Điện mặt trời: Lợi ích kép cho người dân, doanh nghiệp và môi trường

(Baohatinh.vn) - Lắp đặt điện mặt trời không chỉ giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sử dụng điện mà còn góp phần bảo vệ môi trường, thực hiện mục tiêu xanh hóa năng lượng tại Hà Tĩnh.

bqbht_br_6.jpg
Việc sử dụng ĐNLMT ngày càng thể hiện nhiều ưu việt và lợi ích, tiết giảm chi phí sinh hoạt, sản xuất; nguồn năng lượng sạch an toàn, thân thiện với môi trường.

Nhu cầu sử dụng nguồn năng lượng xanh tăng cao

Trước tình hình thời tiết nắng nóng, giá tiền điện sinh hoạt tăng cao, gia đình anh Nguyễn Văn Trọng, phường Trần Phú (Hà Tĩnh) đã quyết định lắp đặt điện năng lượng mặt trời (ĐNLMT) mái nhà. Với giải pháp này, gia đình anh có nguồn điện năng ổn định, an toàn và hoàn toàn có thể tiết giảm được chi phí lâu dài.

Anh cho biết: “Chi phí lắp đặt toàn bộ hết 200 triệu đồng, công suất 12 kWh, có dùng hệ thống lưu trữ. Mình chỉ phải bỏ chi phí lắp đặt ban đầu nhưng sẽ chủ động trong việc sử dụng điện năng. Có hệ thống điện năng lượng mặt trời rồi, mỗi tháng gia đình tôi chỉ mất 3 triệu đồng tiền sử dụng điện lưới, giảm khoảng 70% tiền điện so với trước”.

bqbht_br_2.jpg
Ngày càng nhiều người dân có nhu cầu lắp đặt ĐNLMT.

Nhu cầu lắp đặt ĐNLMT tự sản, tự tiêu đang tăng cao ở Hà Tĩnh, không chỉ ở khu vực đô thị mà còn cả ở vùng nông thôn.

Anh Hà Văn Thành, xã Kỳ Hoa cho hay: “Tôi lắp đặt loại có lưu trữ, nghĩa là không chỉ ban ngày, gia đình tôi còn có thể sử dụng cả vào ban đêm. Với công suất pin 9kw/h, gia đình tôi sử dụng điện khá thoải mái, vừa tiết kiệm chi phí, vừa giảm phát thải để bảo vệ môi trường sống”.

bqbht_br_3.jpg
bqbht_br_4.jpg
Có ĐNLMT, gia đình anh Hà Văn Thành, xã Kỳ Hoa khá thoải mái trong việc sử dụng điện, vừa tiết kiệm chi phí, vừa giảm phát thải để bảo vệ môi trường sống.

Còn tại HTX Thu mua và Chế biến thủy sản Phú Khương (xã Kỳ Xuân), hệ thống điện năng lượng mặt trời trở thành giải pháp sản xuất bền vững, hiệu quả và tối ưu chi phí. Bà Lê Thị Khương - Giám đốc HTX cho biết: “Từ năm 2017, chúng tôi đã đầu tư xây dựng bể nước mắm bằng tấm năng lượng mặt trời, tự động náo đảo bằng ống khép kín và hâm nóng bằng năng lượng mặt trời. Sau 8 năm, giải pháp này vẫn là tối ưu trong sản xuất, thời gian ủ cá rút xuống 6 tháng, giảm sức lao động, giảm 50% chi phí sản xuất”.

bqbht_br_7.jpg
Sau 8 năm, sử dụng ĐNLMT vẫn là giải pháp tối ưu trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết giảm chi phí và mở rộng thị trường của HTX Thu mua và Chế biến thủy sản Phú Khương (xã Kỳ Xuân).

Theo người dân, doanh nghiệp, việc sử dụng ĐNLMT ngày càng thể hiện nhiều ưu việt và lợi ích, tiết giảm chi phí sinh hoạt, sản xuất; nguồn năng lượng sạch an toàn, thân thiện với môi trường. Đặc biệt, việc sử dụng nguồn năng lượng xanh còn là xu thế mà yếu tố cạnh tranh trên thị trường. Phần khác, chi phí đầu tư điện năng lượng mặt trời ngày càng hợp lý, công nghệ hiện đại giúp người dân, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư hơn.

Ông Trương Đình Quý – Giám đốc Công ty TNHH Năng lượng Kim Quý (phường Trần Phú) cho biết: “Hiện nay, công ty đang quản lý, vận hành và bảo trì cho hơn 30 dự án (công suất 30 MWp) điện năng lượng mặt trời áp mái trên địa bàn. So với những năm trước, công nghệ ngày càng được cải tiến, giá lắp đặt giảm khoảng 50% so với trước nên thu hút sự quan tâm của khách hàng hơn. Nếu nhu cầu sử dụng trong gia đình, người dân chỉ mất khoảng 70 triệu đồng (công suất 10 KhW) là có thể sở hữu hệ thống điện mặt trời áp mái”.

Phấn đấu mục tiêu xanh hóa năng lượng

bqbht_br_5.jpg
Tại Hà Tĩnh, ngoài 2 dự án đầu tư lớn còn có hơn 500 tổ chức, cá nhân lắp đặt điện mặt trời mái nhà với tổng công suất hơn 150MWp, đóng góp sản lượng lên lưới hơn 200 triệu kWh điện mỗi năm.

Tại hội nghị các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết giảm phát thải CO2 đến 0 vào năm 2050. Thực hiện mục tiêu này, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII, xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

Hiện nay, Hà Tĩnh đã thu hút đầu tư 2 dự án ĐMT nối lưới là Nhà máy điện mặt trời Cẩm Hòa công suất 50MWp; Nhà máy điện mặt trời Cẩm Hưng với công suất 29MWp. Ngoài ra, tại các địa phương có hơn 500 tổ chức, cá nhân lắp đặt điện mặt trời mái nhà với tổng công suất hơn 150MWp, đóng góp sản lượng lên lưới hơn 200 triệu kWh điện mỗi năm.

Ngoài việc bổ sung nguồn cung cấp điện cho địa phương, góp phần tiết kiệm chi phí sử dụng điện cho người dân, doanh nghiệp thì điện mặt trời còn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc chống quá tải trong thời gian cao điểm, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

bqbht_br_8.jpg
ĐNLMT đã giúp ngành điện Hà Tĩnh chống quá tải trong mùa nắng nóng cao điểm.

Ông Phan Văn Anh – Trưởng phòng Kinh doanh (Công ty Điện lực Hà Tĩnh) cho biết: “Năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng tái tạo, sạch và có thể giảm sự phụ thuộc vào điện năng truyền thống. Trong khi nhu cầu dùng điện của người dân, doanh nghiệp ngày càng tăng cao, việc phát triển ĐNLMT là phương án đầu tư, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả; có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, Công ty Điện lực Hà Tĩnh đã luôn đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo; tư vấn, hỗ trợ đấu nối hệ thống điện mặt trời mái nhà lên lưới điện, đảm bảo an toàn và tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật”.

Với vị trí ven biển, tài nguyên nắng dồi dào, Hà Tĩnh rất có tiềm năng, lợi thế để phát triển nguồn năng lượng tái tạo nói chung và phát triển NLMT nói riêng. Cùng đó, hạ tầng năng lượng đảm bảo, các khu, cụm công nghiệp phát triển mạnh tiêu thụ điện lớn… là điều kiện thuận lợi để điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu phát triển.

Theo quy hoạch, kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, Hà Tĩnh tiếp tục được quy hoạch thêm gần 400MW điện mặt trời mái nhà và 1.800MW điện mặt trời tập trung.

Ông Dương Thanh Hòa – Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Qua theo dõi, các dự án điện mặt trời đã và đang hoạt động khá hiệu quả, nhất là đối với doanh nghiệp sản xuất và cơ quan công sở. Để tiến tới mục tiêu, đến năm 2030, 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu theo Quy hoạch điện VIII, thời gian tới, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ lắp đặt điện mặt trời tự sản xuất, tự tiêu thụ nhằm khuyến khích đầu tư của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, giúp Hà Tĩnh chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh – sạch – hiệu quả”.

Theo lãnh đạo Sở Công thương, quá trình đầu tư các tổ chức, cá nhân cần tuân thủ các quy định liên quan đến quy hoạch, xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường, an toàn, phòng cháy chữa cháy; trong đó có việc đăng ký cấp giấy chứng nhận đăng ký phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ theo quy định pháp luật.

Chủ đề Công nghiệp, Tiểu thủ Công nghiệp, xây dựng

Đọc thêm

Cú hích cho công nghiệp Hà Tĩnh phát triển đột phá

Cú hích cho công nghiệp Hà Tĩnh phát triển đột phá

Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast đi vào hoạt động cùng với các dự án trọng điểm trên địa bàn sẽ góp phần tạo bước phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp Hà Tĩnh, thúc đẩy kinh tế địa phương tăng trưởng bền vững.
Khánh thành Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast Hà Tĩnh

Khánh thành Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast Hà Tĩnh

Nhà máy sản xuất ô tô điện VinFast Hà Tĩnh đi vào hoạt động sẽ góp phần tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong tiến trình hiện thực hóa định hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.