tiên tại thôn Liên Vinh, phường Hà Huy Tập. Đến tháng 10/2025 sẽ đồng loạt triển khai xây dựng các khu tái định cư còn lại.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lê Anh Sơn cho hay: Xác định công tác đền bù GPMB là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thời điểm này, các địa phương ở Hà Tĩnh đang tập trung cao cho công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, đồng thuận bàn giao mặt bằng, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Cùng với việc tuyên truyền, vận động người dân, các địa phương ở Hà Tĩnh cũng đã và đang triển khai ghi hình hiện trạng ranh giới giải phóng mặt bằng để lưu giữ, làm bằng chứng nhằm phục vụ cho công tác bồi thường, tránh tình trạng người dân cố ý xây dựng, cơi nới trái phép để “đón” bồi thường dự án.
“Tỉnh xác định trong quá trình thực hiện công tác GPMB dự án đường sắt tốc độ cao, các đơn vị, địa phương phải kiểm kê đúng, đủ, bảo đảm quyền lợi cho Nhân dân. Tuy nhiên, đối với những trường hợp gian dối, có hành vi tranh thủ “đón" đền bù, trục lợi chính sách của Nhà nước, tỉnh dứt khoát không thỏa hiệp, không đền bù” - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lê Anh Sơn khẳng định.