Phớt lờ quy định pháp luật, vô tư rao bán pháo hoa trên “chợ mạng”

(Baohatinh.vn) - Mặc dù bị pháp luật nghiêm cấm nhưng nhiều người ở Hà Tĩnh vẫn bất chấp rao bán pháo hoa trên “chợ mạng” khi dịp tết Nguyên đán cận kề.

Pháo hoa được bày bán công khai trên mạng xã hội.

Những ngày cận tết Nguyên đán, mặt hàng pháo hoa được nhiều chủ tài khoản Facebook ở Hà Tĩnh rao bán trái phép. Khi gõ từ khóa “Pháo hoa Z121” vào ô tìm kiếm trên mạng xã hội, nhiều bài viết rao bán pháo hoa ngay tập tức được hiển thị.

Trong bài viết, các chủ tài khoản đều khẳng định, toàn bộ đều là pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất nên đảm bảo về tính hợp pháp, an toàn cho người sử dụng. Chỉ cần đặt mua, sản phẩm sẽ được gửi đến tận nhà.

Việc các cá nhân không có giấy phép thông qua các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo, Tiktok...) để bán pháo hoa là hành vi vi phạm pháp luật.

Tài khoản Facebook L.T.A. vô tư giới thiệu, mình có bán pháo hoa của Bộ Quốc phòng, pháo bắn đến đâu lộc tài đến đó và an toàn, hợp pháp, đẹp lung linh.

Tương tự, tài khoản L.T.T.L. cũng quảng cáo luôn có sẵn tất cả các loại pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất. “Pháo hoa Bộ Quốc phòng em sẵn nhé. Tầm này mọi người tranh thủ mua về trữ, tết mang ra bắn thì nó lại hợp lý quá rồi ạ...”. - tài khoản L.T.T.L. mời khách.

Không chỉ nhận bán cho khách lẻ, theo tìm hiểu, nhiều chủ tài khoản còn chào mời khách sỉ, quảng cáo rằng có sẵn số lượng lớn. Điểm chung của các bài viết này là đều quảng cáo bán pháo hoa chính hãng Bộ Quốc phòng, công khai hình ảnh, video các loại pháo hoa. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, các chủ tài khoản này bán pháo hoa theo dạng “xách tay” (mua từ các cơ sở đủ điều kiện) để hưởng tiền chênh lệch.

Khi được hỏi giá, tất cả đều yêu cầu người mua nhắn tin riêng để biết giá thành.

Theo Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH - Công an tỉnh, việc các cá nhân không có giấy phép kinh doanh thông qua các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Tiktok... để bán pháo hoa là hành vi vi phạm pháp luật, hoạt động mua bán tự do còn ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng. Đặc biệt, việc tích trữ pháo hoa trái phép tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về phòng chống cháy nổ.

Thượng tá Trần Hữu Cảnh - Trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH cho biết: "Lực lượng công an sẽ phối hợp với Sở TT&TT cùng các đơn vị liên quan nắm tình hình, phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân mua bán trái phép pháo qua mạng xã hội. Đối với người dân, nếu có nhu cầu sử dụng pháo hoa của Bộ Quốc phòng cần đến trực tiếp các cửa hàng đã được Bộ Quốc phòng cấp phép để được bán đúng giá, đúng chất lượng và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

Ngoài ra, khi phát hiện các trường hợp mua bán pháo hoa trái phép, bán cao hơn so với giá niêm yết; bán các loại pháo lậu, pháo cấm hãy thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để kịp thời xử lý nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng".

Người dân đến mua pháo hoa tại cửa hàng số 4 (số 215 đường Trần Phú, phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh).

Trên địa bàn Hà Tĩnh hiện có 14 cửa hàng được Cục C06 Bộ Công an cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự để kinh doanh pháo hoa, gồm: cửa hàng số 1 (số 195 Yên Trung, thị trấn Đức Thọ); cửa hàng số 2 (số 282 đường Trần Phú, xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh); cửa hàng số 3 (số 70, đường Lý Tự Trọng, thị trấn Thạch Hà); cửa hàng số 4 (số 215 đường Trần Phú, phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh); cửa hàng số 5 (số 38 Nguyễn Du, phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh); cửa hàng số 6 (thôn Thắng Hoà, xã Tân Lâm Hương, Thạch Hà); cửa hàng số 7 (số 5/2/31 Quang Trung, phường Nam Hồng, TX Hồng Lĩnh); cửa hàng số 8 (số 199, đường La Giang, thị trấn Đức Thọ).

Cửa hàng số 9 (thôn Đoàn Kết, xã Thiên Lộc, Can Lộc); cửa hàng số 10 (số 71 Lê Hồng Phong, phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh); cửa hàng số 11 (tổ dân phố Nam Phong, phường Kỳ Thịnh, TX Kỳ Anh); cửa hàng số 12 (thôn Xóm Mới, xã Thanh Bình Thịnh, Đức Thọ); cửa hàng số 13 (thôn Hòa Bình, xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh); cửa hàng số 17 (thôn Hồng Tiến, xã Xuân Giang, Nghi Xuân).

Luật sư Phan Văn Chiều - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Châu, Đoàn Luật sư Hà Tĩnh cho hay: Theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 6, Nghị định 98/2020/NĐ-CP, ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phạt tiền từ 10 triệu đến 15 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mà không có giấy phép kinh doanh.

Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự khi chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 12, Nghị định 144/2021/NĐ-CP, ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội...

Trường hợp hành vi buôn bán hàng hàng cấm có giá trị từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội buôn bán hàng cấm” theo quy định tại Điều 190 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH quán triệt, yêu cầu 14 cửa hàng kinh doanh pháo hoa trên địa bàn tỉnh ký cam kết chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh.

Luật sư Phan Văn Chiều nhấn mạnh: Ngoài ra, việc sản xuất, kinh doanh, mua bán pháo hoa còn được quy định tại Luật Đầu tư 2020; Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh trật tự đối với một số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; Nghị định 137/2020/NĐ-CP, ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo.

Chủ đề Hà Tĩnh 24h

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói