Làng mật mía hơn 50 năm tuổi ở Hà Tĩnh đỏ lửa ngày đêm vẫn “cháy hàng”

(Baohatinh.vn) - Thời điểm này, làng mật mía ở xã Thọ Điền (Vũ Quang - Hà Tĩnh) lại nhộn nhịp đỏ lửa đêm ngày để cho ra những mẻ mật thơm lừng, chất lượng phục vụ thị trường tết Nguyên đán.

Làng mật mía hơn 50 năm tuổi ở Hà Tĩnh đỏ lửa ngày đêm vẫn “cháy hàng”

HTX Dịch vụ mật mía Sơn Thọ ở thôn 1 (xã Thọ Điền) tất bật chuẩn bị hàng cho khách.

Nghề ép mật mía ở xã Thọ Điền đã có hơn 50 năm nay. Hiện, toàn xã còn khoảng 100 hộ giữ nghề truyền thống này. Thời điểm này, bà con đang tất bật sản xuất vụ tết.

Tại HTX Dịch vụ mật mía Sơn Thọ ở thôn 1 (xã Thọ Điền), không khí sản xuất đang rất khẩn trương. Tiếng máy ép, tiếng sôi của mật mía hòa chung với sắc xuân đang dần chạm ngõ khiến cho cơ sở nhộn nhịp hơn bao giờ hết.

Làng mật mía hơn 50 năm tuổi ở Hà Tĩnh đỏ lửa ngày đêm vẫn “cháy hàng”

Chị Đoàn Thị Nhàn - Giám đốc HTX Dịch vụ mật mía Sơn Thọ rót mật vào chai để giao cho khách.

Chị Đoàn Thị Nhàn - Giám đốc HTX Dịch vụ mật mía Sơn Thọ cho biết: “Những ngày này, HTX làm việc hết công suất, khu vực bếp nấu gần như đỏ lửa cả ngày lẫn đêm. Hiện tại, mỗi ngày chúng tôi ép được khoảng 4 - 5 tấn mía tươi, tương đương nấu được khoảng 400 lít mật thương phẩm. Sản phẩm làm ra đến đâu được khách hàng và thương lái đặt mua hết đến đó, thậm chí có những lúc cháy hàng”.

Cũng theo chị Nhàn, với việc đưa máy móc hiện đại vào sản xuất, các quy trình chế biến đảm bảo vệ sinh nên sản phẩm mật mía của HTX bán rất được giá, khoảng 60 - 65 nghìn đồng/lít. Bên cạnh đó, những chai mật được đóng cẩn thận, có dán tem của HTX sẽ giúp sản phẩm mật mía Thọ Điền được người tiêu dùng tin tưởng hơn khi sử dụng.

Làng mật mía hơn 50 năm tuổi ở Hà Tĩnh đỏ lửa ngày đêm vẫn “cháy hàng”

Hiện tại, mỗi ngày, HTX Dịch vụ mật mía Sơn Thọ ép từ 4 - 5 tấn mía tươi, tương đương nấu được khoảng 400 lít mật thương phẩm.

“Năm 2020, sản phẩm mật mía của HTX được công nhận OCOP cấp tỉnh, đây là bước đệm để sản phẩm được khẳng định chất lượng và có thêm nhiều cơ hội mở rộng thị trường. Nhờ vậy, những ngày cuối năm, chúng tôi phải làm việc hết công suất để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy vất vả nhưng có thêm thu nhập và góp phần tiêu thụ mía cho bà con nên ai cũng phấn khởi” - chị Nhàn nói thêm.

Làng mật mía hơn 50 năm tuổi ở Hà Tĩnh đỏ lửa ngày đêm vẫn “cháy hàng”

Hiện tại, chị Thái Thị Hải Yến ở thôn 1 (xã Thọ Điền) đã “chốt đơn” được hơn 7 tạ mật mía cho khách vào dịp tết Nguyên đán.

Với truyền thống của làng nghề cộng với sự cần cù chịu khó, không ngừng đổi mới phương thức sản xuất, người dân Thọ Điền đang từng bước tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng tốt, vừa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, vừa tăng nguồn thu nhập cho bà con.

Chị Thái Thị Hải Yến ở thôn 1 (xã Thọ Điền) cho biết: “Tết năm trước, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên lượng khách đặt mua mật mía có giảm sút và vắng hơn các năm. Năm nay, theo đà phục hồi của thị trường, lượng khách đã tăng lên nhanh chóng, người dân đặt mua mật mía rất nhiều nên chúng tôi phải dậy lúc 4 giờ sáng để bắt đầu công việc. Đến thời điểm này, tôi đã “chốt đơn” được hơn 7 tạ mật, nên cả gia đình đang cố gắng làm việc để kịp trả đơn cho khách” - chị Yến phấn khởi chia sẻ.

Làng mật mía hơn 50 năm tuổi ở Hà Tĩnh đỏ lửa ngày đêm vẫn “cháy hàng”

Người dân xã Thọ Điền đưa sản phẩm mật mía lên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo... để tìm kiếm thị trường.

Để sản phẩm mật mía “bay đi muôn phương”, bên cạnh kênh bán hàng truyền thống, chị Yến cũng như nhiều hộ dân làm mật mía khác ở xã Thọ Điền đã sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo... để kết nối thị trường. Nhờ vậy, sản phẩm được nhiều người biết đến hơn.

Anh Nguyễn Bình (một người chuyên mua mật ở xã Thọ Điền) cho hay: “Vào thời điểm cận tết, tôi thường về xã Thọ Điền để thu mật mía. Mật ở đây đặc, thơm ngon, màu sắc đẹp mắt, đảm bảo vệ sinh nên được mọi người, mọi nhà ưa chuộng. Mỗi chuyến, tôi thu mua khoảng 3 tạ mật để làm bánh kẹo và bán cho khách quen”.

Làng mật mía hơn 50 năm tuổi ở Hà Tĩnh đỏ lửa ngày đêm vẫn “cháy hàng”

Dù đỏ lửa ngày đêm nhưng mật mía Thọ Điền vẫn không đủ bán cho khách.

Mặc cho cái rét tê tái của những ngày đông, bà con làm mật mía ở xã Thọ Điền vẫn miệt mài thức khuya dậy sớm, mỗi người một tay để kịp sản xuất phục vụ thị trường.

Dẫu vất vả nhưng khi thương hiệu mật mía được khách hàng gần xa biết đến và đặt hàng, người dân nơi đây lại có thêm động lực để cố gắng. Cứ thế, họ đã đưa hương mật thơm ngọt ngào đi đến nhiều vùng miền, khẳng định thương hiệu và chất lượng của nghề truyền thống ở huyện miền núi Vũ Quang.

Làng mật mía hơn 50 năm tuổi ở Hà Tĩnh đỏ lửa ngày đêm vẫn “cháy hàng”

Những mẻ mật thơm ngon, chất lượng ở xã Thọ Điền sẵn sàng phục vụ khách hàng dịp tết Nguyên đán.

Ông Nguyễn Đăng Nhàn - Chủ tịch UBND xã Thọ Điền cho biết: “Toàn xã sản xuất gần 30 ha mía, trung bình mỗi năm, làng mía Thọ Điền cung cấp ra thị trường gần 160 tấn mật thương phẩm, mang về cho người dân nguồn thu khá. Dịp tết năm nay, dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát nên sức tiêu thụ mật mía của khách hàng tăng cao, nhờ đó, công việc ép mía của bà con cũng trở nên bận rộn và sôi động hơn. Đặc biệt, thu nhập cao hơn năm ngoái nên bà con rất phấn khởi; ước tính toàn xã có doanh thu hơn 10 tỷ đồng.”

Để nghề ép mật không bị mai một, chính quyền địa phương đã hỗ trợ người dân xây dựng HTX Dịch vụ mật mía Sơn Thọ và hiện đang tiếp tục vận động người dân tham gia vào HTX để mở rộng quy mô, sản xuất tập trung, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện thu nhập cho người dân".

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast